Thực hư việc tiếng Hàn sẽ thành môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông

04/03/2021 - 11:57

PNO - Nhiều phụ huynh hoanh mang trước thông tin tiếng Hàn sẽ thành môn học bắt buộc trong chương trình từ lớp 3 đến lớp 12.

Sáng 4/3 trao đổi với báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Không có chuyện tiếng Hàn thành môn học bắt buộc vào năm sau. Có lẽ phụ huynh đang hiểu nhầm khái niệm môn học bắt buộc và quyết định thí điểm môn Tiếng Hàn hệ 10 năm".

Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định đây chỉ là chương trình thí điểm cho học sinh từ lớp 3 chứ hoàn toàn không phải môn học bắt buộc.

"Ai học thì đăng ký, không thì thôi. Tất nhiên phải đáp ứng đầy đủ về chương trình, giáo viên, học sinh cũng có những yêu cầu riêng. Tôi nhắc lại đây chỉ là hệ thí điểm 10 năm với tiếng Hàn”, ông Thành nhấn mạnh.

Bộ GD-ĐT cho biết tiếng Hàn chỉ là môn học thí điểm
Bộ GD-ĐT cho biết tiếng Hàn chỉ là môn học thí điểm

Cũng theo ông Thành, hiện nay, chúng ta có môn ngoại ngữ là môn bắt buộc trong chương trình, với nhiều thứ tiếng như Anh, Hàn, Pháp...

Trong đó, tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc học ở các trường phổ thông. Riêng với việc thí điểm tiếng Hàn, tiếng Đức... quyết định lựa chọn là của học sinh. Tất nhiên, khi trường áp dụng thí điểm, trường phải đáp ứng tiêu chuẩn đầy đủ: có giáo viên chuyên ngành, có học sinh, có cơ sở vật chất...

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ thí điểm 10 năm.

Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn có một số yêu cầu sau:

Về nội dung, ở cấp tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5), việc dạy học tiếng Hàn giúp cho học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp cơ bản thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; trong đó chú trọng nhiều hơn đến 2 kỹ năng nghe và nói.

Ở cấp THCS, việc dạy học tiếng Hàn tiếp tục giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, xã hội Hàn Quốc và các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hóa, xã hội dân tộc mình.

Ở cấp THPT, giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp dựa trên nền tảng chương trình đã được học ở các cấp dưới, trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng để học tập suốt đời, phát triển năng lực làm việc trong tương lai.

Mục tiêu chung của chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn là kết thúc chương trình phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI