Thực phẩm “cận date” hấp dẫn người tiêu dùng

22/03/2022 - 06:08

PNO - Tại Trung Quốc, người tiêu dùng trẻ tuổi ngày càng quan tâm đến việc mua thực phẩm sắp hết hạn và ngành công nghiệp “cận date” này có thể giúp chống lại vấn đề lãng phí thực phẩm tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Xu hướng tiết kiệm

Theo báo cáo của iiMedia Research Consulting, ngành công nghiệp thực phẩm sắp hết hạn sử dụng (cận date) ở Trung Quốc đạt quy mô thị trường 5 tỷ USD vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng 6% mỗi năm cho đến 2025. Nhiều phương thức mới đã giúp thị trường phát triển, từ việc bán hàng trong siêu thị và cửa hàng tiện lợi, sản phẩm "cận date" trở nên sẵn có trên các nền tảng trực tuyến, đồng thời thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp chuyên bán các mặt hàng sắp hết hạn. Một người dùng trên nền tảng Weibo giải thích: “Vì đồ ăn nhẹ nhập khẩu quá đắt, mọi người mua chúng gần ngày hết hạn để có giá rẻ hơn”.

Theo báo cáo năm 2015 của Học viện Khoa học Trung Quốc, hơn 35 triệu tấn thực phẩm - tương đương 6% tổng sản lượng lương thực của Trung Quốc - bị thất thoát hoặc lãng phí hằng năm, với khoảng một nửa nằm ở khâu bán lẻ hoặc tiêu dùng cuối chuỗi cung ứng. Trong đại dịch, nhiều người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến, điều này tạo cơ hội cho thực phẩm “cận date” xâm nhập vào thị trường. Năm 2021, Trung Quốc chứng kiến ​​sự gia tăng các công ty tham gia vào thị trường thực phẩm “cận date”, từ 12 doanh nghiệp năm 2020 lên 68 vào năm 2021. 

“Săn” thực phẩm sắp hết hạn, giảm giá trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến khi giá lương thực tăng cao - ẢNH: EPA
“Săn” thực phẩm sắp hết hạn, giảm giá trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến khi giá lương thực tăng cao - Ảnh: EPA

Liu Jiayong - bác sĩ tại Bắc Kinh với hơn 500.000 người theo dõi trên Weibo - chia sẻ một video về thực phẩm sắp hết hạn sử dụng và nói rằng: “Những mặt hàng này vẫn tốt cho sức khỏe vì chúng chưa hết hạn sử dụng, đồng thời rẻ hơn và giúp ích cho môi trường”.

Trên nền tảng Douban, nhóm cộng đồng trực tuyến “Tôi yêu thực phẩm sắp hết hạn sử dụng” đã có hơn 90.000 thành viên kể từ khi ra mắt vào tháng 9/2020. Nhìn chung, đồ ăn nhẹ phổ biến nhất trên thị trường thực phẩm sắp hết date, nơi thế hệ trẻ là người tiêu dùng chính. Tuy nhiên, người tiêu dùng ở các cấp độ khác nhau có những sự quan tâm khác nhau. Ví dụ, dân văn phòng và sinh viên yêu thích các sản phẩm giá rẻ và hợp túi tiền, trong khi người dùng ở các vùng nông thôn hiếm khi tiêu dùng các sản phẩm ngoại trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, mua đồ ăn vặt nhập khẩu “cận date” từ các nền tảng thương mại điện tử là một cách tuyệt vời để thỏa mãn sự tò mò và nhu cầu với giá cả phải chăng. 

Thay đổi thói quen bán hàng và tiêu dùng

Một báo cáo năm 2021 trên tạp chí Nutrition Education and Behavior cho thấy ở Mỹ, mặc dù hầu hết mọi người quan tâm đến nhãn thực phẩm và biết ý nghĩa của chúng nhưng có chưa đến một nửa (46%) biết rằng dòng chữ trên nhãn “Sử dụng tốt nhất trước…” có nghĩa là chất lượng thực phẩm có thể xấu đi (hoặc hư hỏng) sau ngày ghi trên nhãn; chỉ 24% người tiêu dùng hiểu dòng chữ “Sử dụng trước…” có nghĩa là thực phẩm không an toàn để ăn sau ngày ghi trên nhãn. Mặt khác, ngay cả khi hiểu được sự khác biệt, quan điểm của người tiêu dùng cũng không thay đổi nhiều. Kristin Kirkpatrick - chuyên gia dinh dưỡng và quản lý của Dịch vụ Dinh dưỡng sức khỏe tại Cleveland Clinic (Mỹ) - cho biết: “Tùy thuộc vào loại thực phẩm, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc thực phẩm nếu không hiểu những nhãn này”. 

Tại một cửa hàng tạp hóa ở Milan (Ý), thực phẩm càng ở lâu trên kệ thì càng rẻ nhờ thẻ giá điện tử tự động điều chỉnh bằng thuật toán. Cửa hàng là một trong những cơ sở tiên phong áp dụng công nghệ của Wasteless - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Israel - nhằm mục đích giúp giảm thiểu rác thải thực phẩm tại các siêu thị. Ý tưởng cơ bản không phải là mới khi nhiều cửa hàng có các khu vực hoặc kệ giảm giá bán các mặt hàng “cận date”. Nhưng chúng thường không đa dạng, vì cửa hàng khó quản lý các sản phẩm đang luân chuyển và nhiều người mua sắm dễ bỏ qua sản phẩm. Với hệ thống mới, các sản phẩm trở nên nổi bật ở vị trí ban đầu của chúng. Sữa chua hết hạn trong ngày có thể nằm ngay cạnh sữa chua hết hạn sau đó hai tuần, với các nhãn điện tử tự động phản ánh sự khác biệt về ngày hết hạn và giá cả. 

Khi cửa hàng Iper bắt đầu sử dụng công nghệ này vào năm 2020, có 41% người mua sắm đã chọn sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn hơn. Ở Mỹ và Canada, ứng dụng Flashfood thể hiện những cửa hàng tạp hóa đối tác trong khu vực. Khi khách truy cập vào cửa hàng, họ có thể xem thực phẩm nào sắp hết hạn sử dụng và mức giảm giá tương ứng. Dữ liệu của Flashfood hiện bao phủ khoảng 1.200 siêu thị vào năm 2021 và công ty dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi con số đó trong năm 2022. Đối với các công ty khởi nghiệp trong thị trường thực phẩm “cận date”, họ muốn thúc đẩy doanh số bán hàng, đồng thời góp sức giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm toàn cầu. 

Ngọc Hạ (theo CNN, Medium, Vox, Healthline)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI