Thực hư Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố có trẻ mắc bệnh than?

06/06/2023 - 10:59

PNO - Trước thông tin có trẻ mắc bệnh than đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, lãnh đạo bệnh viện lên tiếng.

 

Bệnh cũng có thể gây tổn thương gan, thận, nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan… nguy cơ tử vong cao.
Bệnh than có thể gây tổn thương gan, thận, nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan… nguy cơ tử vong cao.

Những ngày qua, một số thông tin cho rằng đã có bệnh nhi mắc bệnh than điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố khẳng định: “Cho đến thời điểm này, bệnh viện chưa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi nào mắc bệnh than”.

Bác sĩ Tiến cho biết, bệnh than do trực khuẩn gram dương Bacillus anthracis gây ra. Bệnh xuất hiện trên động vật, đặc biệt là động vật ăn cỏ như trâu, bò. Do Bacillus anthracis rất dễ trở thành bào tử rồi sống được rất lâu trong môi trường khắc nghiệt, kể cả môi trường nước.

Bệnh lây lan theo nhiều cách như qua hô hấp, giọt bắn, đường tiêu hóa, đường máu, hoặc bề mặt tiếp xúc… Chính vì vậy, tốc độ lây lan của bệnh than nhanh và nguy hiểm. Mặc dù bệnh than đã có vắc xin phòng ngừa, nhưng các chuyên gia trên thế giới kiểm soát rất kỹ bệnh này.  

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh than cao bao gồm những người hay tiếp xúc với động vật ăn cỏ, nhất là người giết mổ động vật, bác sĩ thú y…

Khi tiếp xúc với nguồn lây, người mắc bệnh có thể ủ bệnh từ vài giờ đến một tuần. Tuy nhiên, trung bình từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ, bệnh đã có các triệu chứng đầu tiên như sốt, khó thở, đau bụng, ói, chướng bụng, tiêu chảy… Bệnh cũng có thể gây tổn thương gan, thận, nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan… nguy cơ tử vong cao.

Theo các nghiên cứu, bệnh than có tỉ lệ tử vong khá cao từ 25-80% đối với người khỏe mạnh, còn người mắc bệnh nền, miễn dịch kém thì diễn tiến nhanh hơn. Chính vì vậy, bệnh cần được kiểm soát chặt.

Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng, bởi nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Trong khoảng 7 đến 14 ngày, bệnh than vẫn có thể điều trị khỏi.

Bác sĩ Tiến cho hay, thông thường bệnh than ít xuất hiện ở miền Nam hơn các tỉnh thành phía Bắc. “Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu hay các cơ sở giết mổ không được kiểm soát tốt, thì bệnh than vẫn có thể xuất hiện” - bác sĩ Tiến nói.

Tuy chưa có ca bệnh nhưng nhằm phòng, chống bệnh than, hiện tại bệnh viện cũng đã xây dựng các hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt là các dấu hiệu liên quan đến bệnh than để bác sĩ nhận biết. 

Nếu có nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm như phết họng, trực tràng, xét nghiệm máu, dịch cơ thể… để tìm tác nhân, nhận biết sớm nhằm khống chế dịch. Không để bệnh lây lan ra cộng đồng, cũng như các giải pháp thích hợp trong kiểm soát bệnh.

Tính đến nay, tỉnh Điện Biên ghi nhận 14 trường hợp mắc bệnh than. Trước tình trạng trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên phải chỉ đạo các đơn vị y tế tại đây theo dõi, cập nhật tình trạng của người tham gia giết mổ, ăn thị trâu, bò. 

Theo dõi sức khỏe của người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh than, kiểm soát bệnh lây lan. Khoanh vùng, xử lý môi trường tại khu vực có người bệnh và lân cận.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI