“Hay thức khuya, quen ăn hàng và đồ chiên rán” là những thói quen mà một nữ bệnh nhân ung thư gan 24 tuổi người Việt vừa chia sẻ trên truyền thông cùng cảnh báo đây là nguyên nhân gây ra chứng bệnh của cô. Bài viết lan truyền chóng mặt nhưng cái gọi là nguyên nhân ấy chính là thông tin thất thiệt.
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư được giới y khoa công nhận.
Một nghiên cứu mới nhất (do Đại học London và Đại học Leeds cùng hợp tác thực hiện) vừa được công bố trong năm 2018 của Tạp chí Ung thư châu Âu cho biết, có đến 43% người được phỏng vấn khảo sát tin rằng stress gây ra ung thư, 42% tin rằng thực phẩm đóng vai trò rất lớn trong việc gây ung thư, 35% nói việc tiếp xúc thường xuyên với nguồn điện từ gây ung thư. Trong khi đó, 34% tin thực phẩm biến đổi gen, thức ăn hâm nóng từ lò vi sóng hoặc thức uống từ chai nhựa gây ung thư… Ngày càng có nhiều người tin vào những lập luận trên, dù đây là những giả thuyết chưa được chứng minh cũng như chưa từng có khuyến cáo từ giới chuyên môn.
Các chuyên gia từ Đại học London cho biết: “Việc mặc định những nguyên nhân chưa kiểm chứng bằng khoa học là nguyên nhân chắc chắn gây ra ung thư sẽ tạo nên phản ứng lo sợ trong cộng đồng. Về lâu dài, hiện tượng này dẫn đến việc mọi người tự phát đề xuất nguyên nhân mà không cần quá trình xác thực. Kéo theo đó là những biện pháp chữa bệnh cũng từ nguồn tự phát, điều này sẽ gây khó khăn cho những bác sĩ và kể cả bệnh nhân khi muốn tiếp cận một liệu trình điều trị an toàn”.
Trong khảo sát này, 88% mọi người chọn ra được hút thuốc lá và hút thuốc lá bị động là nguyên nhân gây ung thư, 60% chọn cháy nắng cũng là nguyên nhân gây ung thư. Đây là hai trong số những nguyên nhân đã được giới y khoa công nhận.
Tuy nhiên, song song đó là con số những người tin vào các nguyên nhân chưa được kết luận lại ngày càng tăng cao trong vòng nhiều năm trở lại, khi mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt.
Vô vàn thông tin liên quan đến ung thư được tung lên Internet, nghe có vẻ rất thuyết phục, dù không có kiểm chứng và không ai phải chịu trách nhiệm. Phổ biến trong số đó là niềm tin ăn thức ăn organic sẽ ngăn ngừa được ung thư; sóng điện thoại, wifi, hóa chất, không khí ô nhiễm dẫn đến ung thư… Hầu hết những thứ kể trên đều gắn liền với đời sống hiện nay và thế là mọi người cho rằng ung thư là… căn bệnh của thời đại. Điều này hoàn toàn không có cơ sở.
Năm 2016, một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Tiến hóa của Đại học Witwatersrand và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Cổ đại Nam Phi đã phát hiện ra một khối u ác tính 1,7 triệu năm tuổi nằm trong ngón chân của một giống người cổ đại hiện đã tuyệt chủng. Mẫu vật được phát hiện trong hang Swartkran, Nam Phi, cho thấy đây là ca nhiễm ung thư cổ xưa nhất được phát hiện trên người từ trước đến nay.
Phát hiện này chính là chứng cứ phản biện giả thiết cho rằng ung thư chỉ sinh sôi trong xã hội loài người hiện tại, từ đó “bắc thang” cho những niềm tin thiếu dẫn chứng khoa học liên quan ung thư.
Hãy biết hoài nghi và hãy đặt câu hỏi
Từng được tôn sùng là người phụ nữ truyền cảm hứng nhưng Belle Gibson lại chính là kẻ lừa đảo tinh vi.
Một nghiên cứu độc lập của Đại học Glasgow chỉ ra những câu chuyện về ung thư trên mạng xã hội đặc biệt thu hút sự chú ý của những người trẻ dù có đến 3/4 trường hợp mắc thư ở Anh được chuẩn đoán ở bệnh nhân ngoài 60 tuổi.
Năm 2017, tòa án ở Úc từng phạt blogger Belle Gibson 410.000 USD vì vi phạm Luật tiêu dùng Úc, cố tình lừa đảo bằng việc dựng chuyện bị ung thư não và tự chữa khỏi bệnh bằng phương pháp tự nhiên nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trục lợi bất chính. Dĩ nhiên, chuyện cô mắc ung thư não chỉ là bịa đặt.
Đến giờ, cô vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt và còn lấp liếm rằng mình cũng chỉ là nạn nhân của truyền thông, nhưng thực chất, chính một tay cô là người dựng nên vở kịch tinh vi này.
Nhà khoa học Samuel Smith (Đại học Leeds) cho biết: “Chưa bao giờ giáo dục cộng đồng cấp thiết như lúc này. Giới chuyên môn cần giúp họ đưa ra những quyết định dựa trên thông tin có kiểm chứng, đó cần là những quyết định có ích cho họ thay vì đẩy họ vào tình trạng phải sống trong hoang mang, sợ hãi không cần thiết”.
Trong năm 2018, Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã liên tục đưa ra những khuyến cáo người dân cảnh giác với những sản phẩm cam kết chữa ung thư rao bán trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Johan R. Tarjany - một chuyên gia được dựng lên
Tháng 7/2018, một nhóm nhà nghiên cứu Canada thuộc Đại học McGill đã thực hiện một video với kịch bản giới thiệu một công thức thuốc được cho là hứa hẹn đánh bại ung thư. Đoạn video này đến nay đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem.
Đáng quan tâm ở chỗ, đây hoàn toàn là nội dung hư cấu cùng nhân vật bác sĩ Johan R. Tarjany (không có thật) – được cho là người đã phát minh ra thứ thuốc thần kỳ vào năm 1816. Theo giới thiệu, thứ thuốc này có nguồn gốc thiên nhiên. Nửa sau video là phần tự “bóc trần” sự thật rằng đây chỉ là “phép thử” phản ứng của mọi người với những thông tin liên quan đến liệu pháp tự nhiên chữa ung thư đang rất thu hút cộng đồng.
Bài học mà nhóm nhà khoa học muốn đánh động công chúng là: Hãy biết hoài nghi và đặt câu hỏi, từ đó mới nhận thức được đâu là thông tin khoa học, đâu là chiêu trò lừa bịp để cựu lấy chính mình thoát khỏi “bẫy thông tin”.
Thiên Như (Theo Times, Guardian, New Straits Times)
Ngày 2/11, các nhà chức trách cho biết tổng cộng 198 người đã thiệt mạng và 111 người khác bị thương, trong các vụ tấn công khủng bố riêng biệt ở Pakistan.