Thực phẩm hữu cơ tràn ngập thị trường: tiêu chuẩn vẫn... tù mù

24/08/2016 - 11:11

PNO - Dù rau và các thực phẩm hữu cơ được bày bán rất nhiều trên thị trường, nhưng không có những quy định cụ thể và tổ chức hợp pháp đứng ra giám sát và quản lí mặt hàng này.

“Tù mù” thực phẩm hữu cơ

“Đón sóng” nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, thời gian gần đây, thực phẩm dán nhãn organic nổi lên như một chứng nhận, đảm bảo về chất lượng. Không khó để tìm thấy các cửa hàng phân phối thực phẩm hữu cơ “nhan nhản” tại TP.HCM và Hà Nội, với đủ loại sản phẩm.

Tại một cửa hàng thực phẩm ở Mỗ Lao (Q.Hà Đông, Hà Nội), rau hữu cơ được bày tại một khu vực riêng. Rau muống, rau mùng tơi, cải… ở đây đắt gấp hai - ba lần so với giá thị trường, dao động trên 30.000đ/ kg. Nhân viên cửa hàng nói, rau hữu cơ được sản xuất với những tiêu chuẩn chặt chẽ như không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất kích thích tăng trưởng và chất biến đổi gen: “Rau hữu cơ không quá phong phú về chủng loại nhưng lại rất “hút hàng” bởi đã được chứng nhận bởi một hệ thống giám sát nghiêm ngặt”. Ngoài sản phẩm rau hữu cơ, cửa hàng này còn phân phối nhiều loại gạo hữu cơ với giá 65.000đ/kg.

Bày bán tràn lan trên thị trường, nhưng những quy định, tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ vẫn đang “tù mù”. Ông Trần Quân - chủ một chuỗi cửa hàng thực phẩm bày tỏ sự bức xúc, dù chính ông là người đứng ra phân phối rau hữu cơ: “Trên thị trường chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, định nghĩa thế nào là sản phẩm hữu cơ. Do đó, cũng chưa có cơ quan chính thống nào của nhà nước cấp cho người sản xuất chứng nhận những sản phẩm này. Chúng tôi là nhà phân phối rất cần giấy chứng nhận sản xuất để bản thân mình trước hết phải yên tâm. Nhưng nhà sản xuất không thể cung cấp được”.

Thuc pham huu co tran ngap thi truong: tieu chuan van... tu mu
Trên thị trường hiện chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng định nghĩa thế nào là sản phẩm hữu cơ

Ngoài ra, theo ông Quân, người tiêu dùng muốn nhận biết sản phẩm hữu cơ thì phải có giấy chứng nhận của đơn vị có thẩm quyền. Vì “lỗ hổng” này mà họ không tránh khỏi tâm lý hoài nghi. Thay vì những loại giấy chứng nhận có giá trị, người tiêu dùng chỉ có thể sử dụng “cảm quan”, đặt niềm tin vào những đơn vị phân phối mà họ cho rằng đảm bảo. Ông Quân chia sẻ: “Chúng tôi mất rất nhiều thời gian, tâm sức để giải thích với họ sản phẩm hữu cơ là gì, chất lượng ra sao… Ngành thực phẩm sạch và hữu cơ không phát triển được khi thông tin chưa rõ ràng và chưa được chính thức công nhận”.

Tiêu chuẩn chưa phải là... tiêu chuẩn

Trên thị trường hiện vẫn có nhiều mặt hàng như rau, gạo… đã được cấp chứng nhận “thực phẩm hữu cơ” do một số tổ chức đứng ra đánh giá. Có thể kể đến tiêu chuẩn hữu cơ của Ủy ban hữu cơ quốc gia - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Tiêu chuẩn hữu cơ Liên minh châu Âu (EU Organic Farming)… Tuy nhiên, chủ một đơn vị phân phối rau hữu cơ cho biết, do chi phí đánh giá của các đơn vị nước ngoài rất đắt đỏ nên giá của rau hữu cơ thường bị đội lên 60.000 - 70.000đ/kg.

Một chứng nhận khác khá phổ biến tại Hà Nội hiện nay là PGS, còn gọi là hệ thống bảo đảm cùng tham gia do Ban điều phối PGS Việt Nam đứng ra xác nhận. PGS được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) chấp nhận và phát triển từ năm 2004. Tuy nhiên, chính đại diện của PGS Việt Nam, bà Từ Thị Tuyết Nhung cũng thừa nhận: “Tại Việt Nam, chúng tôi chưa được công nhận hợp pháp mà mới chỉ được khách hàng chấp nhận trên thị trường”. Theo bà Nhung, từ năm 2005, bà đã nhiều lần đề xuất với Bộ NN-PTNT về việc xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ nhưng qua nhiều năm chưa được thực hiện. Trong điều kiện đó, PGS Việt Nam phải tự xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá người sản xuất và kết nối tới các cửa hàng kinh doanh.

Năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Tuy nhiên, bà Từ Thị Tuyết Nhung cho rằng, đây không được xem là bộ tiêu chuẩn mà “lai lai” với một bản hướng dẫn sản xuất! Đại diện PGS Việt Nam phân tích: “Đã gọi là bộ tiêu chuẩn thì phải có các quy định cụ thể, mang tính bắt buộc: người sản xuất được làm gì và không được làm gì chứ không dừng lại ở việc hướng dẫn một cách chung chung. Sau khi tiêu chuẩn ra thì phải có thông tư hướng dẫn để người dân áp dụng. Quy định ai là người giám sát để đánh giá tiêu chuẩn đó”. Bà Nhung nhấn mạnh: “Chưa có tiêu chuẩn cụ thể mà Bộ đã hướng dẫn áp dụng thì rất khập khiễng”.

Ông Nguyễn Như Cường - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, trước đây, Cục trực tiếp được giao nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, từ năm 2015, trách nhiệm này được giao cho Bộ KH-CN chủ trì. Ông Cườ ng thừa nhận, bộ tiêu chuẩn TC11041: 2015 về sản xuất hữu cơ thực ra dựa theo tài liệu hướng dẫn của nước ngoài nên chưa sát với thực tế sản xuất của Việt Nam: “Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có cuộc họp với Bộ KH-CN vì thực sự tiêu chuẩn hữu cơ này đối với Việt Nam chưa được sát lắm nên cần tiếp tục phối hợp để xây dựng chính sách phát triển hữu cơ phù hợp”.

Theo đại diện Cục Trồng trọt, trong tháng Tám, Bộ NN-PTNT tiếp tục có cuộc làm việc về nội dung này với Bộ KH-CN. Liên quan đến vấn đề ai sẽ là người đứng ra cấp chứng nhận thực phẩm hữu cơ, ông Cường cho hay: “Tiêu chuẩn do Bộ KH-CN ban hành nên đơn vị tiếp nhận là các cơ quan chuyên trách của bộ này. Tuy nhiên, việc chỉ định các tổ chức chứng nhận phù hợp sẽ do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đánh giá và xã hội hóa. Các tổ chức nghề nghiệp đảm bảo về điều kiện, chứng nhận thì đều có thể được tham gia”.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI