Không có giải pháp nào hỗ trợ, thúc đẩy điện ảnh Việt từ phía Nhà nước được đưa ra bàn luận trong hội thảo Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19 do Cục Điện ảnh phối hợp các nhà phát hành tổ chức tại TP.HCM. Ở Hà Nội, Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam khóa IX lần đầu tiên không bầu được chủ tịch.
Hai nội dung của hai sự kiện liên quan đến ngành điện ảnh diễn ra cùng ngày 21/9 đều khiến người ta không khỏi liên tưởng đến khoảng trống của vai trò thủ lĩnh từ phía Nhà nước, trong việc giúp điện ảnh Việt vượt khó thời đại dịch COVID-19.
|
Ròm (ra rạp vào ngày 25/9 tới) sẽ là phim Việt đầu tiên hưởng những chế độ “ưu đãi” đặc biệt từ phía phát hành, cụm rạp |
Trong khi một số nền điện ảnh lân cận hồi phục phần nào sau đại dịch COVID-19, thậm chí thị trường Trung Quốc mới mở cửa lại từ tháng Tám đã tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ nhờ phim nội, thì điện ảnh Việt vẫn bế tắc trong việc kéo khách ra rạp, và rất ít nhà sản xuất chịu đưa phim ra chiếu, nhất là phim kinh phí lớn.
Nếu như ba tháng đầu năm, ở thời điểm trước đại dịch COVID-19, phim Việt chiếm hơn 51% doanh thu, thì sau đó đã tụt xuống còn 7,9%, một phần vì lượng phim ra rạp giảm gần phân nửa. Vì vậy, việc ngẫu nhiên trong cùng ngày 21/9, ngành điện ảnh diễn ra hai sự kiện lớn là hội thảo Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19 và bế mạc Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam khóa IX, khiến người làm nghề lẫn những người yêu điện ảnh đặc biệt chú ý.
Đặc biệt khi đây là lần đầu tiên, bốn nhà phát hành phim lớn trong và ngoài nước gồm CJ CGV Việt Nam, Galaxy Cinema, Lotte Cinema, BHD Star Cineplex đã gạt bỏ những bất đồng, kiện cáo trước đây về tỷ lệ ăn chia phát hành để cùng ngồi lại với nhau bàn cách cứu vãn sự èo uột của điện ảnh Việt trong thời hậu dịch bệnh.
Tại hội thảo, thành công doanh thu hơn 80 tỷ của “bom tấn” Hàn Quốc Peninsula - lập kỷ lục phim Hàn ăn khách nhất lịch sử nước ta, ra rạp tại Việt Nam vào tháng Bảy vừa qua - được lấy làm ví dụ cho việc thị trường chiếu bóng Việt hồi phục nhanh. Điều này trái với tâm lý chung sợ dịch bệnh vắng khách nên quyết định lùi hoặc hoãn chiếu phim của nhiều nhà sản xuất trong nước.
Không thể trách sự thiếu tự tin này của nhà làm phim, vì với mức phí phát hành, trong đó có tỷ lệ ăn chia (rate card) với rạp 55/45 hoặc 50/50 như hiện nay, nếu cứ đưa phim ra rạp mùa dịch, nguy cơ lỗ rất cao. Vấn đề này được lưu ý thông qua con số thống kê mà một nhà phát hành đưa ra tại hội thảo: “Năm 2019 có 42 phim Việt ra rạp, đạt tổng doanh thu 1.253 tỷ đồng, trong đó phía rạp giữ gần 50%, nghĩa là phần cho đơn vị sản xuất chỉ còn hơn 600 tỷ đồng, vị chi mỗi phim sản xuất được 12 tỷ đồng, coi như hòa vốn. Do đó, thiết thực nhất là các rạp đưa ra rate card mang tính ưu đãi, chẳng hạn giảm 10% so với trước”.
|
Peninsula - lập kỷ lục phim Hàn ăn khách nhất lịch sử ở Việt Nam |
Sự chủ động hỗ trợ từ phía nhà phát hành được xem là giải pháp “căn cơ” nhất để thúc đẩy phim Việt trong thời buổi này. Nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh cho rằng: “Dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ trở lại, nên nhà sản xuất nào cũng đắn đo chi phí sản xuất, quảng bá, vì vậy, mong nhận được sự hỗ trợ của các rạp để có phí phát hành tốt hơn, trong thời gian ngắn cũng được. Theo tôi tỷ lệ hợp lý nhất là rạp hưởng 40%, nhà sản xuất 60%”.
Tuy vậy, rate card cũng chưa phải yếu tố quyết định doanh thu phòng vé cao - thấp, mà số lượng suất chiếu, rạp chiếu và giờ chiếu mới là những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định mang lại doanh thu tối đa cho đơn vị phát hành và nhà sản xuất. Cho dù tỷ lệ này cao, nhưng số lượng suất chiếu, rạp chiếu và giờ chiếu không phù hợp thì cũng ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu cuối cùng.
Do đó, bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc điều hành BHD tại TP.HCM đề xuất: “Muốn thuyết phục nhà sản xuất đưa phim ra rạp giai đoạn này, các rạp nên có những cam kết cụ thể như thời gian chiếu trong bao nhiêu ngày, ví dụ một tháng cho những phim lớn, giờ chiếu như thế nào, kế hoạch quảng bá tiếp thị cho phim ra sao”.
Được biết, Ròm ra rạp vào ngày 25/9 tới sẽ là phim Việt đầu tiên hưởng những chế độ “ưu đãi” đặc biệt từ phía phát hành, cụm rạp. Nếu doanh thu của Ròm khả quan, sẽ mở đường cho các nhà sản xuất khác mạnh dạn đưa phim ra rạp trở lại mà không cần chờ đến sang năm, vì lịch phát hành năm sau càng dày tính cạnh tranh càng cao.
Tại hội thảo, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và bà Nguyễn Thị Thu Hà - Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam, có lẽ nhiều người cũng mong đợi được lắng nghe giải pháp từ phía Chính phủ hỗ trợ ngành điện ảnh, nhưng tiếc là chưa có.
Sự im lặng từ phía Nhà nước mang đến cảm giác ngành điện ảnh bị Chính phủ “bỏ rơi” trong cuộc khủng hoảng thời dịch bệnh. Cảm giác thiếu vắng vai trò đầu tàu của Nhà nước có lẽ cũng hệt như việc Đại hội Điện ảnh không bầu được người đứng đầu.
Nguyễn Ngọc