Thừa Thiên - Huế: Thót tim sống trong những ngôi nhà cổ chờ sập

03/01/2019 - 06:00

PNO - Trong khi chính quyền địa phương đang loay hoay tìm phương án tu bổ, bảo tồn thì nhiều ngôi nhà cổ ở Thừa Thiên - Huế đang ngày càng hư hỏng và có thể sập bất cứ lúc nào.

Mới đây nhất là ngôi nhà tại ngã ba Mai Thúc Loan - Phan Đăng Lưu (TP.Huế) có tuổi đời 100 năm, đổ sập trong đêm khuya, khiến người dân đang sinh sống trong những ngôi nhà cổ hết sức hoang mang.

Đi không nỡ, ở không yên

Tại khu nhà cổ số 50 đường Nguyễn Chí Diễu, P.Thuận Thành, TP.Huế, hiện có hơn 10 hộ dân, chủ yếu là cán bộ hưu trí của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế sống từ năm 1975 đến nay. Nơi đây nằm trong hệ thống khu di tích Lục bộ và Thượng thư Bộ Công được xây dựng từ thời vua Minh Mạng, sau này phân cho các cán bộ hưu trí của tỉnh ủy ở. Bà Võ Thị Nhạn (65 tuổi), cán bộ về hưu sống tại khu nhà cổ này cho biết: “Tôi sống ở đây một mình cũng hơn 30 năm rồi. Cảnh già neo đơn mà khi nào cũng nơm nớp sợ nhà sập vì các cột kèo đã xuống cấp do bị mối mọt ăn. Do nhà nằm trong khu di tích nên chúng tôi không được phép tự sửa”.

Thua Thien - Hue: Thot tim song trong nhung ngoi nha co cho sap

Bà Nguyễn Thị Duyệt, 79 tuổi, cư ngụ hơn 50 năm ở di tích Khâm Thiên Giám lo lắng khi sống trong căn nhà cổ

Sống cùng dãy của ngôi nhà cổ với bà Nhạn là hộ bà Dương Thị Tý. Theo quan sát của chúng tôi, những cột chống của ngôi nhà đã có dấu hiệu bị nghiêng, nếu không có sự chống đỡ của các thanh sắt thì những chiếc cột này không thể đứng vững. Trong khi đó, những chiếc kèo còn mang dấu vết đầu rồng đã bắt đầu mục nát. Mái ngói đã chùng xuống, những viên gói bị vỡ rơi rớt dưới nền nhà. Tất cả dấu hiệu đó cho thấy, ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lo lắng cho những hộ dân đang sống ở đó.

Tương tự, ngôi nhà cổ ở số 119 Đặng Tất, P.Hương Sơ, TP.Huế cũng chung số phận. Mái ngói phía trước của ngôi nhà bị cong và được chống yếu ớt bởi những cột gỗ đã bị bào mòn theo thời gian. Phía trong, cột nhà chính cũng bị mối mọt đục khoét. Chủ nhà là ông Hồ Xuân cho biết: “Đây là loại nhà rường vuông một căn, hai chái với diện tích 7x7, được bố tôi mua trên làng Trúc Lâm, Kim Long. Tuổi đời của nó hơn 100 năm. Đã có nhiều đoàn về ghi nhận nhưng đến nay, tôi vẫn chưa thấy có kết quả gì”.

Bảo tồn nhà cổ Bao Vinh: chuyện còn trên giấy

Phố cổ Bao Vinh được xây dựng từ thế kỷ XIX, từng là thương cảng sầm uất nổi tiếng. Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, phố cổ Bao Vinh có kiến trúc nhà cổ độc đáo. Tuy nhiên, trải qua hơn hai thế kỷ, những ngôi nhà cổ ở khu phố này đang biến mất dần theo thời gian. Từ năm 1991, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện công tác khảo sát và năm 2003 có quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh. Vào thời điểm đó, nơi đây còn gần 40 ngôi nhà cổ.

Thua Thien - Hue: Thot tim song trong nhung ngoi nha co cho sap

Khuya 15/12, một ngôi nhà hơn 100 năm tuổi tại ngã ba Phan Đăng Lưu - Mai Thúc Loan TP.Huế bất ngờ đổ sập

Theo dự định của giới nghiên cứu, những ngôi nhà cổ sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị của kiến trúc nhà cổ truyền thống ở Huế, cũng như đưa vào khai thác, phục vụ du lịch. Tuy nhiên, khi dự án còn chưa kịp triển khai thì năm 1996, có 11 ngôi nhà cổ “biến mất” và được thay thế bằng những căn nhà gạch ngói mới. Đến nay, toàn bộ phố cổ Bao Vinh chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà cổ, trong đó có sáu ngôi nhà kiến trúc gỗ, bốn ngôi nhà kiến trúc Pháp đang được các hộ dân sử dụng.

Còn nhớ cách đây không lâu, chính quyền TP.Huế đã đưa bốn ngôi nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh còn nguyên vẹn vào danh sách bảo tồn. Đó là những ngôi nhà cổ của các hộ: Đỗ Kỳ Hoàng, Lê Quang Chất, Phạm Gia Đắc, Nguyễn Thị Thể.

Thế nhưng, theo các hộ dân này, công tác bảo tồn phần lớn phụ thuộc vào chủ nhà bằng cách tự gìn giữ, bảo vệ, không đập phá, không xây mới hoặc thay thế các công trình kiến trúc cổ bên trong nhà.

Ông Lê Quang Chất, chủ ngôi nhà có tuổi đời trên 100 năm ở phố cổ Bao Vinh, bày tỏ: “Do được xây dựng quá lâu nên nhà cổ nay bị hư hại nhiều, thấm dột. Hiện tại, gia đình phải sửa chữa một số hạng mục để vừa làm chỗ ở, vừa bảo vệ ngôi nhà khỏi bị sập. Trước đây, từng có người đến đặt vấn đề đổi khung gỗ trong ngôi nhà của chúng tôi thay bằng khung gỗ mới và họ sẽ “bù” thêm 12 cây vàng nhưng gia đình tôi từ chối để giữ nguyên trạng nhà cổ do tổ tiên để lại”.

Theo lãnh đạo UBND xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà), nhiều năm qua, chính quyền xã cùng các cơ quan chức năng đã nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân bảo tồn nhà cổ. Tuy nhiên, đứng trước những căn nhà cổ đang bị hư hỏng, chờ sập, các hộ dân không biết phải làm thế nào khi kinh phí để tu sửa những căn nhà cổ quá lớn, khoảng từ 100 đến 200 triệu đồng.

Thua Thien - Hue: Thot tim song trong nhung ngoi nha co cho sap

Bên trong nhiều căn nhà cổ ở Bao Vinh, các trụ cột đã riệu rã

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: từ năm 2003, phố cổ Bao Vinh đã được quy hoạch. Từ đó, sở đã xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, phân khu phố cổ và hiện thị xã Hương Trà đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2019.

Bên cạnh đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cũng đã nghiên cứu và đưa vấn đề quy hoạch phố cổ Bao Vinh vào tổng thể dự án chung về quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Theo đó, các nhà cổ truyền thống ở phố cổ Bao Vinh sẽ được bảo tồn theo hướng gắn liền với các nghề thủ công mỹ nghệ để phát triển du lịch.

Trong khi đó ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch phố cổ Bao Vinh gặp rất nhiều khó khăn do không gian chật chội, chính sách không có sự tác động hỗ trợ.

“Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã nêu ý kiến cần được tạo điều kiện hỗ trợ bảo tồn. Do chờ đợi trong thời gian dài, bức xúc nên có nhiều nhà đã bị tháo dỡ sửa chữa, dẫn đến phố cổ không còn nguyên vẹn như trước. Thị xã cũng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét quy hoạch lại phố cổ Bao Vinh để tôn tạo, bảo tồn nhưng vấn đề này không được giải quyết thấu đáo”, ông Ty nói.

Cần tạo sinh kế cho người dân

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, kiến nghị tỉnh cần có chính sách ưu đãi đầu tư và kinh doanh cho các chủ nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh. Bên cạnh đó, cần phục hồi phát triển một số ngành nghề truyền thống mới thu hút được khách du lịch.

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nhìn nhận: phố cổ Bao Vinh có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử hình thành kinh đô Huế. Vì thế, việc quy hoạch và bảo tồn phố cổ Bao Vinh cần được nghiên cứu kỹ và thực hiện một cách nghiêm túc, thận trọng. “Trên hết, tỉnh cần có chính sách phù hợp và tạo sinh kế cho người dân, chủ nhân những ngôi nhà cổ thì họ mới có ý thức giữ gìn và chung tay phối hợp với chính quyền địa phương bảo tồn di sản”, ông Hải khẳng định.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI