Thực phẩm in 3D phục vụ người khó nuốt

29/11/2024 - 06:35

PNO - Một nhóm học giả tại Đại học Tây Anh (UWE Bristol) đã trở thành những người đầu tiên sử dụng máy in thực phẩm 3D dạng đùn để sản xuất các bữa ăn có nhiều thành phần, cân bằng dinh dưỡng và hấp dẫn về mặt thị giác, an toàn khi nuốt và tiêu hóa.

Máy in thực phẩm 3D và bữa ăn in 3D trong phòng thí nghiệm tại cơ sở Frenchay của UWE Bristol - Nguồn ảnh: UWE/SWNS
Máy in thực phẩm 3D và bữa ăn in 3D trong phòng thí nghiệm tại cơ sở Frenchay của UWE Bristol - Nguồn ảnh: UWE/SWNS

Theo ước tính, có 16% dân số Vương quốc Anh mắc chứng khó nuốt, tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi, bệnh nhân đột quỵ và bệnh nhân mất trí nhớ. Những người này cần thay đổi chế độ ăn uống để việc nuốt dễ dàng và an toàn hơn bằng cách ăn thức ăn xay nhuyễn, chất lỏng đặc hoặc thức ăn mềm. Tuy nhiên, thức ăn xay nhuyễn có thể nhạt nhẽo và không ngon về hương vị và kết cấu, thiếu sự đa dạng và hàm lượng dinh dưỡng.

Các bữa ăn được thực hiện trong nghiên cứu, do Alexandros Stratakos - phó giáo sư về sản xuất nông - thực phẩm bền vững tại UWE Bristol - đứng đầu, được phát triển cùng với các chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng để đảm bảo chúng là những món ăn đầy đủ, nhiều thành phần, giàu dinh dưỡng phù hợp với người bị chứng khó nuốt. Chúng được làm từ đậu Hà Lan xay nhuyễn, sữa chua Hy Lạp đã lọc, dầu ô liu nguyên chất, lá bạc hà hữu cơ dạng bột và nước dùng rau củ.

Stratakos cho biết: “Với thực phẩm in 3D của chúng tôi, nguy cơ các hạt thức ăn mắc kẹt trong cổ họng hoặc thực quản giảm đáng kể. Nó cũng ít phải nhai hơn và có cấu trúc đặc biệt giúp người bị chứng khó nuốt kiểm soát thức ăn tốt hơn”. Ông cũng nhấn mạnh: “Sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm đầu tiên phù hợp với những người mắc chứng khó nuốt đồng thời bổ dưỡng, ngon miệng và giàu calo”.

Các bữa ăn có thể được chế biến nhanh chóng (khoảng 20 phút) với nhiều kiểu mẫu và hình dạng hấp dẫn.
Một cuộc khảo sát cho thấy những bệnh nhân mắc chứng khó nuốt ở Anh và những người chăm sóc họ sẵn sàng mua những bữa ăn giàu chất xơ và protein này nếu chúng được bán trên thị trường. Sau thành công của nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhóm học giả hy vọng sẽ đảm bảo được nguồn tài trợ để tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Hà Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI