Trên Biển Đông, chính nghĩa thuộc về Việt Nam

Thuật cờ vây và dã tâm của Trung Quốc

24/08/2020 - 06:40

PNO - Người Trung Hoa là những nhà hiện thực chính trị thực dụng - qua chính môn cờ cổ xưa nhất của người Trung Hoa, cờ vây - với cốt lõi là thực hiện cùng lúc các bước đi bao vây nhiều lãnh thổ, nhiều cuộc đấu diễn ra đồng thời ở các khu vực khác nhau trên bàn cờ...


Trong cuốn sách Về Trung Quốc (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), tác giả Henry Kissinger viết: “Một điểm đặc biệt của nền văn minh Trung Hoa là gần như không có điểm khởi đầu”. Theo đó, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ thứ 56 trích dẫn nhận định của nhà truyền giáo và lữ hành Abbé Régis - Evariste Huc (thế kỷ XIX): “Không có dấu vết nào về thời kỳ định hình của quốc gia này trong nhận thức của người dân… Họ dường như luôn sống trong cùng một giai đoạn phát triển như ở ngày nay và dữ liệu về thời xa xưa dường như chỉ để củng cố thêm cho quan điểm đó”.

Hình ảnh Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa vào năm 2006 (trái) và năm 2020 (phải) sau khi Trung Quốc xây dựng căn cứ
Hình ảnh đảo Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa vào năm 2006 (trái) và năm 2020 (phải) sau khi Trung Quốc xây dựng căn cứ

Mang theo tính dị biệt ấy về nguồn gốc văn minh dân tộc, trong hầu hết các tuyên xưng chủ quyền lãnh thổ, nhất là “những hòn đảo của Trung Quốc” trên Biển Đông, các nhà lãnh đạo nước này đã ngang nhiên tự biện về chủ quyền có từ “thời thượng cổ” (?). Ngày 7/11/ 2015, trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Xin hãy để tôi nói rõ: những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa”!  

Nói như Abbé Régis - Evariste Huc, nhà cầm quyền Trung Quốc đương đại đang cố kéo các “dữ liệu về thời xa xưa” về gần với tham vọng bành trướng ngày nay. Nhưng có “thượng cổ” cỡ nào thì cũng không khỏi cột mốc tháng 5/1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Trung Quốc) là Trương Nhân Tuấn sai Thủy sư đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy ba chiếc thuyền ra thám thính quần đảo Hoàng Sa. Ngày 6/6/1909, Lý Chuẩn cho quân đổ bộ lên đảo Hoàng Sa và tuyên bố “chiếm hữu”.

Trong khi, thực tế các chúa Nguyễn cho đến nhà Nguyễn của Việt Nam đã cho thiết lập, tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và liên tục duy trì các hoạt động thực thi quyền chủ quyền và khai thác hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa từ năm 1558 - 1783 (thời chúa Nguyễn), 1786 - 1802 (nhà Tây Sơn) và đỉnh cao là năm 1816, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa phối hợp cùng thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa - đánh dấu cột mốc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. 

Cũng lại là H.Kissinger, cha đẻ của kiểu Realpotitik đã gọi người Trung Hoa là những nhà hiện thực chính trị thực dụng - qua chính môn cờ cổ xưa nhất của người Trung Hoa, cờ vây - với cốt lõi là thực hiện cùng lúc các bước đi bao vây nhiều lãnh thổ, nhiều cuộc đấu diễn ra đồng thời ở các khu vực khác nhau trên bàn cờ…

Chỉ riêng trên khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã và đang áp dụng thuật cờ vây. Không chỉ vấn đề lãnh thổ, lãnh hải với những hành động vi phạm chủ quyền các quốc gia, trong đó có Việt Nam; mà ngay trong thời điểm thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang ra sức phòng, chống đại dịch COVID-19, vốn khởi phát từ Vũ Hán - Trung Quốc thì quốc gia này vẫn cứ hung hăng, ngạo ngược, vô pháp mở các cuộc tập trận xung quanh khu vực Hoàng Sa của Việt Nam. Mới nhất, từ 0g ngày 24/8 đến 24g ngày 29/8, Trung Quốc tuyên bố sẽ có cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông - theo Hoàn Cầu thời báo ngày 22/8. 

Những hành vi bạo ngược, chẳng cần phải che đậy bản chất bành trướng cứ ngày càng phô diễn trước mắt cộng đồng thế giới; phô diễn ngay khi cộng đồng thế giới đang vật vã vượt qua cơn thảm họa COVID-19.

Đâu chỉ ngang nhiên vi phạm chủ quyền Việt Nam, ngày 21/8, tờ Philippine Daily Inquirer đưa tin Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm phản đối việc tàu hải cảnh Trung Quốc tịch thu trái phép ngư cụ của tàu cá Philippines gần bãi Scarborough ở Biển Đông hồi tháng Năm. 

Đâu chỉ trên biển mà cả trong lục địa, ngày 22/8, tờ Tiền Phong đưa tin: vì Trung Quốc không cung cấp thông tin cụ thể về lưu lượng xả lũ nên cơ quan khí tượng Việt Nam phải kết hợp sử dụng dữ liệu vệ tinh để nhận định, giám sát việc xả lũ của quốc gia này. 

Những hành xử xấu xí che đậy dã tâm tự thân là sự tố cáo hình ảnh kém văn minh của một quốc gia, hơn thế là sự thất bại về văn hóa của một dân tộc. 

Ngày 10/4/1974, phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã hùng hồn tuyên bố: “Trung Quốc không phải là một siêu cường, cũng không bao giờ tìm cách trở thành siêu cường. Nếu ngày nào đó Trung Quốc đổi màu và trở thành một siêu cường, cũng đóng vai bạo chúa trên thế giới, và buộc khắp nơi chịu đựng sự bắt nạt, hung hăng và bóc lột của nó, thì mọi người trên thế giới cần điểm mặt chủ nghĩa đế quốc - xã hội của nó, vạch trần nó, chống lại nó và hợp tác với nhân dân Trung Quốc để lật đổ nó”. 

Gần 50 năm sau, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trở thành một nước lớn. Và thói hung hăng, bắt nạt của kẻ bành trướng luôn chễm chệ tư tưởng nắm giữ thiên hạ cũng đầy rẫy cùng khắp. Ai sẽ “lật đổ” nó? 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI