“Thực đơn” giải trí mùa hè cho thiếu nhi: Bài toán số lượng lẫn chất lượng

28/05/2022 - 07:47

PNO - Như mọi năm, mùa hè này vẫn không có nhiều chương trình giải trí cho trẻ em. Thị trường giải trí cho thiếu nhi vẫn rất rộng, nhưng ít đơn vị dám đầu tư.

Cảnh trong vở diễn Bộ lạc nanh trắng của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ
Cảnh trong vở diễn Bộ lạc nanh trắng của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ

Không nhiều sự lựa chọn 

Cho đến thời điểm này, chỉ có hai chương trình mới được dàn dựng phục vụ thiếu nhi là Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá của Idecaf sẽ công diễn ngày 1/7, và Bộ lạc nanh trắng của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, ra mắt cách đây hơn một tuần. Còn lại đều là vở cũ. Trong đó có Vương quốc những người xấu xí ra mắt từ tháng 11/2020. Sân khấu Hồng Hạc tái diễn Làm bạn với bầu trời, kịch chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, diễn từ tháng 1/2021. 

Hai vở diễn của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam là Anh hùng Nguyễn Trung Trực (rối nước) và Mê Kông show (xiếc rối tổng hợp) cũng được phúc khảo cách đây khá lâu. Dù là chương trình được dàn dựng hướng đến phục vụ khách du lịch, nhưng cũng khá phù hợp với nhu cầu giải trí của khán giả nhỏ tuổi.

Nhìn chung, nhiều chương trình chất lượng tương đối ổn. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ phát huy lợi thế ở dàn diễn viên trẻ với khiếu hài hước, nắm bắt nhiều xu hướng hot trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý của khán giả nhí. Idecaf với dàn nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, có tính hài hước cao, vẫn giữ được phong độ qua hơn 30 tác phẩm. Lần này, sự kết hợp ăn ý giữa Đình Toàn, Quang Thảo trong kịch bản, dàn dựng, cùng với dàn nghệ sĩ kỳ cựu… hứa hẹn tiếp tục lôi cuốn khán giả. Rối nước lại chiếm cảm tình nhờ màu sắc, âm thanh vui tai, cùng kỹ thuật biểu diễn đặc thù. Nhiều bài học ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường, tình bạn, tình thương gia đình được lồng ghép khéo léo. Một số có tính tương tác cao, nhờ các tình huống được tạo ra, diễn xuất diễn viên thu hút khán giả nhí.

Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá- vở diễn mới nhất của thương hiệu Ngày xửa ngày xua
Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá- vở diễn mới nhất của "thương hiệu" Ngày xửa ngày xưa

Quy mô các tác phẩm không đồng đều. Ngày xửa ngày xưa được đầu tư kỳ công nhất trong danh sách kể trên. Còn lại, phần lớn chỉ được tổ chức ở quy mô trung bình, nhỏ. Phần nhìn, cảnh trí, hiệu ứng chưa đủ tạo nên sự bất ngờ cho người xem. Hầu hết chỉ dừng ở việc dàn dựng, thể hiện tròn trịa, còn để đạt đến độ đặc sắc thì vẫn chưa thể, thiếu yếu tố bất ngờ. Sân khấu biểu diễn một số tác phẩm quá nhỏ, ít nhiều tạo ra cảm giác không thoải mái cho người xem. 

Khó khăn về kinh phí 

Cho đến thời điểm này, không nhiều đơn vị mặn mà đầu tư mảng giải trí cho thiếu nhi. Trước đây, nhiều đơn vị từng thử sức như sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu Thế Giới Trẻ… nhưng đều phải tạm dừng. 

NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết: chương trình dành cho thiếu nhi cần tạo được hiệu ứng phần nhìn tốt. Khán giả nhí thường có xu hướng thích những kỹ thuật có thể gây bất ngờ, sân khấu được trang trí sinh động, bắt mắt… Việc này đòi hỏi đầu tư nhiều, nhưng túi tiền của các sân khấu tư nhân có hạn. Trong khi đó, việc biểu diễn cho thiếu nhi chỉ có thể thực hiện trong mùa hè, hoặc dịp tết, với quãng thời gian tương đối ngắn. 

Kinh phí đầu tư hạn hẹp ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Đơn cử như Bộ lạc nanh trắng của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ. Vở diễn có nội dung ổn, nhưng phần nhìn, hiệu ứng sân khấu bị hạn chế, do kinh phí chỉ gói ghém trong chỉ vài chục triệu đồng. Sân khấu cũng nhận ra hạn chế của chương trình, nhưng lực bất tòng tâm. Khi tác phẩm chưa trọn vẹn, việc kéo khán giả đến rạp vẫn là việc khó. 

Làm bạn với bầu trời, vở diễn thú vị với sự tham gia của các diễn viên nhí
Làm bạn với bầu trời, vở diễn thú vị với sự tham gia của các diễn viên nhí

Thừa nhận sân khấu thiếu nhi là thị trường tiềm năng, nhưng anh Huỳnh Công Hiển - đại diện sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - cho biết, để hiểu được khán giả nhí lại không hề dễ. Cho đến nay Ngày xửa ngày xưa vẫn là thương hiệu thu hút đông đảo khán giả cả thiếu nhi lẫn người lớn. Chương trình đã thực hiện được 33 vở diễn, với lịch diễn định kỳ vào mùa hè và dịp Trung thu hằng năm. Vé luôn được mở bán từ trước ngày biểu diễn hàng tháng trời, và thường xuyên trong tình trạng cháy vé. Các chương trình Ngày xửa ngày xưa được chăm chút từ khâu kịch bản, đến công tác dàn dựng. Phần phục trang, cảnh trí đầu tư hoành tráng, mang dấu ấn riêng của thương hiệu Idecaf. Những yếu tố đó cộng thêm dàn nghệ sĩ giỏi nghề là chìa khóa thành công của Ngày xửa ngày xưa. 

Lợi thế của thương hiệu Ngày xửa ngày xưa vẫn là mơ ước của các sân khấu khác. Sân khấu đang “khát” kịch bản. Sân khấu thiếu nhi lại khó tìm được tác giả vừa giỏi nghề, vừa tâm huyết. Diễn viên có nghề, đủ kỹ năng tung hứng, thuyết phục khán giả nhỏ tuổi cũng là chuyện nan giải của sân khấu. 

Khi đang có quá nhiều hình thức giải trí trực tuyến miễn phí cho trẻ tại nhà, thị trường giải trí dành cho trẻ càng đối mặt với nhiều thách thức hơn. Làm sao để có những chương trình nghệ thuật vừa mang tính giáo dục, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của trẻ ở thời đại 4.0 là bài toán khó, nhiều năm nay vẫn chưa có lời giải. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI