Thức cùng 'Nhật thực'

08/05/2019 - 20:00

PNO - 'Nhật thực' lại được thêm một lần mang ý nghĩa thử nghiệm, sau sự khai phá thử nghiệm của kịch bản gốc 'Diễn kịch một mình'.

“Không biết bên kia thế giới có còn sân khấu không. Nếu không thì buồn lắm. Bởi vì có biết bao con người tài hoa làm đẹp cho đời, qua nhiều thế hệ, khi không còn ở thế gian này nữa, chẳng lẽ không còn nơi tụ họp nào khác hay sao? Không, ta không tin điều đó mà ta nghĩ rằng, dù ở bất cứ nơi nào, dẫu chỉ còn một tế bào, một ý niệm thì những người làm sân khấu sẽ tìm đến với nhau. Vì họ, vì sân khấu, có nghĩa là vì con người, vì sự sống tạo dựng yêu thương trên trái đất này”. Những câu tự sự đầy khát khao lẫn tiếc nuối này là của một nghệ sĩ đang nằm trong quan tài, chuẩn bị bước sang thế giới bên kia, chợt mừng rỡ nhận ra, nước mắt mình đang chảy. “Còn nước mắt có nghĩa là còn đau khổ, còn hạnh phúc, còn thất vọng, còn sống. Ừ, làm sao có thể chết được, vì còn có những câu hỏi mà ta chưa trả lời được…”.

Hiện tượng nhật thực đã đem lại một “ân sủng” bất ngờ, cho nghệ sĩ được sống thêm một đêm, để thực thi sứ mạng cao cả của mình lần cuối, là “đứng giữa mọi điều trung thực, chân thành; được làm sống lại những úa tàn, làm sinh liệt những hào quang…”. Và nghệ sĩ ấy đã vét tất cả sinh lực để hóa thân thành ba nhân vật điển hình của sân khấu, đồng thời là hiện thân của những dạng người mang tính trường cửu trong nhân loại: vua, trung thần và nịnh thần.

Thuc cung 'Nhat thuc'

Gần 30 năm trước, ngay từ lần đầu xuất hiện, vở kịch thử nghiệm Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh đã trở thành “hiện tượng”. Mượn câu chuyện một nghệ sĩ sân khấu đã nghe thần chết gọi, vẫn muốn bật dậy để được thực hiện thiên chức chiến đấu cho lẽ phải, cho cái thiện, để nói về lòng yêu nghề của người làm sân khấu là một ý tưởng “độc, lạ” về trình thức biểu diễn lẫn triết lý sâu sắc ở nội dung. Sự thán phục này còn dành cho người “dũng cảm” sắm vai nhân vật duy nhất trong vở, suốt hơn một tiếng: NSND Bạch Tuyết.

Trở lại với khán giả sau gần 3 thập niên, Diễn kịch một mình giờ mang tên Nhật thực (Nguyên Phương chuyển thể, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, diễn tối 5/5, tại rạp Công Nhân), như được khoác chiếc áo mới, trẻ trung và rộn rã. Tác giả Nguyên Phương, năm nay 24 tuổi, sinh viên năm cuối ngành đạo diễn sân khấu, sinh ra và lớn lên từ cái nôi của cổ nhạc - vùng đất Bạc Liêu - nên đã có những lời ca vọng cổ mở đầu rất ngọt: “Trăm năm tiếng ca cung đàn/ Dù thăng trầm bao cuộc đổi thay/ Thì bạn và tôi vẫn vẹn nguyên/ Một tình yêu sân khấu…”. So với mấy thước vuông của Diễn kịch một mình, không gian sân khấu của Nhật thực được mở rộng. Họa sĩ Lê Văn Định đã khoác cho sàn diễn Nhật thực một gam màu u trầm mà sang trọng. Anh khiêm tốn nói, là thế hệ đi sau, với một sân khấu đã tồn tại hàng trăm năm, thật khó làm mới, chỉ có thể “làm khác” chút ít, dẫu đó là sân khấu thử nghiệm. Cái “khác” của anh đã đem lại một hiệu quả thiết thực, vừa đẹp mắt, vừa gọn nhẹ, song cũng thể hiện đầy đủ  tư tưởng của vở diễn.

Xuyên suốt Nhật thực là âm nhạc ngũ cung, song lẫn bên trong những bài phối lại có sự hiện diện của disco, rock, word music… Phần nghe của Nhật thực, nhờ đó, thật trẻ trung, sôi động, nhưng không kém phần da diết. Ở một vài cảnh, ngoài nhiệm vụ dẫn dắt và đệm cho lời ca tiếng hát, âm nhạc hiện diện như một diễn viên, thể hiện tâm trạng của nhân vật. Nhạc sĩ Võ Thanh Liêm cho rằng, tính “mở” của sân khấu cải lương đã cho phép anh mạnh dạn phối hợp nhạc Tây và ta trong Nhật thực. Anh nói, trong cuộc sống đương đại, khi mọi thứ đều hướng đến hội nhập, không lý gì âm nhạc lại cứ chịu riêng lẻ.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết, đã “thai nghén” tác phẩm gần 4 năm mới bắt tay dàn dựng. Riêng phần kịch bản đã phải sửa chữa đến 10 lần mới đưa lên sàn tập. Bên cạnh việc “canh tân” về thiết kế mỹ thuật và âm nhạc, đạo diễn đã “phân thân” nghệ sĩ thành ba diễn viên: nghệ sĩ, nhân vật bi kịch, nhân vật hài kịch. 3 mà là 1, 1 mà là 3, nên mới có 2 nhân vật mang mặt nạ và im lặng suốt vở. Che mặt, im tiếng, song hai hình nhân bi kịch, hài kịch này đã diễn rất sinh động bằng vũ đạo và các động tác hình thể, hỗ trợ xuất sắc cho vai nghệ sĩ, đem lại sự hấp dẫn cho vở diễn. Nhật thực lại được thêm một lần mang ý nghĩa thử nghiệm, sau sự khai phá thử nghiệm của kịch bản gốc Diễn kịch một mình.

Nhật thực, thành công nhất là đã chọn đúng diễn viên cho nhân vật. Vóc dáng thanh mảnh, gương mặt sáng, nụ cười tươi, tay chân mềm mại, uyển chuyển, giọng hát khoan thai, truyền cảm… Lê Trung Thảo trên sân khấu toát ra vẻ đẹp thanh cao, rạng ngời, đầy sức thu hút. Vốn là giảng viên vũ đạo và kỹ thuật biểu diễn, Lê Trung Thảo đã tha hồ thể hiện tài nghệ ca diễn và vũ đạo. Chỉ với chiếc mũ và tấm áo khoác đại thần, một võ tướng đã hiện ra uy nghi, dũng mãnh, song tâm tư lại đầy não nề, mệt mỏi trước cảnh nước nhà lâm nguy, vì sự lộng hành của bọn gian thần. Chỉ thay chiếc mũ với long bào, cầm thêm bình rượu ngọc, anh trở thành một ông vua nhu nhược, trác táng...

Hầu hết các vở diễn đều kết thúc có hậu: thiện thắng ác, người quân tử thắng kẻ gian tà - kết thúc đòi hỏi chất thiện. Không có cái thiện đó, còn sống trên đời để làm gì? Nếu không chiến đấu cho lẽ phải, cho cái thiện thì tất cả sẽ trở thành vô nghĩa. Nghệ sĩ sống với các vai diễn sân khấu về đêm. Khi bình minh ló dạng, trở về đời thường, nghệ sĩ phải đối diện với cuộc đời. Theo tác giả Lê Duy Hạnh, với nghệ sĩ chân chính, sân khấu và cuộc đời là hai nhưng là một, vì cả hai tồn tại được nhờ có con người, con người nghệ thuật. Còn chúng ta - những người yêu sân khấu cải lương, biết rằng khi đêm tàn, nghệ sĩ sẽ cởi bỏ xiêm y nhân vật, trở về với nỗi cô đơn của con người, thì hãy cùng thức với Nhật thực, đồng hành với nghệ sĩ, để khi ánh dương bừng sáng, khán giả và nghệ sĩ cùng hân hoan đón chào ngày mới, ngày mà người của sân khấu và cuộc đời nhập làm một, như những điều tác giả của Diễn kịch một mình và giờ đây là Nhật thực gửi gắm. 

Cát Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI