Thực hư thông tin khai thác gỗ tận thu khiến rừng bị phá nát ở Bình Dương

24/04/2020 - 19:39

PNO - Trước một số thông tin cho rằng khu rừng nằm trong Khu di tích lịch sử chiến khu Đ (Khu di tích - xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đang bị phá nát vì khai thác gỗ tận thu, chiều 24/4, phóng viên (PV) đã tìm đến khu rừng hơn 27ha để tìm hiểu thêm về thông tin vụ việc.

 

Khu rừng 27ha nằm trong Khu di tích được phép khai thác gỗ để trồng cây mới
Khu rừng 27ha nằm trong Khu di tích được phép khai thác gỗ để trồng cây mới

Theo tìm hiểu, do trong diện tích rừng nằm trong Khu di tích lịch sử chiến khu Đ (Khu di tích) phần lớn là các cây keo tai tượng có tuổi đời đã hơn 30 năm, số lượng cây bị chết nhiều nên Sở VH-TT-DL Bình Dương (cơ quan chủ quản của Bảo tàng Bình Dương - đơn vị được giao quản lý rừng và Khu di tích) đã đề xuất cho khai thác tận thu, sau đó sẽ trồng mới bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như giáng hương, cẩm lai theo phê duyệt của UBND tỉnh Bình Dương. 

Một số cây gỗ keo tai tượng đã được đốn nhưng chưa mang ra khỏi rừng do đang trong thời gian giãn cách xã hội
Một số cây gỗ keo tai tượng đã được đốn nhưng chưa mang ra khỏi rừng do đang trong thời gian giãn cách xã hội

Trước đó vào tháng 8/2019, sau khi phê duyệt phương án do Sở VH-TT-DL đề ra, UBND tỉnh Bình Dương thành lập đoàn kiểm kê, xác định trong 27ha rừng còn 8.734 cây keo tai tượng. Trong đó có 3.658 cây keo còn sống với trữ lượng lâm sản tương đương 769,4m3. Số còn lại là cây keo chết với trữ lượng khoảng 961,8m3.

Theo đánh giá của đoàn kiểm kê, với trữ lượng cây keo tai tượng như trên có thể cho sản lượng gỗ thương phẩm khoảng 1.299m3. Qua đấu giá, một công ty đã trúng thầu, khai thác và thu mua toàn bộ lâm sản từ cây keo tai tượng với tổng giá trị trên 980 triệu đồng.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng Bình Dương, cho biết: Trong thời gian công ty khai thác gỗ keo trong rừng, phía Bảo tàng luôn cử cán bộ xuống để theo dõi. Đơn vị khai thác chỉ được phép lấy gỗ keo tai tượng, những cây khác trong rừng đều được đánh số và không được khai thác, hoàn toàn không có chuyện rừng bị phá nát khi khai thác gỗ tận thu. Tuy nhiên, một số cây keo rơi hạt xuống sau đó mọc cây nhỏ. Vì thế, khi công ty đưa gỗ ra khỏi rừng không thể tránh khỏi việc cây keo nhỏ bị chết.

Trả lời về việc có một số gỗ trong Khu di tích sau khi đã được khai thác còn để ngổn ngang, ông Phước cho biết thêm: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các công ty sản xuất chế biến gỗ cắt giảm sản xuất nên công ty khai thác gỗ chưa thể vận chuyển ra khỏi Khu di tích. Sau khi hết hạn giãn cách xã hội, ông sẽ chỉ đạo nhân viên yêu cầu công ty trúng thầu dọn dẹp, không để tình trạng gỗ ngổn ngang.

Nhiều cây keo tai tượng bị chết do tuổi đời hơn 30 năm khiến lõi cây bị mục
Nhiều cây keo tai tượng bị chết do tuổi đời hơn 30 năm khiến lõi cây bị mục

Thời điểm PV ghi nhận, toàn bộ 27ha rừng đang được khai thác đều là khai thác gỗ cây keo tai tượng. Những cây khác không nằm trong danh mục được UBND tỉnh phê duyệt khai thác đều phát triển bình thường. 

Được biết, hơn 27ha rừng nằm trong diện tích gần 40ha thuộc Khu di tích lịch sử chiến khu Đ có nguồn gốc từ rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của tổ chức phi chính phủ Oxfarm. Rừng được trồng từ năm 1990 do Sở NN-PTNT Bình Dương quản lý. Các loại cây được trồng tại đây chủ yếu là: cây sao, cây dầu, keo tai tượng...

Năm 2011, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án Khu tưởng niệm chiến khu Đ trên diện tích khoảng 13ha trong tổng diện tích rừng 40ha với nhiều hạng mục công trình, vốn đầu tư trên 123,7 tỉ đồng.

Phạm Diện

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI