Thực phẩm '3 không' tràn lan, cơ quan chức năng vẫn bảo… an toàn

18/01/2019 - 06:36

PNO - Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, việc đảm bảo an toàn thực phẩm năm nay khả quan, những vi phạm chỉ dừng ở mức bị nhắc nhở. Liệu kết quả kiểm tra này có khách quan?

Các loại thực phẩm phục vụ tết như bánh, mứt, khô, trái cây “3 không” (không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng) được bày bán tràn lan. Trái cây Trung Quốc khi đến sạp được “lên đời” thành trái cây Úc, Mỹ. Thịt heo có đeo vòng truy xuất nguồn gốc nhưng khi dùng điện thoại thông minh kiểm tra thì không hiện bất cứ thông tin gì… Thực tế này hoàn toàn trái ngược với nhận định lạc quan của cơ quan chức năng.

Trong hai ngày 15 và 16/1, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đã kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại chợ Bình Tây (Q.6) và một số công ty sản xuất thịt đông lạnh trên địa bàn TP.HCM. Theo ban này, việc đảm bảo ATTP năm nay khả quan, những vi phạm chỉ dừng ở mức bị nhắc nhở. Liệu kết quả kiểm tra này có khách quan?

Thuc pham '3 khong' tran lan, co quan chuc nang van bao… an toan
Chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) có hàng trăm chủng loại bánh, mứt, nhưng cơ quan chức năng chỉ kiểm tra ngẫu nhiên hai mẫu

Tràn ngập sản phẩm “3 không”

Chợ sỉ Bình Tây (Q.6) như một trạm trung chuyển mứt “3 không”. Mứt được chất cao trong khay hoặc bao giấy cứng không nhãn mác, mở tênh hênh, màu sắc sặc sỡ để thu hút khách. Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày này, giá mứt chưa tăng, dao động từ 40.000 - 220.000 đồng/kg tùy loại. 

Vừa cầm cây đuổi ruồi, chủ sạp O.H. vừa mời chào khách, chốc chốc lại dùng tay trần đảo, hốt các loại mứt khô như bí, khoai lang, hạt sen, mít sấy. Các bao đựng mứt không được che chắn, kê ngay lối đi của khách và những người khuân vác. Khi hỏi mứt bí này được sản xuất từ đâu, chị bán hàng nhanh tay moi trong gầm bàn ra một cái thùng giấy trắng, trên thùng độc nhất dòng chữ “mứt gia truyền Tấn Phát” kèm địa chỉ, nói: “Mứt lấy về phải khui thùng, bày ra bán. Nếu mua nhiều, từ 10kg trở lên, mới đóng thùng. Đâu phải hàng trôi nổi mà nghi ngờ, thắc mắc”.

Nhưng khi chúng tôi tìm đến địa chỉ ghi trong thùng giấy thì đó chỉ là một ngôi nhà cấp 4 luôn đóng kín cửa. Một người đàn ông hằn học nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, buông một câu gọn lỏn: “Cơ sở sản xuất đặt dưới Hóc Môn”.

Hầu hết, khách đến lấy mứt sỉ tại chợ Bình Tây đều là mối quen hoặc mối “truyền tai”, tiểu thương không cần quảng cáo. Nhưng với khách lạ, vãng lai, khách du lịch, tiểu thương sẽ trưng các thùng giấy có ghi rõ cơ sở sản xuất mứt hoặc tem dán mang tên các thương hiệu nổi tiếng ở Bến Tre, Đà Lạt, TP.HCM... để lấy lòng tin. Phải chăng, đây là sự “lên đời” của mứt hàng xá, là chiêu đối phó của tiểu thương với khách hàng?

Các mặt hàng khô cũng được ưa chuộng và mua nhiều vào dịp tết, nhưng cũng như mứt, khô tại các chợ sỉ, lẻ đều “3 không”. Cả mặt hàng khô nội lẫn khô ngoại đều đang bị buông lỏng quản lý. Người mua hoàn toàn mù tịt thông tin về sản phẩm, không có cách nào nhận biết mặt hàng có nhiễm hóa chất, kháng sinh hay không.

Chẳng hạn, tiểu thương tại sạp S. ở chợ Bình Tây cho biết, khô được nhập từ các tỉnh miền Tây, sạp luôn yêu cầu thương lái cung cấp sản phẩm đảm bảo ATTP, ghi rõ ngày nhập để tiện theo dõi, quản lý. Tuy nhiên, khô tại đây cũng như ở các chợ khác đều được trộn chung, bày bán lộn xộn ngoài trời; nếu phát hiện sản phẩm có vấn đề, chủ sạp cũng không biết thương lái nào để đền.

Tại chợ Lê Hồng Phong (Q.10) - chợ sỉ bán khô ngoại từ Campuchia, Lào - đa số các gian hàng bày khô đặc sản ngoài trời, kê ngay đường chạy xe của khách ra vào chợ. Dù là khô ngoại nhưng tất cả đều không có bao bì, nhãn mác, xuất xứ. Khi hỏi người mua có được cấp hóa đơn để làm căn cứ truy xuất khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hay không, chủ sạp lắc đầu, rồi khẳng định: “Cá khô làm sao gây ngộ độc được”.

Trái cây Trung Quốc “mất gốc” khi ra chợ lẻ

Rất nhiều loại trái cây Trung Quốc khi về đến các chợ đầu mối nông sản còn trong thùng, có thể nhận diện nguồn gốc nhờ thông tin trên vỏ thùng, nhưng khi đến các chợ lẻ, lớp vỏ được loại bỏ, những loại trái cây đó trở thành hàng Mỹ, Úc, New zealand...
Những ngày cuối năm, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng rau quả bắt đầu tăng đáng kể.

Thuc pham '3 khong' tran lan, co quan chuc nang van bao… an toan
 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thường những xe container chở rau quả từ Trung Quốc được tập kết phía sau chợ, khoảng  21 - 22g mới chạy lên phía trước khu nhà lồng để bán sỉ. Đây là thời điểm tiểu thương các chợ lẻ của TP.HCM và tiểu thương từ các tỉnh về lấy hàng.

Theo quan sát của chúng tôi, thời điểm này, trái cây Trung Quốc nhập về chủ yếu là các loại nho (nho đỏ, nho đen không hạt), lê, táo, hồng, cam, quýt. Hàng sỉ có thể bán theo thùng (6 - 12kg/thùng) hoặc theo rổ (khoảng 6 - 7kg/rổ). Mức giá bán sỉ các loại trái cây Trung Quốc khá thấp. Chẳng hạn, nho đen không hạt có giá từ 220.000 - 260.000 đồng/rổ, tính ra mỗi ký nho chưa đầy 40.000 đồng; hồng có giá 100.000 đồng/thùng (khoảng 18.000 đồng/kg).

Tuy nhiên, những sản phẩm này khi về đến các chợ lẻ hay các sạp trái cây trên các tuyến đường nội thành được bán với giá cao hơn rất nhiều. Nho không hạt được nhiều điểm bán lẻ giới thiệu là nho Úc, nho Nam Phi, được bán với giá từ 130.000 - 160.000 đồng/kg, hồng cũng được bán với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Ông H. - một tài xế xe container lạnh - cho hay, ông được thuê chở 16 tấn táo từ Trung Quốc về chợ cách đây 3 ngày. Ban ngày, xe vẫn nổ máy để duy trì nhiệt độ bảo quản trái cây trong container; tối đến, chủ hàng yêu cầu đưa xe lên phía trước để bán hàng cho tiểu thương.

Theo tài xế này, xe chở hàng ra vào chợ đều được kiểm tra giấy tờ, từng thùng hàng đều có thông tin nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, khi hàng qua tay các tiểu thương bán lẻ, hầu hết sẽ… mất gốc. “Người bán lẻ thường mua mỗi loại một rổ hoặc một thùng. Rổ thì không còn bao bì, còn thùng thì chẳng ai chịu trưng thùng còn nguyên chữ Trung Quốc khi bán ngoài chợ” - tài xế này cho hay.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 11/2018, tổng giá trị các mặt hàng rau quả của cả nước lên đến 1,57 tỷ USD, trong đó rau chiếm khoảng 458 triệu USD, trái cây chiếm khoảng 1,09 tỷ USD. Rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 24,4% tổng lượng rau quả nhập khẩu. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả vào Việt Nam lớn thứ hai (sau Thái Lan, chiếm 41,3%).

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sở dĩ rau quả Trung Quốc vẫn chiếm thị phần lớn tại Việt Nam bất kể người tiêu dùng e dè về chất lượng là do rau quả Trung Quốc thường đội lốt hàng trong nước (chẳng hạn đối với các loại trái cây như hồng, cam, quýt, khoai tây) hay hàng nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Úc, Hàn Quốc đối với các sản phẩm như lê, táo, nho.

Có vòng truy xuất nguồn gốc cũng như không

Không chỉ các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều nhóm hàng trong nước dù được giám sát nguồn gốc một cách bài bản thông qua vòng truy xuất, nhưng thực tế cũng chỉ mang tính đối phó.

Tại một số sạp thịt của chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức), rất nhiều đùi heo bày bán còn nguyên vòng truy xuất nguồn gốc màu vàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi dùng phần mềm Te-food cài sẵn trên điện thoại quét thử mã vạch trên vòng truy xuất thì không thấy hiển thị bất cứ thông tin nào về nguồn gốc của thịt.

Tiếp tục thử quét những vòng truy xuất khác của các sạp thịt tại chợ này, đều không cho kết quả. Thắc mắc với những người bán thịt, chúng tôi nhận được câu trả lời là “không biết”, heo nhập từ chợ đầu mối đã có sẵn vòng, có vòng mới được mang thịt ra khỏi chợ, vòng có thông tin hay không thì tiểu thương không thể biết. 

Phần mềm truy xuất nguồn gốc thịt heo được Sở Công thương TP.HCM triển khai gần hai năm nay nhằm giúp người tiêu dùng biết rõ miếng thịt mình mua về sử dụng được lấy từ trại nuôi nào, thương lái nào thu mua, giết mổ tại cơ sở nào, và bán tại sạp nào của chợ đầu mối… Nhưng đến nay, hiệu quả của chương trình truy xuất này vẫn là dấu chấm hỏi.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho rằng, những chiếc vòng truy xuất nguồn gốc đang được dùng hiện nay là hữu ích và cần thiết, người chăn nuôi ủng hộ chủ trương này, nhưng cách triển khai thì không hợp lý vì vòng chủ yếu vẫn do thương lái đeo và khai báo thông tin.

Nhiều trường hợp đeo cho có để được cán bộ thú y cho phép vận chuyển, lưu thông mà không có bất cứ thông tin nào. Điều này dẫn đến thực tế là heo có vòng mà không có thông tin, có thông tin cũng chưa hẳn chính xác. 

Rất nhiều thương lái thu mua heo tại H.Hóc Môn thừa nhận, việc đeo vòng chỉ làm tăng chi phí thu mua, giết mổ và tốn thời gian chứ không đạt được mục đích truy xuất nguồn gốc hay giám sát chất lượng của nguồn heo.

Kết quả kiểm tra đều tốt(!)

Ông Cao Văn Thành - Phó ban Quản lý chợ Bình Tây - thừa nhận, không thể phân biệt nguồn hàng tại chợ là của nước nào, chỉ cần tiểu thương đảm bảo nguồn gốc, ATTP, đảm bảo chất lượng khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chợ kiên quyết xử lý nghiêm các hộ kinh doanh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Thời gian qua, toàn bộ tiểu thương chấp hành tốt về nguồn hàng buôn bán, trưng bày hàng hóa hợp vệ sinh, ban quản lý chỉ nhắc nhở về kệ để hàng hóa chưa được tốt.

Chia sẻ về góc độ quản lý thực phẩm mùa tết, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM - cho biết, kết quả kiểm tra công tác đảm bảo ATTP năm nay khả quan hơn năm trước, những vi phạm chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở: “Chúng tôi cũng đã trang bị những công cụ kiểm tra nhanh cho quận, huyện, nguồn ngân sách đủ để kiểm nghiệm ATTP nếu cần. Đối với những mặt hàng không rõ nguồn gốc, chúng tôi có quyền tịch thu, tiêu hủy theo luật”.

Kết quả kiểm tra có vẻ lạc quan, nhưng theo các chuyên gia, việc kiểm tra còn nhỏ giọt, số mẫu kiểm tra còn quá ít, chỉ tập trung kiểm tra tại các chợ đầu mối và công ty lớn, bỏ ngỏ các chợ và công ty nhỏ trong khi các công ty nhỏ và chợ lẻ lại chính là “ổ” vi phạm về ATTP. Chẳng hạn, trong ngày kiểm tra chợ Bình Tây (15/1) vừa qua, Ban ATTP chỉ lấy hai mẫu mứt gồm mứt dừa và mứt củ năng để kiểm tra nhanh.

Mặc dù kết quả đều âm tính với hàn the, phụ gia và vi sinh nhưng theo bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam), kết quả xét nghiệm như vậy là không chính xác, không khách quan, chưa đủ kết luận bánh mứt tại chợ an toàn mà chỉ mang tính chất tham khảo. Bởi chợ này có hàng trăm chủng loại bánh mứt, trong khi cơ quan chức năng chỉ lấy hai mẫu kiểm tra. 

“Có hàng trăm loại phụ gia khác nhau, vậy thì phụ gia được kiểm tra là phụ gia gì? Có những loại phụ gia độc hại, dụng cụ kiểm tra nhanh không thể phát hiện được mà phải nhờ tới phòng thí nghiệm. Chưa kể, cuộc kiểm tra được tổ chức hoành tráng với sự góp mặt của báo chí thì liệu có khách quan không, bởi công ty, chợ, tiểu thương có thể đã được thông báo để chuẩn bị” - một chuyên gia về ATTP băn khoăn. 

Thư Hùng - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI