Trước dịch COVID-19, siêu thị Lotte Mart (quận 11 và quận Tân Bình) dành khá nhiều quầy để bày bán nông sản hữu cơ. Nhưng nay, siêu thị này chỉ bày bán chúng trong quầy nhỏ, chủ yếu là rau, củ và đều là hàng nhập nhẩu.
“Siêu thị có nhiều khách Hàn Quốc lui tới, chọn mua rau hữu cơ thượng hạng nhập khẩu nên siêu thị đang hướng tới phân khúc này. Đại đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn chọn sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP nên số lượng sản phẩm hữu cơ bày bán ít hơn trước” - nhân viên siêu thị này lý giải. Người Việt ít chọn nông sản hữu cơ là do giá cao gấp 5 lần nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chẳng hạn, giá bầu hữu cơ là 120.000 đồng/kg, bầu theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ 23.000 đồng/kg; giá bông cải xanh hữu cơ Úc 260.000 đồng/kg, bông cải xanh Đà Lạt chỉ 70.000 đồng/kg.
Trong siêu thị Emart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), các sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn 5-6 lần sản phẩm VietGAP. Như giá bắp cải đỏ Úc AntFarm 240.000 đồng/kg, trong khi bắp cải tím Đà Lạt chỉ 64.900 đồng/kg; bắp cải xoăn Úc 299.000 đồng/kg, còn sản phẩm tương tự có xuất xứ Việt Nam (bắp cải trái tim) chỉ 30.000-55.000 đồng/kg. Theo đại diện hệ thống Emart, do sức tiêu thụ không cao nên các sản phẩm hữu cơ chỉ chiếm khoảng 5% trong cơ cấu hàng hóa của siêu thị này. So với trước dịch, mức tiêu thụ các sản phẩm này không tăng, thậm chí giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi các sản phẩm này có giá bán cao.
Còn trong hệ thống siêu thị Co.opmart và MM Mega Market, số thực phẩm hữu cơ cũng chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng cơ cấu hàng hóa trên quầy kệ. Ông Đinh Quang Khôi - Giám đốc marketing MM Mega Market - cho rằng, giá cả là rào cản lớn nhất khiến sản phẩm hữu cơ chưa thể tăng tỉ lệ trong siêu thị.
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - đánh giá, trước dịch, thực phẩm hữu cơ nổi lên và được người tiêu dùng hăm hở đón nhận. Khi đó, rất nhiều nhà sản xuất, bán lẻ đã mở rộng kinh doanh các sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, từ khi có dịch COVID-19, sức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ chậm lại dẫn tới cơ cấu sản phẩm này ở các kênh bán lẻ hiện đại bị thu hẹp. Từ đầu năm 2024 tới nay, sức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ khá hơn nhưng vẫn chưa đáng kể.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm hữu cơ trong Emart Phan Văn Trị, quận Gò Vấp - Ảnh: Mai Ca
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ những đơn vị kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi, có quy mô lớn như Everyday Organic, Organic Food, Organica… vẫn giữ nguyên số cửa hàng so với trước dịch COVID-19, còn các điểm kinh doanh nhỏ lẻ dạng cá nhân, hộ gia đình hầu hết phải đóng cửa do lượng khách mua thưa thớt.
Bà Đặng Thái Phương Anh - Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica - cho biết, sức mua sản phẩm hữu cơ hiện nay chỉ tương đương với năm 2023 và thấp hơn so với trước dịch. Bà lý giải, sau dịch, kinh tế khó khăn, thu nhập của nhiều người bị giảm nên chi tiêu cũng giảm, mà thực phẩm hữu cơ lại được coi là dòng sản phẩm cao cấp, giá cao. Cũng có thể do có thêm nhiều cửa hàng thực phẩm cạnh tranh hơn nên khách hàng bị chia nhỏ cho nhiều thương hiệu. Hơn nữa, giá thuê mặt bằng ở khu trung tâm vẫn ở mức cao là gánh nặng rất lớn đối với nhà bán lẻ nói chung và bán lẻ thực phẩm hữu cơ nói riêng. Vì vậy, các chủ thương hiệu phải đóng cửa bớt cửa hàng, rút khỏi thị trường hoặc chuyển ra xa khu trung tâm hơn để có mức giá thuê rẻ hơn.
“Thực phẩm hữu cơ bùng nổ trên các sàn thương mại điện tử, ai có vài ba sản phẩm cũng có thể mở gian hàng. Điều này giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn nhưng cũng gây khó cho các đơn vị bán lẻ bởi bán trên mạng thì không phải chịu chi phí mặt bằng, nhân sự, thuế nên giá thường thấp hơn” - bà Phương Anh phân tích.
Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng
Năm 2018, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An dành 100ha đất để canh tác lúa hữu cơ, gạo được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ thế giới cấp chứng nhận hữu cơ. Tuy vậy, sau gần 7 năm thực hiện, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty - cho biết, công ty vẫn không tăng diện tích trồng lúa hữu cơ và chỉ sản xuất 1 vụ/năm với sản lượng khoảng 300 tấn gạo. Đó là do mức chênh lệch giá của sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường lớn nên sức tiêu thụ yếu. Thêm nữa, người tiêu dùng vẫn chưa có lòng tin vào nhà sản xuất.
Ông nói: “Việc đầu tư vùng trồng lúa hữu cơ của chúng tôi vừa nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vừa để xây dựng thương hiệu gạo sạch Việt Nam. Còn nếu tính về hiệu quả sản xuất thì giá bán 50.000 đồng/kg gạo hữu cơ là chưa tương xứng với chi phí sản xuất, nhưng nếu giá đắt hơn thì không ai mua”.
Ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh - cho biết, cà phê, tiêu hữu cơ của công ty ông chỉ dùng để xuất khẩu. Những tháng đầu năm 2024, doanh thu sản phẩm hữu cơ trên thị trường nội địa lạc quan hơn một chút, nhưng doanh thu tăng không đáng kể, trong khi doanh thu xuất khẩu luôn tăng trưởng gấp 2-3 lần.
Còn ông Võ Quan Hy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - lý giải, các doanh nghiệp, trang trại không mạnh dạn sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc chỉ sản xuất với quy mô nhỏ là do không có không gian để làm nông nghiệp hữu cơ khi mà nhiều trang trại hữu cơ nằm sát các trang trại sản xuất thông thường, dễ bị nhiễm các loại hóa chất vào nông sản. Quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ khá phức tạp, tốn kém, sản lượng thì thấp, khả năng thất thu rất cao, trong khi người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ nên chưa chấp nhận chi trả đúng với giá trị của sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, để tăng tỉ lệ sản phẩm hữu cơ trên thị trường, cần kéo giảm giá thành, có quy chuẩn chung về cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ (Việt Nam chưa có quy chuẩn chung, doanh nghiệp tự đánh giá theo thang bậc quốc tế), đồng thời phải truyền thông để người tiêu dùng thấy được sự khác biệt rõ rệt của sản phẩm hữu cơ. “Muốn giảm giá thành, cần có nhạc trưởng định hướng ở tầm vĩ mô để có quy hoạch đồng bộ về nguồn nguyên liệu sản xuất, có sự phân công giữa các địa phương; các doanh nghiệp cũng cần xác định lộ trình chuyển đổi từ sản phẩm bình thường sang sản phẩm hữu cơ” - ông nói.
Ông Ưng Thế Lãm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Làm nông minh bạch 007 - nhận định, nhà cung cấp sản phẩm hữu cơ không dễ đưa sản phẩm vào cửa hàng, siêu thị, hội chợ triển lãm, phải đối mặt với nhiều rào cản về thủ tục, giấy tờ. Trong khi đó, chính những nơi này vẫn để lọt hàng kém chất lượng vào khiến “vàng thau lẫn lộn” làm sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm hữu cơ. Người dùng vẫn chưa thể tự kiểm chứng được chất lượng của sản phẩm hữu cơ khi chưa có một hệ thống chứng nhận rõ ràng và đáng tin cậy.
Theo ông, để tăng niềm tin cho người tiêu dùng, cần quy định rõ mã QR dán trên sản phẩm có những thông tin gì, có đúng tiêu chuẩn chất lượng đã được đăng ký hay không, đơn vị nào quản lý và kiểm tra mã này, làm thế nào để biết sản phẩm là hữu cơ hay không. “Nên có những kênh riêng để người tiêu dùng nắm được thông tin về tiêu chuẩn chất lượng sản xuất, canh tác của sản phẩm hoặc tự đánh giá được chất lượng sản phẩm. Còn nếu vẫn để như hiện nay thì người tiêu dùng sẽ không có niềm tin với sản phẩm hữu cơ” - ông Ưng Thế Lãm nói.
Việc dùng thực phẩm hữu cơ vẫn chưa phổ biến
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen, có hơn 80% người tiêu dùng cho rằng thực phẩm hữu cơ rất đa dạng về chủng loại (như thịt, hải sản, rau củ…), việc tiếp cận thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam hiện nay là dễ dàng, tuy nhiên việc tiêu dùng lại chưa thực sự phổ biến. Cụ thể, có 24% người được khảo sát cho biết họ tiêu dùng thực phẩm hữu cơ hằng ngày, 16% tiêu dùng thực phẩm hữu cơ 4-5 lần/tuần, 21% tiêu dùng thực phẩm hữu cơ 2-3 lần/tuần, 38,49% tiêu dùng còn lại tiêu dùng thực phẩm hữu cơ 1 lần/tuần, 2-3 lần/tháng hoặc không thường xuyên. Trong đó, số người không thường xuyên dùng thực phẩm hữu cơ chiếm tới 29%.
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.
Lúng túng với công nghệ, bị trừ nhiều khoản phí khi được nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng nên một bộ phận người cao tuổi chỉ muốn nhận "tiền tươi".
Sau khi giảm còn 83,5 triệu đồng/lượng vào cuối tuần qua, giá vàng nhanh chóng tăng trở lại 500.000 đồng/lượng, hiện đang giao dịch mốc 84 triệu đồng/lượng.