Học tập thông qua làm việc
“Để sinh viên đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, đòi hỏi phải có những mô hình đào tạo mới mẻ, giàu tính thực tiễn. Trong đó, học kỳ doanh nghiệp là một trong những hình thức đào tạo hiệu quả, được xây dựng bởi các nhà quản lý, CEO, lãnh đạo các bộ phận, các chuyên viên đến từ các công ty - tập đoàn lớn, qua đó góp phần giải bài toán khó trong việc rèn luyện kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm thực tế cho sinh viên” - tiến sĩ Lâm Thành Hiển - Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng - cho biết.
Là trường triển khai học kỳ doanh nghiệp từ năm 2018, tiến sĩ Lâm Thành Hiển giải thích thêm: khác với những chuyến tham quan thực tế ngắn ngày mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”, một học kỳ doanh nghiệp có thời gian 3-4 tháng. Thời gian này đủ để sinh viên quen với môi trường làm việc của doanh nghiệp, đồng thời có thể tham gia làm việc như một nhân viên chính thức. Kết quả học kỳ doanh nghiệp cũng được tính như một học kỳ bình thường và sẽ do chính doanh nghiệp đánh giá để đảm bảo khách quan, hiệu quả.
Triển khai học kỳ doanh nghiệp từ năm học 2015-2016, Trường đại học Công nghệ TPHCM xem đây là hình thức học tập thông qua làm việc trong chính môi trường doanh nghiệp, được triển khai với thời gian trung bình từ 3-6 tháng tùy theo doanh nghiệp và ngành nghề đào tạo.
Với học kỳ doanh nghiệp, sinh viên được doanh nghiệp đào tạo nghiệp vụ và hướng dẫn làm việc, tham gia làm việc cùng các nhân viên chính thức, thông qua đó cọ xát, hiểu biết môi trường thực tế, tích lũy kinh nghiệm và có cơ hội được tuyển dụng ngay cả khi chưa tốt nghiệp. Sinh viên được bố trí tham gia học kỳ doanh nghiệp ngay từ năm nhất hoặc năm hai tùy theo đặc thù ngành học…
|
Phòng thực hành tài chính - ngân hàng vừa được Trường đại học Lạc Hồng đưa vào sử dụng giúp sinh viên “nhập vai” trước khi đến với học kỳ doanh nghiệp |
Từ học kỳ cuối năm 2020, Trường đại học Kinh tế TPHCM cũng đã triển khai học kỳ doanh nghiệp dành cho sinh viên khóa 43 đại học chính quy ở tất cả ngành đào tạo. Đây là một trong các hình thức của học phần “Thực tập và tốt nghiệp”, được bố trí vào học kỳ cuối của chương trình đào tạo với khối lượng 10 tín chỉ. Sinh viên có gần 3 tháng tham gia làm việc thực tế tại các doanh nghiệp phù hợp với ngành được đào tạo. Khi đó, bên cạnh sự hướng dẫn và đánh giá về kiến thức của giảng viên, sinh viên còn nhận được sự hướng dẫn và đánh giá về thái độ, kỹ năng của nhân sự tại doanh nghiệp.
Để đảm bảo chất lượng, trường quy định về phương thức và tỉ trọng đánh giá, tiêu chuẩn giảng viên hướng dẫn của trường và doanh nghiệp. Nhân sự hướng dẫn tại doanh nghiệp phải có trình độ từ cử nhân trở lên và tối thiểu có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn…
Lợi ích 3 bên: Trường, sinh viên và doanh nghiệp
Theo các trường, thông qua học kỳ doanh nghiệp, sinh viên vận dụng được kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn tại doanh nghiệp, đồng thời rèn luyện kỹ năng, thái độ và hình thành năng lực nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động ngay sau khi kết thúc quá trình đào tạo.
Thêm vào đó, sinh viên sẽ hiểu về công việc để định hướng nghề nghiệp phù hợp, biết được ứng dụng thực tiễn của chương trình đào tạo, xây dựng mạng lưới nghề nghiệp, sự tự tin và chuyên nghiệp, phát triển thương hiệu cá nhân, kiến thức về ngành nghề và công ty. Một ưu điểm của học kỳ doanh nghiệp chính là việc được ưu tiên tuyển dụng vào các đơn vị hoặc dễ dàng ứng tuyển vào các doanh nghiệp tương tự.
Một sinh viên ngành tài chính - ngân hàng của Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ: “Em thấy học kỳ doanh nghiệp rất thực tế, nhờ đó mà em biết được kiến thức mình tới đâu, kỹ năng nào mình cần rèn luyện thêm để hoàn thiện bản thân. Em hy vọng được trải nghiệm chuyên sâu công việc liên quan đến chuyên ngành đang học, có người hướng dẫn để phát triển bản thân và tăng cơ hội tìm kiếm việc làm”.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ hoàn toàn ủng hộ học kỳ doanh nghiệp của các trường để có thể “giảm sốc” cho sinh viên khi chuyển từ môi trường học tập sang thế giới công việc. Là đơn vị thường xuyên tuyển sinh viên vào thực tập, ông Steve Powell - nhà sáng lập Công ty Airspeed Việt Nam (hoạt động sản xuất linh kiện điện tử) - cho biết: “Chúng tôi nhận thực tập sinh ở các vị trí quản trị trong dịch vụ khách hàng, lập kế hoạch - kiểm soát dữ liệu, đôi khi kỹ thuật và chất lượng. Thực sự chúng tôi không quá kỳ vọng vào khả năng của thực tập sinh vì đây hầu như là nơi đầu tiên họ trải nghiệm công việc. Nhưng nhiều người cũng đã đáp ứng được yêu cầu của công ty. Thông thường, chúng tôi sẽ tuyển dụng nếu họ làm việc tốt”.
Thực tế, dù mang lại lợi ích cho cả 3 bên: sinh viên, nhà trường, doanh nghiệp nhưng các trường đều thừa nhận triển khai học kỳ doanh nghiệp rất khó khăn và phức tạp. Các trường đại học đã mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp nhưng sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận tham gia học kỳ doanh nghiệp còn hạn chế. Cái khó hiện nay là làm sao để doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên với số lượng lớn. Tùy ngành nghề, có khi doanh nghiệp chỉ tiếp nhận một vài sinh viên ở những vị trí công việc họ đang cần. Chính ông Steve Powell cũng thừa nhận: “Thực tế, chúng tôi chỉ nhận thực tập sinh khi có nhu cầu”. Do đó đòi hỏi các trường phải nỗ lực, tìm kiếm và đầu tư vào công tác quan hệ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.
Quế Minh