“Đây là thời điểm vàng để phim Việt ra rạp”
Tại toạ đàm Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19, diễn ra vào chiều 21/9, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đưa ra nhận định: “Đây là thời điểm vàng để phim Việt ra rạp”. Lý do có “thời điểm vàng”, theo ông Tạ Quang Đông, chính là khi loạt phim bom tấn thông báo dời lịch chiếu vào cuối năm, để lại mảng trống trên thị trường phim ảnh.
“Khi các phim bom tấn nước ngoài dời lịch, đây là thời điểm vàng để các phim Việt Nam ra rạp, tôi đề nghị các nhà sản xuất cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phân bổ lịch chiếu hợp lý, tránh việc phim Việt cạnh tranh trong cùng thời điểm hoặc đối đầu trực tiếp với phim bom tấn nước ngoài” - ông Tạ Quang Đông nói.
Nhiều đơn vị phát hành có mặt trong toạ đàm cũng đồng thuận, cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để phim Việt ra rạp. Các bên khẳng định, khán giả ngại ra rạp vì dịch bệnh chỉ là số lượng nhỏ, không đáng kể.
Dẫn chứng cụ thể, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám đốc khối rạp Galaxy cho biết khán giả không ngại đến rạp xem phim, điều này được minh chứng qua doanh thu của bộ phim Penisula (Hàn Quốc sản xuất, tựa Việt: Bán đảo) ra mắt ngay sau đợt dịch nhưng có doanh thu hơn 86 tỷ đồng, trở thành phim Hàn có doanh thu cao nhất lịch sử tại Việt Nam, hơn cả Parasite (Ký sinh trùng, đạt hơn 73 tỷ đồng).
|
Ròm là phim Việt hiếm hoi ra mắt trong đợt dịch COVID-19. Phim ra rạp từ 25/9. |
Về phía nhà phát hành Lotte, vị đại diện cũng khẳng định: “Những bộ phim bom tấn đã dời lịch vào cuối năm, do đó, từ nay đến thời điểm đó, nhà sản xuất phim Việt nào đưa phim ra rạp, nếu phim chất lượng và cách truyền thông tốt sẽ tạo ra được những tín hiệu khả quan”. Đại diện đơn vị nói thêm, hiện các nhà sản xuất (NSX) phim trong nước có tâm lý e ngại cho phim ra rạp thời điểm này vì sợ khán giả không hào hứng, phim không đạt doanh thu như kỳ vọng.
Thị trường phim trong nước đang vô cùng thiếu phim mới. Hiện ngoài rạp đang chiếu xen kẽ giữa phim mới và cũ nhưng đa phần là phim nước ngoài, thiếu phim nội địa. Trong tháng 9, chỉ có phim Ròm của đạo diễn Thanh Huy ra rạp. Ròm đang là bộ phim được chờ đón vì ngoài là phim Việt dũng cảm ra rạp đợt dịch, đây còn là tác phẩm đã đọat giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019.
“Sau khi được phép mở cửa trở lại vào tháng 5/2020, mặc dù đã có nhiều nỗ lực kích cầu số lượng khán giả đến rạp nhưng doanh thu chỉ đạt gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Việc khôi phục hoạt động kinh doanh tại các cụm rạp gặp nhiều khó khăn” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói. Ông cho rằng các đơn vị cần nhanh chóng phối hợp, tìm cách kích cầu khán giả đến rạp vì hiện xu hướng giải trí của người xem đã thay đổi từ sau đại dịch.
Chất lượng là yếu tố tiên quyết
Diễn viên, NSX Trương Ngọc Ánh chia sẻ: “Dịch COVID-19 đặt ra thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nhà làm phim. Hiện các phim bom tấn gặp khó khăn trong việc phát hành tại thị trường Việt là cơ hội cho các nhà làm phim trong nước nhưng nên nhớ, chỉ những phim chất lượng cùng cách truyền thông phù hợp, sáng tạo mới thu hút được khán giả. Phim chất lượng kém thì ra rạp thời điểm nào cũng gặp khó khăn”.
Theo Trương Ngọc Ánh, khi khán giả cần động lực để ra rạp thì những bộ phim chất lượng thấp sẽ chỉ làm họ mất niềm tin, càng chuộng hơn các nền tảng chiếu phim trực tuyến - nơi người xem có thể biết trước chất lượng phim mình sẽ xem. Do đó, phim Việt nào ra rạp thời điểm này cũng cần cẩn trọng.
|
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng phim Việt ra rạp quan trọng là chất lượng, đừng kể khổ khi truyền thông. |
Trong đợt dịch COVID-19, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có 2 phim Việt dự kiến ra rạp là Trạng Tí và Tiệc trăng máu phải dời lịch vì rơi vào thời điểm dịch bùng phát. Có mặt tại toạ đàm, đạo diễn Nhật Linh cho biết khi các cụm rạp thực hiện những cuộc khảo sát với khách hàng, nên khảo sát lý do chính xác vì sao họ không đến rạp xem.
“Khán giả Việt Nam, thật ra, họ thích xem phim Hollywood nên khi không có phim Hollywood ra rạp, rạp không đủ sức kéo. Điều này là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các nhà làm phim trong nước. Với tư cách nhà làm phim, hướng đi dễ nhất mà chúng tôi có thể làm là làm những bộ phim tốt hơn vì cuối cùng, khán giả muốn ra rạp để xem phim hay, được cười, nói, được khóc, được vui” - nam đạo diễn cho biết.
Đạo diễn Nhật Linh cũng chia sẻ thêm trong thời điểm hiện tại, khi truyền thông cho dự án, các đơn vị nên quảng bá theo hướng nếu khán giả ra rạp, họ sẽ được xem một bộ phim chất lượng như thế nào, họ không cần nghe kể khổ. “Đừng nói với khán giả việc làm phim khổ như thế nào vì làm phim còn sướng hơn nhiều ngành khác. Đừng xem phim ảnh như dưa hấu để phải giải cứu” - đạo diễn Nhật Linh khẳng định.
Một số nhà phát hành kêu gọi các NSX cho ra mắt các phim đã thực hiện xong vì nếu chờ đến khi tình hình dịch bệnh ổn hơn, tình trạng các phim cả nội địa và nước ngoài ồ ạt ra rạp sẽ gây khó cho việc phát hành. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Phát hành CJ CGV Việt Nam, hiện chỉ đang có Ròm (ra mắt ngày 25/9), Sài Gòn trong cơn mưa, Người cần quên phải nhớ, Chị 13... là các phim Việt có thời gian ra rạp, các phim còn lại vẫn chưa lên kế hoạch.
Trong nhiều con số thông kê, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Phát hành CJ CGV Việt Nam cho biết, Việt Nam là thị trường tiềm năng, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Cụ thể, các chỉ số liên quan đến doanh thu phòng vé liên tục tăng mạnh. Trong năm 2019, tổng doanh thu đạt 4.148 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018 - đạt 2.253 tỷ đồng.
Doanh thu phim nội địa cũng có số tăng kỷ lục. Năm 2019, có 41 phim Việt ra rạp, đạt 1.253 tỷ đồng, tăng 67% so với doanh thu năm 2018 với 40 phim và 750 tỷ đồng.
Theo ông Hải, điện ảnh Việt Nam đạt vị trí cao trên bản đồ thế giới, vào năm 2025 ước đạt 120 triệu khách đến rạp với 50% thị phần là phim nội địa.
|
Diễm Mi