Thừa Thiên - Huế: Người dân mong thoát cảnh sống tạm bợ trong di tích

12/01/2023 - 06:26

PNO - Lại một mùa xuân nữa về trên quê hương nhưng hơn 30 hộ dân sinh sống trong khu di tích Lăng Vua Dục Đức (còn gọi là An Lăng) thì vẫn tiếp tục mong ngóng nhà tái định cư. Hơn 40 năm “sống mòn”, người dân đã quá mệt mỏi.

Hơn 40 năm sống "bám" di tích 

Những ngày cuối năm tôi tìm đến khu nhà tập thể đã xuống cấp trong khuôn viên khu di tích An Lăng ở phường An Cựu, TP Huế. Trái hẳn không khí tết đang nhộn nhịp khắp phố phường, ở đây, nhiều gia đình đang tìm cách chống dột và lau dọn những vũng nước lênh láng khắp nền nhà vì nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được xây mới hay sửa chữa.

Ông Hà Thái Sinh trong căn nhà xuống cấp nằm trong khu di tích An Lăng
Ông Hà Thái Sinh trong căn nhà xuống cấp nằm trong khu di tích An Lăng

Ông Hà Thái Sinh - 70 tuổi, đang sống ở khu tập thể - cho biết, rất nhiều năm qua, gia đình ông và gần 30 gia đình phải sống chen chúc trong những căn nhà trong di tích An Lăng, nhiều gia đình đã sinh sống tại đây hơn 40 năm.

Nhà ông Sinh rộng hơn 30m2, nằm phía sau chánh điện thờ Vua Dục Đức, là nơi 3 thế hệ với 9 thành viên trong gia đình trú ngụ. “Ở đây dân khổ lắm chú ơi, mưa thì dột tả tơi, nắng thì nóng không thể tả. Bà con đã rất nhiều lần gửi đơn xin nhà tái định cư, vì biết mình đang sống trên đất di tích, nhưng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trả lời là không thuộc thẩm quyền của họ” - ông Sinh bùi ngùi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể từ năm 1993, khi quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, tất cả các công trình nhà ở tại khu vực An Lăng, lăng Vua Duy Tân đều không được phép xây dựng, sửa chữa. Vì thế nên các hộ dân ở đây, với nhiều thế hệ, sống chui rúc trong những căn nhà xuống cấp suốt nhiều năm qua. 

Dẫn chúng tôi đi “tham quan” ngôi nhà ọp ẹp, ông Sinh giới thiệu một bức tường chính của ngôi nhà được xây dựng bằng vôi vữa từ thời Duy Tân. Do căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nên ông dùng giấy decal dán để che lại. “Những gia đình ở đây hầu hết là cán bộ hưu trí làm việc tại Sở Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên trước kia, nay đều đã lớn tuổi và chỉ mong được di dời đi nơi khác, có miếng đất và cái nhà đàng hoàng để sống những ngày cuối đời” - ông Sinh tha thiết.

Bao giờ mới được tái định cư?

Ở khu vực An Lăng, ngoài cán bộ Sở Công nghiệp sinh sống lâu năm, còn có thêm khu tập thể dành cho giáo viên nghèo công tác trong ngành giáo dục sau ngày Huế được giải phóng ngay cạnh An Lăng. Mỗi giáo viên được cấp 1 căn hộ tập thể. Khu tập thể này đã tồn tại gần nửa thế kỷ nhưng do vướng đất di tích nên nhà xuống cấp không thể sửa. Không thể sống mãi trong ngôi nhà tạm bợ, thầy giáo Mai Xuân Thiều (87 tuổi) và các con đã liều sửa chữa tạm bợ căn nhà 20m2 để đối phó với mưa bão.

“Tôi có nghe TP Huế đang bố trí đất tái định cư cho người dân tại vị trí phường Hương Sơ. Khu tập thể này ai cũng ước nguyện được đi tái định cư cho con cháu đời sau có chỗ an cư lạc nghiệp. Sống trong lòng di tích, bà con đã quá khổ rồi. Năm mới, con cháu về đông, phải đón tết trong căn phòng bé tí, xuống cấp thế này chúng tôi rất chạnh lòng” - ông Thiều nghẹn lời.

Trong khu di tích Lăng Vua Dục Đức còn có một dãy nhà xuống cấp khác, được người dân tận dụng làm nhà kho. Tại đây, đơn vị quản lý di tích đã gắn biển cảnh báo “Khu vực nguy hiểm, cấm đến gần” để đề phòng công trình này có thể đổ sập bất cứ lúc nào. 

An Lăng đã được khoanh vùng bảo vệ từ năm 1993. Tuy nhiên, đến nay, các hộ dân khu vực bảo vệ di tích vẫn chưa được bố trí tái định cư. Bà con ở đây đều bày tỏ, cuộc sống của họ quá bí bách, khổ sở khi phải sống tạm bợ nhiều năm trong lòng di tích.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - cho biết, do lịch sử để lại nên hiện có nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực 1 di tích An Lăng. Trung tâm đã nắm được nguyện vọng của bà con muốn di dời để trả lại mặt bằng - cảnh quan cho di tích, đang thống kê số lượng để đề xuất giải pháp cho bà con di dời.

Ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP Huế - cho biết, trên địa bàn hiện mới thực hiện di dời người dân ở vùng di tích Thượng Thành, Eo Bầu, thuộc Kinh thành Huế. Đối với các hộ dân hiện sinh sống trong khuôn viên khu di tích An Lăng vẫn chưa có dự án di dời, tái định cư.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI