edf40wrjww2tblPage:Content
“Già không bỏ, nhỏ không tha”
Thực phẩm cho người bệnh có rất nhiều dạng khác nhau: hạt, lá, quả, nấm, sâm thiên nhiên, gọi chung là TPHT; dạng chiết xuất từ thiên nhiên và tổng hợp thường được gọi là TPCN.
Quả óc chó, hạt methi, hạt chia… là những thực phẩm ngoại nhập hiện được bày bán ở rất nhiều nơi và được giới thiệu như thuốc trị bá bệnh: tiểu đường, tim mạch, gan, ung thư, béo phì… Nhân viên tại một cửa hàng TPCN trên đường Trần Đình Xu (Q.1, TP.HCM) giới thiệu: “Hạt chia dùng thường xuyên sẽ không lo bị tăng cân, nếu bị béo phì thì sẽ giảm cân hiệu quả; nó cũng rất tốt cho người bị tim mạch vì giúp hạ cholesterol, chống đột quỵ, hạ huyết áp; nếu bé biếng ăn, cho ăn hạt chia sẽ bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng…”. Tương tự, hạt methi cũng được giới thiệu là có thể chữa được bệnh tiểu đường, giảm cholesterol, chống viêm; quả óc chó chữa được các loại bệnh từ tiểu đường, tim mạch, sỏi túi mật, yếu sinh lý đến ung thư… Giá mỗi cân hạt chia lên đến cả triệu đồng, hạt methi từ 220.000-250.000đ/kg, quả óc chó từ 400.000-500.000đ/kg.
Nhiều loại sữa cũng được quảng cáo dành riêng cho người tiểu đường, tim mạch, suy dinh dưỡng, béo phì...
Hằng, chủ một đại lý của nhãn hiệu TPCN Vision (đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nói liên tục gần nửa giờ khi chúng tôi tìm mua sản phẩm cho người bị bệnh tim mạch. Cô đưa ra bốn hộp khác nhau và tư vấn: “Uống vào sẽ giúp lòng mạch máu mềm, không bị xơ cứng, tẩy rửa mỡ bám, thải độc tố, bảo vệ tế bào, kiểm soát cân nặng…”. Không rõ cô ta dựa vào đâu mà dám khẳng định: “Có thuốc rồi không phải lo gì cả, cứ ăn uống thoải mái. Thuốc sẽ kiểm soát tất cả cho mình(!?)”. Mỗi hộp có giá 450.000-500.000đ, vị chi người bệnh tốn khoảng hai triệu đồng/tháng. Cô cho biết, muốn hiệu quả thì cần uống năm-sáu tháng, sau đó sẽ uống thêm những loại khác.
Tại cửa hàng chuyên bán thực phẩm dành cho trẻ em trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), các loại kẹo dành cho trẻ biếng ăn Gummy được trưng bày riêng trên một kệ đặt ngay quầy thu ngân. Nhân viên bán hàng nhiệt tình giới thiệu: “Đây là hàng nhập từ Mỹ, có ba loại: vitamin tổng hợp, bổ sung canxi, bổ sung omega-3. Bé biếng ăn sẽ thiếu chất. Chị nên dùng cả ba loại vừa đầy đủ chất cho bé, vừa kích thích bé ăn ngon miệng hơn”. Mỗi hộp 70 viên có giá từ 220.000-250.000đ. Theo người bán hàng thì trẻ cần dùng ít nhất từ một-ba tháng, thậm chí khi bé ăn uống tốt vẫn cứ nên bổ sung (!?).
Một loạt shop bán hàng xách tay dành cho trẻ em trên đường Võ Văn Tần, CMT8, Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Cộng Hòa… còn có nhiều dạng si-rô, kẹo, cốm nhập từ Mỹ, Pháp, Úc… như Centrum Kids, Pedia Kid, ChildLife, PNKid, Sanostol, Kidcare, cốm calsure, với lời giới thiệu hấp dẫn “sau khi dùng bé sẽ có cảm giác thèm ăn liên tục, ăn ngon”. Giá mỗi sản phẩm khoảng 300.000-500.000đ, dùng trong vòng một tháng. Người bán còn khuyên nên kết hợp nhiều loại khác nhau như: vitamin C, sữa non, men tiêu hóa… để tăng tác dụng. Phục vụ cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng còn có loại hồng sâm baby giá trên một triệu đồng/hộp (nhiều gói), dùng trong một tháng.
Khi chúng tôi muốn tìm hiểu loại TPCN cho bé, nhân viên một cửa hàng trên đường Trần Đình Xu, Q.1 giới thiệu một loại có tên Kẽm Nhật và “thòng” thêm câu: “loại này cả nhà chị dùng đều tốt vì giúp chị trị mụn, giúp anh tăng sinh lực, giúp bé không còn suy dinh dưỡng”.
Nhiều loại thực phẩm chức năng được bày bán tại cửa hàng Medicare trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh minh họa: Phùng Huy
Niềm tin mù quáng
Đặc điểm chung của các bệnh mạn tính là cần được điều trị và theo dõi suốt đời cùng với một chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp. Điều này không dễ thực hiện. Do vậy, khi nghe có sản phẩm nào giúp bảo đảm sức khỏe mà không cần phải uống thuốc, cũng không phải có sự khắt khe trong ăn uống, luyện tập, nhiều bệnh nhân ngay lập tức tìm mua. TS-BS Nguyễn Thị Sơn lo ngại: “Điều nguy hiểm là nhiều bệnh nhân có suy nghĩ rằng TPHT, TPCN có thể thay thế thuốc chữa bệnh, thậm chí "thần kỳ" hơn cả thuốc. Khi dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, họ được yêu cầu có chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp. Nhưng khi dùng TPCN, họ thường được người bán quảng cáo rằng sẽ giảm bệnh mà không cần tập luyện nên họ mê ngay”.
Chị Lê Dung (ngụ Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, mẹ chị 70 tuổi, mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, máu nhiễm mỡ, đau khớp, tiểu đường… Đang uống thuốc theo toa bác sĩ, nghe giới thiệu Cholessen “có tác dụng hỗ trợ điều trị tận gốc các bệnh như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, các bệnh về tim mạch”, bà liền đòi bỏ ngang để dùng Cholessen… Chị Dung lo lắng: “Tôi không biết hiệu quả của Cholessen tới đâu, nhưng bệnh của bà bỏ thuốc tây thì không ổn vì có ngày bà quên uống thuốc, tim đập mạnh, huyết áp tăng lập tức”.
Bà Tâm (72 tuổi, ngụ Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bị bệnh tiểu đường, máu nhiễm mỡ, nghe lời bạn bè một mực đòi con gái mua cho đủ loại sữa dành cho người tiểu đường, sữa ít béo dành cho người béo phì, sữa tốt cho người bệnh tim mạch.
Vì có niềm tin nên ban đầu dùng TPHT, TPCN, bệnh nhân thường cảm thấy thoải mái, vui khỏe và lơ là việc kiểm soát đường huyết, huyết áp, các chỉ số liên quan. Đến khi bệnh phát trở lại thì thường đã nặng.
TS-BS Nguyễn Thị Sơn cho biết: có người bị tiểu đường đang được điều trị theo y học cổ truyền, đường huyết khá ổn định. Nghe quảng cáo loại hạt methi có thể chữa được bệnh tiểu đường, liền ngưng thuốc chuyển sang dùng hạt này. Hậu quả, khoảng hai tháng sau, bệnh nhân này quay lại gặp bác sĩ thì bệnh tiểu đường đã trở nặng. Trường hợp khác, bệnh nhân đang điều trị bệnh cao huyết áp thì ngưng và chuyển sang dùng TPCN. Không lâu sau, huyết áp của bệnh nhân bất ngờ tăng vọt và biến chứng sang tai biến mạch máu não, đột quỵ...
Chỉ là sản phẩm dinh dưỡng
ThS-BS Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch BV Q.2 khẳng định: “TPHT, TPCN là sản phẩm dinh dưỡng, không phải là thuốc, chỉ mang tính hỗ trợ, không thể thay thế thuốc. Chúng đang được quảng cáo quá mức, gây lầm tưởng cho nhiều người”. Hầu hết các loại TPCN đều được bán với giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực. Người bệnh đã bị “móc túi” mà không hề biết”. BS Hoàng Thị Thanh Thủy, BV Nhi Đồng 1 đồng tình: “Nhiều loại TPCN quá đắt nhưng hiệu quả lại không rõ ràng”.
BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 2, khuyến cáo các phụ huynh: Việc lạm dụng các loại bánh, kẹo vitamin, cốm, si-rô dành cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng có thể gây hại cho trẻ. Trẻ em thường thích ăn vặt, nhất là bánh kẹo. Nếu dùng bánh kẹo có men tiêu hóa, lúc đầu sẽ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, nhưng dùng thường xuyên, có thể làm bé ghiền ăn bánh kẹo, chê thức ăn chính, dễ bị sâu răng, bị tiêu hao canxi và vitamin B1, giảm sút khả năng chống chọi với bệnh tật... từ đó làm tăng khả năng mắc bệnh.
“Người bị các bệnh lý mạn tính nên được theo dõi bởi thầy thuốc chuyên khoa. Điều quan trọng là phải kiên trì với chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thể chất phù hợp với từng loại bệnh cụ thể. Nếu muốn bổ sung TPCN, nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để hiểu rõ về thành phần sản phẩm, công dụng cũng như cách sử dụng” - TS-BS Nguyễn Thị Sơn lưu ý.
An Hà - Nguyễn Cẩm