TPCN "nổ" như thần dược
Mặc dù các sản phẩm này chỉ là TPCN nhưng tại nhiều website, các doanh nghiệp tha hồ “nổ”, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, uống vô bệnh gì cũng trị được.
Chẳng hạn, tại website: herbalifevietnam.com.vn, sản phẩm vitamin Herbalife F2 quảng cáo có khả năng chống lão hóa. Riêng sản phẩm lô hội Herbalife quảng cáo có khả năng chống táo bón và mặc dù là TPCN nhưng bên dưới không hề để dòng lưu ý “thực phẩm này không phải là thuốc, nên không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” theo quy định.
Còn tại website: congtyherbalifevietnam.com, sản phẩm trà thảo mộc cô đặc giảm cân Herbalife Tea Concentrate quảng cáo giống thuốc trị bệnh như chống oxy hóa, chống loạn nhịp tim, điều chỉnh huyết áp…
Nhìn vào cách đặt tên sản phẩm, đường dẫn (link) trang quảng cáo, nhiều người rất dễ nhầm tưởng đây là sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty Herbalife. Tuy nhiên, khi xác nhận với Công ty TNHH Một Thành Viên Herbalife Việt Nam (Địa chỉ: Số 26 đường Trần Cao Vân, Phường 06, Quận 3, TP.HCM) thì đại diện doanh nghiệp này xác nhận, toàn bộ các trang này giả mạo Herbalife. Doanh nghiệp này cũng đã chủ động cung cấp các trang này cho Cục ATVSTP để xác minh.
Còn tại website suckhoenguoiviet... thương hiệu xương khớp MH của công ty TNHH Mộc Hoa Đường (số nhà 07, Lô L2, Dự án khu nhà ở thấp tầng Hải Ngân, thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà nội công bố và chịu trách nhiệm quảng cáo sản phẩm tựa như... “thần dược”.
Mở đầu trang website là hình ảnh người dân xếp hàng, chen chúc chờ đến lượt khám. Dễ dàng nhìn thấy đây là hình ảnh được cắt ghép và sử dụng phần mềm sửa chữa ảnh photoshop để đánh lừa người tiêu dùng. Bên dưới là bài viết của các bệnh nhân ca ngợi về sản phẩm như: “đi bệnh viện tỉnh điều trị cả tháng mà vẫn đau đớn, không đi lại được. Nhưng khi dùng chữa đau nhức xương khớp gia truyền MH của ông Tuấn này điều trị tới tuần thứ 3 bệnh đỡ rõ rệt, đi lại dễ dàng, các khớp không còn đau nữa và sau 2 tháng đã khỏi bệnh”.
|
Hình ảnh photoshop giả nhằm quảng cáo thương hiệu xương khớp MH |
Tại một số website baovekhop..., hotrochuabenhviemk... cũng xuất hiện nhiều bài viết quảng cáo tân bốc công dụng của sản phẩm này được đăng trên các trang báo nổi tiếng, nhưng khi nhấp vào các đường link thì lại hiện ra các trang website giả mạo được thiết kế tựa như trang báo điện tử.
Ngoài ra, tại các trang website này cách quảng cáo có dấu hiệu “gian dối” khi nhà sản xuất liên tục tự post bài, tự vào bình luận, ở cuối trang liên tục nhảy lên số điện thoại, tên khách hàng đặt mua sản phẩm (cách 3 giây có một vị khách đặt mua)... để người tiêu dùng tưởng rằng sản phẩm bán rất chạy. Tuy nhiên, nhìn vào những chi tiết trên, không phải người tiêu dùng cũng đủ tỉnh táo hoặc đủ kiến thức nhìn thấy được những chiêu trò giả mạo, gian lận này.
|
Sản phẩm M-PHÉ quảng cáo có khả năng điều trị được rối loạn cương dương |
Hay như sản phẩm M-PHÉ do Công ty TNHH Dược phẩm Tân Bách Tùng ở địa chỉ số nhà 46, ngõ 268 phố Lê Trọng Tấn, Tổ 37, Phường Định Công, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội, công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm cũng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, có thể điều trị được chứng rối loạn cương dương tại website trungtamthuoc..., mega3....
Chối khi bị “sờ gáy”
Trước thực trạng này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã mời Công ty TNHH Dược phẩm Tân Bách Tùng lên làm việc, tuy nhiên đại diện công ty khẳng định sản phẩm TPBVSK M-PHÉ đang quảng cáo sai phạm trên các trang website không phải do công ty thực hiện. Công ty không chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với sản phẩm được quảng cáo trên các website này.
Tương tự, với các trang sử dụng tên Herbalife, Cục An toàn thực phẩm phát hiện ra các website quảng cáo sai phạm. Phía công ty Herbalife cũng khẳng định những quảng cáo này trên không phải do công ty thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website này.
“Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm Herbalife tại website nêu trên”, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo.
Theo cục An toàn thực phẩm, không riêng gì các doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất TPCN khi bị cơ quan mời lên làm viêc không thừa nhận sản phẩm quảng cáo trên các website đó là của mình, từ đó doanh nghiệp không chịu trách nhiệm.
Một doanh nghiệp chuyên sản xuất TPCN tại TP.HCM cho rằng, nếu doanh nghiệp không thực hiện quảng cáo trên các website này chẳng lẽ một doanh nghiệp khác hoặc một người nào đó tự lập các trang website rồi quảng cáo dùm?
Rõ ràng có những doanh nghiệp thực phẩm chức năng đang lách luật để “lộng hành”. Còn Cục An toàn thực phẩm thì đành “bó tay” và chỉ dừng lại ở mức cảnh báo đến người tiêu dùng không mua sản phẩm tại các website đó.
“Cục có trả lời rằng với những trường hợp doanh nghiệp “chối” không thực hiện quảng cáo trên các website trên thì buộc phải chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị cấp giấy phép thành lập trang website) để xử lý theo quy định. Tuy nhiên không rõ việc xử lý ra sao mà các website này vẫn tồn tại nhan nhản, còn các doanh nghiệp mặc sức quảng cáo “lố” tính năng mà không sợ xử phạt” – Doanh nghiệp này bức xúc nói.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, để việc quản lý có hiệu quả hơn nữa, tránh tình trạng doanh nghiệp “lờn” luật, nên tăng cường rà soát, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm, rốt ráo hơn nữa những đơn vị quảng cáo sai phạm. Bởi hậu quả của việc người dân tưởng nhầm TPCN là thuốc rất nặng nề, đôi khi đánh đổi bằng cả tính mạng.
Thanh Hoa