Thừa 'trứng' chắc gì đã tốt!

24/09/2017 - 08:51

PNO - Từ khi mới biết nói, cháu đã nhận ra người nhà thường chỉ trỏ bàn tán chuyện cháu thiếu mất một “hòn” và gọi cháu là “Út Lép”.

Lớn lên, lén nhìn các bạn khác, cháu thấy đúng là mình không đủ hai “trứng chim” như chúng, nhưng cũng biết có đứa đang bị giống cháu. Cháu muốn hỏi, trên đời này có khi nào có người… dư “trứng” không? Trong cuộc sống họ thuận lợi hay khó khăn hơn?

(Một nam sinh ở Thủ Dầu Một - Bình Dương)

Dân gian vẫn nói “thừa còn hơn thiếu”, ý là cứ dư ra so với yêu cầu vẫn tốt hơn là không đủ. May chiếc áo mà dư vải thì người cắt đỡ phải loay hoay tính toán sợ thiếu trước hụt sau; nấu nướng mà nguyên liệu đầy đủ thì chế biến cũng thoải mái, không phải khổ sở “liệu cơm gắp mắm”… Tuy nhiên, trong y khoa, thừa không phải là dư dả: thừa cân thì mắc chứng béo phì, thừa “trứng chim” là tình trạng bệnh lý, thừa ngón tay ngón chân là khuyết tật…

Thua 'trung' chac gi da tot!
Ảnh minh họa

Khi con trai có nhiều hơn 2 “hòn” trong bìu là bị rơi vào bệnh cảnh đa tinh hoàn, nghĩa là có nhiều hơn một tinh hoàn trong mỗi bên bìu, thường gặp nhất là có 2 tinh hoàn trong cùng một bên bìu, bên kia có một tinh hoàn nữa.

Hai tinh hoàn nằm chen nhau trong một bên bìu có thể xài chung đường ống dẫn tinh hoặc có thể tách riêng ra “của ai nấy xài”. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy bìu của người đó to hơn bình thường, sờ nắn sẽ nhận rõ có 3 “hòn”. Siêu âm thấy ngoài 2 tinh hoàn còn có khối tròn thứ ba. Chưa thấy ai “khoe” thuận lợi khi dư gì đó trong người, mà chỉ thấy những phiền toái!

Việc “kho súng đạn” của đàn ông chứa đến 3 tinh hoàn chỉ gây ra những “trục trặc kỹ thuật” đối với chuyện sinh sản. Có trường hợp hoàn toàn không có dấu hiệu thể chất rõ ràng nào nhưng lại gặp trục trặc trong việc có con.

Có trường hợp dẫn đến xoắn tinh hoàn (tinh hoàn tự xoay quanh trục của mình làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu nuôi chính nó. Khi đó, tinh hoàn sẽ bị “bế quan tỏa cảng”, sưng lên, tím đen, hoại tử. Nếu để lâu (thường là quá 6 tiếng), tinh hoàn không nhận được máu nuôi dưỡng sẽ “chết”, buộc phải cắt bỏ.

Có trường hợp bị thoát vị bẹn, tràn dịch màng tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, vô sinh. Việc “dư trứng” còn có thể là nguyên nhân gây ung thư sau này. Có người tưởng mình có “trứng” thứ 3, đến bệnh viện kiểm tra; bác sĩ khám thấy một khối tròn bất thường ở vị trí nào đó trong bìu như tinh hoàn, mào tinh, thừng tinh, cơ bìu...

Những khối bất thường này thường gặp trong trường hợp nang mào tinh hoàn, nang thừng tinh hay khối u tinh hoàn... dẫn đến nguy cơ viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn. Nếu khối u, u nang chèn ép gây tắc nghẽn lối ra của tinh trùng thì ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh, gây vô sinh.

Một số trẻ trai đã khiến cha mẹ lo lắng khi có cái bìu quá to, sờ thấy có 3 “hòn” nhưng đó chỉ là biểu hiện của 2 bệnh khá phổ biến và dễ chữa ở trẻ mới sinh là tràn dịch màng tinh hoàn và nang thừng tinh; do sự tồn tại ống phúc tinh mạc và một lượng dịch bất thường tích tụ trong ống đó.

Trẻ cần được mổ sau 12 tháng tuổi. Trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn kèm thoát vị bẹn, hoặc bìu quá to thì phải mổ sớm. Sau điều trị, hình thể cũng như chức năng bộ phận sinh dục của bé trai sẽ “tốt như mới”.

Hội các chàng thiếu một trứng không ít đâu, nhưng dư trứng thì rất hiếm gặp. 

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI