Ba yêu cầu của Thủ tướng với doanh nghiệp

09/05/2020 - 16:58

PNO - Các doanh nghiệp đề xuất các giải pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất, từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Thủ tướng cũng đưa ra ba yêu cầu...

Thị trường nội địa "rộng cửa"

Tại Hội nghị “Thủ tướng với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dệt may "sống" chủ yếu dựa vào xuất khẩu, nên khi xảy ra dịch COVID-19, ngành hàng này rơi vào trạng thái tê liệt. Nhiều doanh nghiệp (DN) duy trì may khẩu trang với số lượng lớn như cách bù đắp một phần đơn hàng thiếu hụt, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ngành hàng dệt may chuyển đổi hướng đi mới trong mùa dịch COVID-19 (ảnh minh họa)
Ngành hàng dệt may chuyển đổi hướng đi mới trong mùa dịch COVID-19  - Ảnh minh họa

Mục tiêu xuất khẩu của dệt may năm 2020 là 42 tỉ USD, tăng 8% so với năm 2019 và duy trì mức tăng bình quân 6%/năm trong kế hoạch 5 năm 2020-2025. Tuy nhiên, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020, nhiều khả năng năm 2020 ngành sẽ tăng trưởng âm khoảng 5%.

Để giải quyết khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp đều có xu hướng khai thác thị trường nội địa. Tuy nhiên, để khai thác thị trường này, VITAS rất cần Chính phủ hỗ trợ trong việc thay đổi tâm lý "sính hàng ngoại" bằng cách đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đồng quan điểm với Hiệp hội Dệt may, ông Nguyễn Văn Thân -  Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cũng kiến nghị cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với dân số gần 100 triệu.

"Mở cửa" từng phần với thị trường bên ngoài

Nhiều ngành hàng muốn biến kết quả kiểm soát tốt dịch COVID-19 của Việt Nam thành cơ hội thúc đẩy mạnh hoạt động thương mại.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty du lịch Viettravel - cho rằng, cần triển khai ngay chiến dịch truyền thông Việt Nam điểm đến an toàn để xúc tiến, quảng bá, lôi kéo khách du lịch. "Nếu làm tốt, chúng ta có thể giữ và hút được khách du lịch ngay vào quý IV/2020, nhất là các thị trường từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản...", ông Kỳ nói.

Trước mắt, ông Kỳ kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu mở lại toàn bộ đường bay trong nước, bỏ "hạn ngạch" như hiện nay vì 85% di chuyển trong ngành du lịch là bằng đường hàng không. Bên cạnh đó, xem xét mở cửa lại các thị trường du lịch ở những nước phần nào kiểm soát được dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Thái Lan, Campuchia...

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô Trường Hải - cũng đưa ý kiến cần sớm mở cửa khẩu với Lào, Campuchia - là các nước có nguy cơ dịch thấp để DN Việt thuận tiện giao thương, làm ăn. 

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới. Các biện pháp chống dịch của Việt Nam đang trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo, giúp duy trì niềm tin của cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam để DN tiếp tục phát triển, đóng góp vào tăng trưởng khi nền kinh tế khôi phục trở lại.

Ngoài ra, “Việt Nam có thể tận dụng vị thế Chủ tịch ASEAN để kêu gọi một gói phục hồi nền kinh tế, gói hợp tác công - tư không chỉ ở Việt Nam mà trong toàn bộ ASEAN”, đại diện Eurocham nói.

Ba yêu cầu của Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội nghị (ảnh VGP)
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội nghị - Ảnh VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN, trong đó hầu hết mong muốn cải thiện tình hình khó khăn sau dịch bệnh, đề xuất các cơ quan quản lý đơn giản các thủ tục cũng như các giải pháp hỗ trợ DN phát triển. 

Hiện nay, Việt Nam đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Để tăng tốc trở lại sau dịch bệnh, Thủ tướng cũng đưa ra 3 yêu cầu đối với DN: Một là, các DN không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, DN phải tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là DN áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

Về cơ quan quản lý, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, Bộ, ngành có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị của DN nếu có, và nhắc lại tinh thần không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. “Các đồng chí kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”, Thủ tướng chỉ đạo.

Minh Quang - Quốc Thái 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI