Nhiều năm qua, dự án khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp Vinconstec - Huế (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), với quy mô 72ha, chạy dài 1,5km bờ biển, đã “cản đường” ra biển đánh cá của đông đảo ngư dân. Ông Nguyễn Long - ngư dân thôn Trung An, xã Phú Thuận - bức xúc: “Từ xưa đến nay, ở khu bãi ngang này rất nhiều đường để ngư dân xuống biển đi đánh cá. Nhưng khi cấp phép làm resort người ta đã quên chừa đường xuống biển cho bà con”. Ông Lê Ế - một ngư dân khác - cho biết thêm: “Nếu dồn hết thuyền vào 2 bãi ở 2 đầu khu resort, bão về thì 300 con thuyền đậu san sát nhau sẽ va đập vào nhau, vỡ hết. Nhà chúng tôi ở xa chỗ neo đậu nên việc bảo quản tài sản rất khó khăn”.
|
Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) thi công dở dang, phơi mưa nắng nhiều năm qua |
Cùng với ngư dân ở thôn Trung An, hàng trăm hộ dân ở các thôn Tân Lập, Tân An và Xuân An (xã Phú Thuận) cũng bức xúc trước việc lối xuống biển của họ bị bít. Theo ngư dân, lượng ngư cụ phải mang ra, vào cho mỗi chuyến ra khơi là rất nặng và kềnh càng, nên trước đây có cả chục lối xuống biển, thôn nào ít cũng có 2-3 lối. Giờ đây, lối xuống biển bị bít hết vì các dự án resort, khu nghỉ dưỡng, khiến công việc của ngư dân gặp rất nhiều bất tiện.
Ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - thừa nhận, với chiều dài 1,5km của khu resort, những ngư dân ở giữa phải đi bộ vác lưới cụ rất khổ, cho nên việc ngư dân đề nghị mở 1-2 con đường cho họ là thiết thực. Hiện UBND xã Phú Thuận đã có tờ trình lên huyện và tỉnh xem xét điều chỉnh.
Tương tự, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), cũng không có lối đi nào ra bãi tắm. Nhiều nhóm khách du lịch nghỉ tại các khách sạn, nhà nghỉ bình dân ở bên này quốc lộ, đối diện với bãi biển, đã mất hàng giờ tìm đường ra bãi biển nhưng đành chịu thua. Chủ khách sạn Quỳnh Liên cho biết: “Chỗ tôi có rất nhiều khách du lịch bình dân tới nghỉ. Họ đến đây vì muốn tắm và ngắm vẻ đẹp của vịnh Lăng Cô - 1 trong 20 vịnh đẹp của thế giới, nhưng họ đã thất vọng vì không tìm được đường ra bãi biển. Họ tức giận và nói, bít lối xuống biển là không tôn trọng du khách. Ước tính chúng tôi đã thất thu hàng trăm triệu đồng, vì khách không trở lại”.
Thực tế là nhiều năm qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp các dự án du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng nằm liền kề nhau và không chừa đường ra biển cho cư dân địa phương và khách ở nơi khác đến. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có những khách du lịch hạng sang, chọn lưu lại tại các khu nghỉ dưỡng sát biển thì mới được tiếp xúc với biển, còn lại đành chịu thua. Ngay cả dân địa phương muốn xuống biển tắm cũng không thể, khiến bà con bức xúc.
|
Du khách mất đường ra biển vì dự án khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp Vinconstec - Huế “đắp chiếu” hơn 10 năm |
Anh Lê Anh Khoa - một người dân ở TP Huế - cho biết: “Cuối tuần vừa rồi, vợ chồng tôi đưa con về Lăng Cô tắm biển nhưng đường ra biển ở thị trấn Lăng Cô bị bít kín để nhường chỗ cho các khách sạn, resort. Để được tắm biển, chúng tôi đành thuê 1 phòng với giá 1,4 triệu đồng/đêm tại một khu resort”.
Đáng nói là, dù chiếm đất ven biển nhưng các dự án khu nghỉ dưỡng như Vinconstec - Huế, Minh Viễn Lăng Cô, Huyền thoại Địa Trung Hải, đều đang “đắp chiếu” nhiều năm qua, trong khi ngư dân và du khách lại mất đường ra biển. Tại sao chuyện phi lý, gây cản trở sự phát triển của ngành kinh tế và du lịch như vậy, lại vẫn cứ tồn tại?
Thuận Hóa