Thực phẩm ăn kiêng với chất tạo ngọt có thể làm tăng cơn đói

02/04/2025 - 18:00

PNO - Việc tiêu thụ 1 chất tạo ngọt không chứa calo phổ biến dễ kích hoạt cảm giác thèm ăn nhiều hơn.

Các nhà khoa học từ Đại học Nam California (Mỹ) phát hiện việc tiêu thụ 1 chất tạo ngọt không chứa calo phổ biến làm tăng hoạt động ở các khu vực gây ra cảm giác đói trong não. Điều này khiến cơ thể nhầm lẫn khi không đạt được kỳ vọng về lượng calo bổ sung, từ đó dễ kích hoạt cảm giác thèm ăn nhiều hơn.

Một chất thay thế đường được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm như nước ngọt và tương cà có thể đánh lừa não bạn ăn nhiều hơn
Một chất thay thế đường được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm như nước ngọt và tương cà có thể đánh lừa não bạn ăn nhiều hơn

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí bình duyệt Nature Metabolism, nhóm tác giả đã kiểm tra phản ứng của 75 người tham gia khi uống 3 loại đồ uống vào những thời điểm khác nhau. Một loại là nước lọc, một loại được pha với chất tạo ngọt nhân tạo sucralose và loại cuối cùng chứa đường.

Người tham gia được chụp MRI não, lấy mẫu máu và điền vào bản khảo sát về cảm giác đói trước và sau mỗi lần uống dung dịch. Kết quả cho thấy những người tham gia có hoạt động tăng lên ở phần não gọi là vùng dưới đồi sau khi tiêu thụ sucralose.

Đây là bộ phận trong não góp phần điều khiển các quá trình nền trong cơ thể, như nhiệt độ, sự mệt mỏi và mức độ đói. Các lần chụp MRI cũng cho thấy sucralose làm tăng sự kết nối giữa vùng dưới đồi và các bộ phận khác của não liên quan đến động lực và quá trình ra quyết định. Những tác động này đặc biệt rõ rệt ở nhóm người béo phì.

Tiến sĩ Kathleen Alanna Page - chuyên gia về hoóc môn và bệnh tiểu đường, đồng tác giả của nghiên cứu - giải thích: kết quả cho thấy chất tạo ngọt có thể ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn.

Khi những người tham gia uống đường thật, cơ thể sản xuất ra các hoóc môn liên quan đến việc giảm cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, những hoóc môn này không được tiết ra khi nhóm người tham gia uống sucralose.

Page nói thêm: “Cơ thể sử dụng hoóc môn để báo cho não rằng bạn đã tiêu thụ calo, nhằm mục đích giảm cơn đói. Nếu cơ thể bạn mong đợi nguồn calo bổ sung vì cảm thấy vị ngọt, nhưng lại không nhận được lượng calo cần thiết, điều đó có thể thay đổi cách não bộ kiểm soát cơn thèm thực phẩm theo thời gian”.

Ngọc Hạ (theo Daily Mail)

Từ khóa abc
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI