Thúc đẩy môi trường văn hóa học đường để giảm bạo lực

28/09/2023 - 06:14

PNO - Trước tình trạng liên tiếp nhiều vụ bạo lực học đường diễn ra, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh phải thúc đẩy môi trường văn hóa học đường, làm cho giáo viên, học sinh thấy hài lòng, hạnh phúc để ngăn ngừa vấn đề này.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường

Ngày 25/9, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết đang yêu cầu lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Krông Pắk) báo cáo vụ việc nhóm học sinh đánh bạn ngay trong trường. Trước đó, đoạn clip ghi lại cảnh 3 nam sinh lao vào đánh bạn tới tấp được chia sẻ lên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận. Cụ thể, 1 nam sinh đang ngồi ở lan can trước lớp học thì bất ngờ có 2 người lao vào đấm tới tấp vào mặt, đầu. Nam sinh này chỉ biết ngồi ôm đầu chịu trận. Khi nam sinh đi vào phòng học thì tiếp tục bị 1 người khác đi theo đấm liên tiếp vào người. 

Ảnh chụp màn hình cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng ở TP Vinh, Nghệ An hồi đầu tháng 9/2023
Ảnh chụp màn hình cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng ở TP Vinh, Nghệ An hồi đầu tháng 9/2023

Trước đó, ngày 22/9, Sở GD-ĐT TP Hải Phòng cho biết cơ quan chức năng đang xác minh vụ 1 nữ sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (huyện Kiến Thụy) bị hành hung ngay tại trường. Theo clip được đăng tải trên mạng xã hội, nữ sinh bị người phụ nữ mặc đồ đen đánh, túm tóc ngay trong hành lang của lớp học. Không dừng lại ở đó, em còn bị kéo lê trước sự chứng kiến của nhiều học sinh. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hải Phòng cho biết thêm đã chỉ đạo ngành giáo dục địa phương xác minh, báo cáo và xem xét mức độ, tính chất để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn, ổn định tâm lý cho học sinh.

Giữa tháng 9/2023, Công an huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cũng vào cuộc điều tra, xác minh clip ghi lại cảnh nhóm học sinh đánh hội đồng 1 nam sinh lan truyền trên Facebook. Vụ việc xảy ra vào khoảng 11g30 ngày 11/9, tại tổ dân phố 4, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang. 3 học sinh Trường THPT Việt Vinh sinh năm 2008 và 2006 sau khi tan học đã hành hung 1 học sinh sinh năm 2008 tại khu vực gần sân quảng trường 15-5 huyện Bắc Quang khiến em này bị sưng vùng má trái, sưng khuỷu tay phải… 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định tình trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp thời gian gần đây là điều đáng tiếc. Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng có nhiều nguyên nhân. Sau một thời gian học sinh học trực tuyến, các em bị ảnh hưởng tới tâm lý, góp phần làm gia tăng bạo lực học đường. Ngoài ra, phải kể đến các nguyên nhân khác mang tính phi truyền thống, đó là ảnh hưởng của phim ảnh không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội khiến cho bạo lực học đường gia tăng. Sự kết nối giữa gia đình và nhà trường còn lỏng lẻo, nhiều học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, đặc biệt là từ cha, mẹ.

Cần có người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh

“Do đó, tôi mong muốn các nhà trường phổ thông phải tăng cường phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong nắm bắt tâm lý học sinh, giúp các em có kỹ năng xử lý tình huống. Vai trò của các hiệu trưởng cũng rất quan trọng trong kiểm soát tình hình, để đề phòng, ngăn chặn” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT đã giao các đơn vị, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tiến hành một số nghiên cứu, bước đầu cũng đã có đánh giá, đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho hay việc quan trọng của ngành giáo dục là làm thế nào để thúc đẩy môi trường văn hóa học đường. Khi triển khai tốt văn hóa học đường, thể hiện qua các hoạt động của nhà trường, tự khắc sẽ đem đến các giá trị tích cực, từ đó sẽ làm cho giáo viên, học sinh thấy hài lòng, hạnh phúc.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang cho rà soát, làm mới bộ quy tắc ứng xử trong trường học để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Các trường phổ thông đều có bộ quy tắc này nhưng cần rà soát để làm mới lại, khiến cho quy chuẩn ứng xử này phù hợp với tình hình, bối cảnh của trường học đang đổi mới căn bản, toàn diện”. 
Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng để có văn hóa học đường, trường học hạnh phúc, trước hết phải thực hiện thật tốt việc dạy và học chuyên môn, thầy phải dạy tốt, trò phải học tốt. Chương trình mới chú trọng thay đổi phương pháp dạy và học, người thầy từ chỗ truyền đạt, truyền thụ, chuyển giao kiến thức cho học trò, chuyển sang là người tổ chức hoạt động học tập, định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ cho học sinh. Các hoạt động đó nếu làm thật tốt sẽ tạo ra sự hứng thú cho học trò.

“Theo tôi, giảm tải số tiết học là một chuyện, còn việc tạo ra sự chủ động, thích thú, hào hứng của học sinh với bài giảng, cái đó mới là thực chất của sự giảm tải. Đối với xây dựng văn hóa học đường, trường học hạnh phúc, cốt lõi vẫn là thực hiện tốt chuyên môn khiến cho học sinh học tập một cách chủ động, ham học. Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ở đó, cần chú trọng dạy người cùng dạy chữ. Văn hóa học đường coi trọng tính gương mẫu của người thầy, coi trọng phát triển nhân cách, đạo đức, phẩm chất tinh thần của người học. Cho nên muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh” - bộ trưởng nhấn mạnh. 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI