Thực hư bệnh 'bỗng dưng nứt hộp sọ' và bác sĩ cũng đầu hàng

20/02/2017 - 15:37

PNO - Trên mạng xã hội đang xôn xao về căn bệnh lạ: trẻ bỗng dưng... nứt hộp sọ và ngủ li bì, bỏ bú. Nhiều người đưa tin rằng, không nên đưa tới bệnh viện vì bệnh này tây y cũng "bó tay". Sự thật ra sao?

Hộp sọ nứt để... thoát nhiệt?

Con gái chị B.T. chưa đầy 3 tháng tuổi bị viêm tiểu phế quản cấp, nhiều ngày phải vào bệnh viện (BV) để hút đờm. Nhưng khoảng bốn ngày trước, bé có biểu hiện lạ, ngủ li bì, dù tìm nhiều cách đánh thức nhưng bé vẫn không chịu dậy.

Sau nhiều giờ, bé vẫn trong tình trạng mơ hồ, vừa ngủ vừa bú và bú được rất ít, chỉ từ 10-20ml. Trước những lời mô tả bệnh của chị B.T., hàng trăm bình luận cho rằng, em bé đã bị mắc một căn bệnh kỳ lạ có tên là “mở khóa đầu”.

Căn bệnh ngay lập tức khiến cộng đồng mạng xôn xao. Nhiều bà mẹ khẳng định, khi trẻ ngủ li bì, trên hộp sọ sẽ xuất hiện vết nứt dọc đầu, chạy từ ấn đường (giữa hai lông mày) tới gáy. Độ nặng của bệnh tùy thuộc vào rãnh này có chiều sâu, dài, rộng như thế nào, nếu bệnh nhẹ thì phần rãnh này sâu bằng chiếc đũa.

“Khi thấy trẻ bỏ bú, ngủ liên miên không muốn dậy hoặc đã dậy là quấy khóc lạ thường thì phải nghĩ ngay tới bệnh này, vì nếu không để ý, bé sẽ nguy kịch vì bỏ bú do cứng xương hàm”, đây là thông tin được chia sẻ rầm rộ trên mạng. Giải thích về nguyên nhân của bệnh, hầu hết những người tin vào căn bệnh lạ này đều cho rằng, đó là thân nhiệt tăng quá cao, bốc lên não khiến hộp sọ “mở ra” để thoát nhiệt.

Thuc hu benh 'bong dung nut hop so' va bac si cung dau hang
 

Đặc biệt, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, căn bệnh “mở khóa đầu” được cho là khiến giới Tây y... đầu hàng và chỉ có thể điều trị bằng cách đốt ngải. Theo đó, lá ngải phải phơi khô và đốt lên, hơ vào các huyệt trên cơ thể em bé, từ đó tác động vào dây thần kinh làm đứa trẻ tỉnh dậy và hộp sọ dần khép lại.

Trên thực tế, căn bệnh “mở khóa đầu” đã từng khiến dư luận xôn xao tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang... Tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), khi thấy trẻ có hiện tượng ngủ li bì, trên đầu xuất hiện rãnh, nhiều người dân lại tìm đến thầy lang để đốt ngải. Tương tự, tại Móng Cái, ngoài hơ ngải, nhiều gia đình lại chọn cách tìm thầy lang để đắp lá thay vì đi tới các BV.

Trẻ nguy hiểm tính mạng vì… lời đồn

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, BS Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc BV Sản - Nhi Quảng Ninh cho biết, mặc dù trong dân gian có nhắc tới căn bệnh “mở khóa đầu”, song thực tế, các BS chưa gặp ca bệnh nào có những triệu chứng “nứt đầu” như mô tả. “Đó chỉ là cách gọi của dân gian, trong Tây y không có căn bệnh nào được gọi là “mở khóa đầu”, BS Hùng nhấn mạnh.

BS Hùng cho hay, hầu hết các trường hợp bị cho là “mở khóa đầu” đều không vào BV thăm khám mà tự ý chữa trị tại các thầy lang, do đó, các BS càng khó khăn khi tiếp nhận thông tin về căn bệnh này.

BS Cao Vũ Hùng - Trưởng khoa Thần kinh, BV Nhi Trung ương cũng cho biết, trong y văn không có căn bệnh nào có tên là “mở khóa đầu”. Tuy nhiên, BS Hùng khẳng định, việc bỗng dưng... nứt hộp sọ là điều “không tưởng”: “Hiện tượng mở xương sọ chỉ có thể xảy ra khi có các chấn thương tới sọ não”.

Giải thích về hiện tượng trẻ có những rãnh sâu trên hộp sọ, BS Hùng cho biết, đó là hiện tượng xảy ra ở trẻ khi xương sọ chưa phát triển hoàn thiện. Nói cách khác, đó là các đường khớp của xương sọ tạo thành rãnh, ở nhiều trẻ nhỏ, rãnh này chưa mất đi khiến nhiều bậc phụ huynh ngộ nhận đó là hiện tượng “nứt hộp sọ”!

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc ngộ nhận trẻ bị “mở khóa đầu” khi xuất hiện triệu chứng ngủ li bì, bỏ bú là vô cùng sai lầm, nguy hiểm. “Trẻ bỏ bú, ngủ triền miên không phải là một căn bệnh, mà giống như trẻ bị sốt, đó chỉ là một dấu hiệu của bệnh.

Dấu hiệu này có thể là của nhiều căn bệnh khác nhau như viêm màng não, chấn thương sọ não, xuất huyết não... dẫn đến trẻ có biểu hiện rối loạn về tri giác. Thậm chí, khi trẻ bị tiêu chảy, mất nhiều nước cũng có thể dẫn đến những triệu chứng này”, BS Hùng nhấn mạnh. Ngay với trường hợp của chị B.T., sau khi “bất chấp” nhiều lời khuyên về căn bệnh “mở khóa đầu”, chị vẫn đưa con tới cơ sở y tế và kết quả là con chị bị rối loạn ion điện giải trong máu.

Các BS khuyến cáo: không nên tìm đến các phương pháp chữa trị như đắp lá, đốt ngải, những biểu hiện trên không đủ để xác định chính xác được một căn bệnh. “Đó là cách chữa hoàn toàn mang tính chất tự phát, đôi khi các gia đình bị kẻ xấu lợi dụng để kiếm tiền.

Đáng lo nhất là nếu không đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám thì dễ dàng bị bỏ sót các bệnh lý, mà trong đó, có nhiều bệnh có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ”, BS Hùng nói. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đốt ngải, đắp thuốc cũng rất nguy hiểm, bởi trẻ sơ sinh còn rất non nớt. Việc đắp lá có thể khiến da trẻ bị dị ứng, viêm nhiễm... thậm chí, trẻ có thể bị xuất huyết não, dãn thành mạch.

 H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI