Thực đơn cho người bị tiểu đường tuýp 2 trong 3 ngày tết

18/01/2020 - 07:00

PNO - Tết là ngày vui đoàn viên, sum họp, cả gia đình quây quần bên mâm cơm cùng thưởng thức những món ăn truyền thống.

Thế nhưng tết cũng là khoảng thời gian rất khó khăn đối với các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Họ đều có chung một nỗi băn khoăn: kiêng khem hay cho phép bản thân được… “buông thả”?

Bệnh nhân đái tháo đường vẫn có thể ăn các món truyền thống ở mức hạn chế trong những ngày tết
Bệnh nhân đái tháo đường vẫn có thể ăn các món truyền thống ở mức hạn chế trong những ngày tết

Tiểu đường và nỗi lo mâm cơm ngày tết

Mỗi dịp tết đến, chị N.T.D. (ngụ Q.7, TP.HCM) lại không khỏi lo lắng cho sức khỏe của mẹ mình. Mẹ chị D. năm nay 65 tuổi, phát hiện mắc bệnh đái tháo đường đã 7 năm. Ngày thường bà đã phải kiêng khem, hạn chế rất nhiều món ăn vì sợ đường huyết tăng cao. Cả năm có mấy ngày tết, là dịp cả nhà cùng nhau sum vầy, con cháu từ nước ngoài về ăn bữa cơm mừng năm mới cùng bà, thế mà món gì bà cũng rất thèm nhưng không dám ăn. 

“Tôi thương mẹ lắm, ăn miếng xôi hay góc bánh chưng cũng vừa ăn vừa bất an, thậm chí chỉ dám nhìn mọi người ăn rồi hỏi ngon không. Nhìn mẹ xót xa lắm mà chúng tôi cũng dằn lòng không dám nài nỉ bà ăn mấy món ngọt, nhiều tinh bột, bởi đã từng có năm vì ăn tết mà mẹ tôi phải nhập viện cấp cứu do chỉ số đường huyết tăng vọt”, chị D. tâm sự.

Chế độ dinh dưỡng ngày tết là vấn đề nan giải đối với các bệnh nhân đái tháo đường. Kiêng khem quá thì tết mất vui, còn ăn thả ga lại phải gánh hậu quả nghiêm trọng, thậm chí trả giá bằng tính mạng. Bác sĩ Nguyễn Quang Dũng - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết, trong mười ngày nghỉ tết của năm 2018 (tính từ ngày 28 tết), Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) tiếp nhận 1.200 ca, trong đó 500 ca bị yêu cầu phải nhập viện. Thường gặp nhất là những trường hợp hôn mê do đường huyết tăng cao ở bệnh nhân đái tháo đường bởi không kiểm soát được chế độ ăn uống.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Phạm Phước Thành, khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), đối với bệnh nhân đái tháo đường, không nên lầm tưởng khái niệm kiêng khem với hạn chế ăn một số món. Cần hiểu rằng nhu cầu dinh dưỡng của người tiểu đường về cơ bản không khác nhiều so với người bình thường. 

Tùy độ tuổi, giới, đặc thù công việc mà mỗi người có một chế độ dinh dưỡng khác nhau, nhờ đó cơ thể có thể tối ưu hóa để đạt đến một mục đích nào đó (ví dụ như chế độ dinh dưỡng giàu đạm cho dân tập thể hình). Loại thực phẩm phù hợp với người tiểu đường là các loại/nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (Glycemic Index - GI < 55), nhóm rau, củ (khoai lang, cà rốt), đậu (đen, xanh, đỏ), hạt xay nguyên cám. Một số loại đường ăn kiêng, vị ngọt chiết xuất từ thiên nhiên cũng rất phù hợp với người tiểu đường.

Tùy phong tục tập quán vùng miền, thói quen ăn uống của mỗi nhà, bệnh nhân tiểu đường nên cố gắng giữ nguyên chế độ dinh dưỡng, ăn uống như mọi ngày, sắp xếp thời gian tập thể dục, tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc đón năm mới với mọi người và phải quyết tâm kiểm soát đường huyết tốt hơn nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân. Đương nhiên nói như thế không có nghĩa bệnh nhân đái tháo đường… không được ăn tết. Trong ba ngày tết họ vẫn có thể ăn ở mức hạn chế các món truyền thống để chung vui với gia đình mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Thực đơn ba ngày tết cho người đái tháo đường

Sau đây là thực đơn ba ngày tết mà bệnh nhân đái tháo đường có thể tham khảo, tùy từng trường hợp cụ thể mà điều chỉnh cho phù hợp:

Mùng một Tết

- Một ly sữa cho người tiểu đường (200ml) và ngũ cốc
- Bánh chưng
- Chả lụa/giò thủ ngũ sắc
- Cải ngâm chua ngọt
- Thịt kho trứng nước dừa
- Mứt sen - trà

Mùng hai Tết

- Một ly sữa cho người tiểu đường (200ml)
- Bánh tét
- Chả bò
- Củ kiệu tôm khô
- Canh khổ qua
- Mứt gừng - trà

Mùng ba Tết

- Một ly sữa cho người tiểu đường (200ml) 
- Xôi vò
- Gà luộc/lạp xưởng
- Gỏi thịt bò 
- Canh chua cá ba sa
- Mứt gừng - trà

Tuy nhiên, với các món nhiều tinh bột như bánh chưng, xôi, mứt, người bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều. Cụ thể đối với bánh chưng/bánh tét/xôi: một bữa ăn <120g (tốt nhất chỉ nên ăn một lần/ngày). Tiếp đến, đối với các loại mứt: một bữa ăn <20g (chỉ nên ăn một lần/ngày). Đối với thịt/chả: ví dụ với một người cân nặng 60kg, lượng thịt cho cả ngày khoảng 180-210g. 

Vì ngày tết mọi người thường ăn không đúng giờ và đúng bữa như ngày thường do tập quán đi chơi, đi chúc tết từ nhà này qua nhà khác nên bác sĩ sẽ không lên thực đơn chi tiết từng bữa ăn gì và ăn bao nhiêu mà đề xuất tổng số món cũng như tối đa mỗi món có thể ăn bao nhiêu/bữa trong một ngày để bệnh nhân đái tháo đường và người thân linh động tính toán cho phù hợp. 

Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng ngày tết này không chỉ phù hợp riêng với người bị bệnh tiểu đường. Nếu người bình thường áp dụng chế độ ăn như trên cũng sẽ hạn chế được nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và các bệnh liên quan tới rối loạn chuyển hóa khác. Ngoài ra, trong những ngày tết, mọi người nói chung và người mắc bệnh đái tháo đường nói riêng vẫn phải duy trì thói quen tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. 

Món tàu hũ dành riêng cho người tiểu đường

Bác sĩ Phạm Phước Thành cùng các cộng sự đang triển khai công thức món tàu hũ dành riêng cho bệnh nhân đái tháo đường. Theo bác sĩ Thành, sở dĩ ông quyết định nghiên cứu và triển khai món tàu hũ này bởi thấy các bệnh nhân đái tháo đường ăn uống quá khổ sở. Họ chỉ có thể uống sữa dành cho người tiểu đường, mà không thể ăn các món tráng miệng truyền thống của nước ta (ví dụ như chè, bánh ngọt, tàu hũ…).

Một số không nhỏ các bệnh nhân tiểu đường không quen uống sữa, nên việc bắt buộc phải uống các loại sữa đó càng làm cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn. Món tráng miệng này ra đời với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân đái tháo đường, mang thêm một sự lựa chọn trong thực đơn của họ.

Món ăn này đáp ứng yêu cầu quan trọng là có chỉ số đường huyết thấp (GI<55) vì tất cả các nguyên liệu đều có chỉ số GI<35, nhờ thế biên độ tăng đường huyết không cao. Đặc biệt, món ăn này còn giúp bệnh nhân đái tháo đường bớt những dấu hiệu, triệu chứng của tăng đường huyết. Tàu hũ bổ sung đạm thực vật, các chất xơ hòa tan và các nguyên tố, sinh tố có lợi cho cơ thể. Điều quan trọng nhất là món ăn đáp ứng hầu hết các khuyến nghị về dinh dưỡng trong điều trị các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm (tiểu đường, cao huyết áp, gout..) mà lại rất rẻ tiền và phổ biến.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thành đang xây dựng thêm thực đơn, làm phong phú, đa dạng các món ăn dành cho người tiểu đường nói chung và cho cả các mẹ bầu đang mắc tiểu đường thai kỳ. 

Trâm Anh

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI