Theo quy định, các mặt hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến phải ghi rõ "đát" (date - ngày sản xuất, hạn sử dụng) trên nhãn. Tuy nhiên, tại các chợ, các mặt hàng như trứng, chao, các loại mứt, chả, cá viên… là thực phẩm dễ hư hỏng, dễ sinh vi khuẩn nhưng không hề có hạn sử dụng (HSD).
Để bao lâu cũng được
Trứng gà, vịt là món ăn phổ biến của nhiều người nhưng rất ít người quan tâm đến HSD. Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, mặt hàng trứng được đóng vỉ, ghi HSD, còn trứng được bán tại các chợ, cửa hàng, lề đường đa số không có thời hạn.
Ghé một cơ sở chuyên cung cấp trứng trên đường Phan Văn Đối (H.Hóc Môn, TP.HCM), chúng tôi thấy trứng được chất đống trên các khay, không hề có thông tin gì về sản phẩm ngoài tấm bảng ghi giá. Dưới sàn nhà, la liệt các hộp xốp đựng trứng, không hề có tem, nhãn, HSD.
Bà T. - chủ cơ sở cho biết, bà thu gom trứng tại các tỉnh miền Tây, sau khi vận chuyển về cơ sở, trứng được lau sạch rồi đóng vỉ đem giao cho các chợ trên địa bàn TP.HCM như H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, Q.12. Mỗi lần bà T. thu gom vài trăm ngàn trứng, chia đều ra bỏ mối trong một tháng, tháng nào tiểu thương bán đắt thì bỏ mối hết, tháng nào bán ế thì giữ lại đến tháng sau, giữ lâu quá, trứng bị cũ, ung thì bán lại cho các quán cơm.
Chúng tôi nhẩm tính, thấy số trứng trên đã “lưu trú” tại cơ sở bà T. từ 15 - 30 ngày, từ tiểu thương đến người tiêu dùng phải mất từ 5 - 20 ngày nữa. Tại các chợ chiều trong các khu công nghiệp như Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh), Tân Tạo (Q.Bình Tân), trứng được đổ đống trên tấm bạt để dưới đất, không hề có thông tin hay HSD.
|
Trứng, chao là thực phẩm dùng hàng ngày nhưng người tiêu dùng ít quan tâm về HSD |
Bà T. và tất cả tiểu thương đều khẳng định: “Người ta còn ăn trứng ung, trứng thối để trị bệnh, nếu quá HSD cũng không sao”. Trong khi đó, sản phẩm trứng của các thương hiệu đều có HSD trong vòng 10 ngày nếu bảo quản ở nhiệt độ thường, trong vòng một tháng nếu bảo quản ở nhiệt độ mát.
Ngoài trứng, các loại bánh, mứt cũng có tình trạng tương tự. Đến chợ Bình Tây (Q.6), chợ An Đông (Q.5), chợ Tân Định (Q.1)… sẽ thấy các loại nho khô, chà là, hạt sen, chùm ruột, me… chỉ đựng trong các bao giấy cứng hoặc các khay inox, không hề có thông tin sản phẩm. Khách mua sẽ không biết được mứt này vừa mới sản xuất hay sản xuất từ Tết năm rồi.
Tại chợ Bình Tây, một tiểu thương thừa nhận, mứt nhập về rất nhiều, bán Tết không hết nên để dành bán sau Tết là chuyện thường. Mứt có HSD rất dài, từ sáu tháng đến một năm vì được bảo quản bằng đường. Ngoài mứt xá, nhiều loại hàng xá khác như bột nêm, bột ngọt, dầu ăn, đường… chỉ đựng trong bao ni lông, chai nhựa, cũng không hề có HSD.
Tại hầu hết các chợ, không khó để bắt gặp các loại thực phẩm đông lạnh như chả lụa, bò viên, cá viên, tàu hủ ky; các loại gia vị như chao, nước tương, nước mắm… được bày ra phơi ngoài trời từ sáng sớm đến chiều tối, không có bao bì, nhãn mác. Sau khi bán không hết, tiểu thương đem ướp lạnh rồi bán từ ngày này sang ngày khác.
Tại nhiều đường như Đồng Đen (Q.Tân Bình), Âu Dương Lân (Q.8), rất nhiều hộ gia đình làm chao, đựng trong các keo thủy tinh rồi bày bán ngoài đường, người bán cho biết: chao là loại rất đặc biệt, để càng lâu ăn càng ngon nên không cần HSD. Có lẽ vì thế người tiêu dùng không quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm cũng như hạn dùng. Trong khi các loại chao bán tại các cửa hàng, siêu thị đều có HSD từ sáu tháng đến một năm.
Xử lý chưa triệt để?
Tại điều 9 Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BTC về in hạn sử dụng và ngày sản xuất trên bao bì có quy định:
Đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn thì nhà sản xuất phải đảm bảo thông tin chính xác, trung thực về ngày sản xuất, thời hạn SD ghi trên nhãn thực phẩm. Thời hạn SD phải ghi trên bao bì ngoài. Cụ thể, ngày và tháng đối với sản phẩm có thời hạn SD không quá ba tháng, tháng và năm đối với sản phẩm có HSD trên ba tháng.
Đối với các sản phẩm như bánh mì hoặc bánh ngọt được tiêu thụ trong vòng 24 giờ sau khi sản xuất, giấm ăn, muối dùng cho thực phẩm, đường ở thể rắn không bắt buộc ghi HSD nhưng phải ghi ngày sản xuất.
Riêng đối với các sản phẩm như đồ uống có chứa tối thiểu 10% nồng độ cồn theo thể tích thì không bắt buộc ghi ngày sản xuất và HSD. Từ quy định trên cho thấy, rất nhiều sản phẩm bán tại chợ hiện nay không ghi ngày sản xuất, HSD là sai phạm.
Các ban quản lý chợ cũng thừa nhận hiện tại chợ có tình trạng buôn bán những mặt hàng không nhãn mác, không HSD để đáp ứng nhu cầu của một số quán ăn, người lao động nghèo vì các sản phẩm này có giá rẻ. Ban quản lý chợ chỉ có thể can thiệp bằng cách thường xuyên phát loa tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các ngành hàng phải bán sản phẩm có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ… Có chợ, nếu vi phạm lần đầu, ban quản lý sẽ nhắc nhở, nếu vi phạm lần hai sẽ lập biên bản, lần ba cũng chỉ dừng lại ở việc đình chỉ buôn bán từ babảy ngày. Việc xử lý mạnh tay hơn thuộc tránh nhiệm của UBND phường và đoàn kiểm tra của quận.
Những tháng đầu năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với công an TP.HCM, đội cảnh sát kinh tế các quận kiểm tra thu giữ hơn 50.000 quả trứng không rõ nguồn gốc; 300 tấn phụ gia thực phẩm quá HSD. Riêng trong tháng Tám, đã tạm giữ 100kg và 2.341 đơn vị sản phẩm các mặt hàng nho khô, chao… do không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, việc xử lý “nhỏ giọt” hầu như không đủ sức răn đe. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, không HSD vẫn ngang nhiên phủ các chợ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Thanh Hoa