Nhằm có cơ sở quản lý bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị của Vườn quốc gia Bạch Mã (VQG BM), thu hút các nhà đầu tư kinh doanh và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, trên cơ sở thống nhất chủ trương lập quy hoạch của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho phép Công ty CPDL Vườn Bạch Mã lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) khu du lịch sinh thái Bạch Mã thuộc VQG BM để các cơ quan chức năng thẩm định.
Theo đó, quy mô quy hoạch có tổng diện tích 387,8ha chia làm 2 khu. Khu A rộng 97,8ha bao gồm hạ tầng đường giao thông tiếp cận 23,3 ha; trạm cơ sở tại khu vực Khe Su 64,1ha; riêng khu xây dựng tuyến cáp treo có chiều dài 4km với hành lang bảo vệ 26m có diện tích 10,4 ha. Khu B là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã có diện tích khoảng 290ha với chức năng chính là nơi đón tiếp du khách.
|
Phối cảnh cáp treo trên đỉnh Bạch Mã |
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Linh - Phó giám đốc VQG BM, người từng nhiều năm làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở rừng Bạch Mã cho rằng, nên thận trọng với các dự án du lịch sinh thái ở VQG BM. Theo ông, khu vực đỉnh Bạch Mã có lượng mưa hàng năm rất lớn, độ ẩm cao, nhiều sấm sét. Bên cạnh đó, công trình Hải Vọng Đài là nơi ngắm cảnh có thể tu bổ để phục vụ du khách, nên cần xem lại việc có nên xây dựng nhà tổ chim ở khu vực đỉnh núi nữa không.
Về tuyến cáp treo số 2 theo báo cáo quy hoạch của đơn vị thiết kế là từ đỉnh núi xuống Ngũ Hồ, theo ông Linh, khu vực này thường có 3 đàn vọoc chà vá chân nâu xuất hiện, nên cần thận trọng. “Nên tận dụng tuyến đường sẵn có để phát triển tuyến xe điện hiện đại, giảm tác động đến môi trường. Du khách đến đây có thể ngắm được đàn vọoc hay các loài chim muông. Bạch Mã nổi tiếng những vườn chim, nếu làm không cẩn thận sẽ mất”, ông Linh nói.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, một trong những người được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mời đóng góp ý kiến về quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã, tỏ ra băn khoăn khi bản thuyết minh xác định “Xây dựng Bạch Mã trở thành một khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng hoàn chỉnh”.
Ông Hoa nói: “Không nên tự khẳng định Bạch Mã là “khu du lịch sinh thái tâm linh” vì yếu tố sinh thái tâm linh ở đây (cả hiện trạng và dự kiến xây dựng thêm trong tương lai) không phải là yếu tố nổi trội. Khẳng định như vậy, chúng ta đã tự trói buộc mình vào một khung cửa hẹp, hạn chế sự phát triển đa dạng. Và dù có làm tốt đến mấy, Bạch Mã cũng không thể trở thành một “khu du lịch sinh thái tâm linh”, vì bản thân nó không hội tụ đủ các yếu tố đó”.
|
Du khách tham quan Vọng Hải Đài |
Ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng nên xây dựng Bạch Mã thành một khu du lịch sinh thái chất lượng cao, với những đặc trưng về du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng hoàn chỉnh có sức hấp dẫn cao và độc đáo.
“Đừng ám ảnh 139 biệt thự người Pháp đã xây ở Bạch Mã. Không nên khôi phục toàn bộ các biệt thự này. Cần chọn ra những biệt thự độc đáo có giá trị về mặt kiến trúc, còn phải hình thành những biệt thự ở Bạch Mã mới, dung lượng chứa khách của nó cao hơn, tiện ích tốt hơn và hiệu quả kinh tế”, ông Hoa trao đổi thêm.
Kiến trúc sư Lã Thị Kim Ngân, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: "Phải cân nhắc rất kỹ về quy mô của các khu chức năng. Tôi đề nghị phải rà soát lại quy mô của khu lưu trú, đặc biệt là phần nghỉ dưỡng và khách sạn. Về khu vực tâm linh, ngoài việc viếng chùa hiện hữu, có thể hướng đến kết hợp với việc tham quan không gian xung quanh chứ không thể tổ chức những lễ hành hương lớn hàng nghìn người".
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là khu lịch nghỉ dưỡng sinh thái rất đặc biệt, các công trình xây dựng ở đây cần phải chú ý bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Chính nói: "Tiếp cận nơi đây bằng đường giao thông thì người Pháp đã làm rồi. Nếu chúng ta tiếp tục làm đường theo đó thì phải mở rộng thêm 2-3 làn xe... Như thế thì phá vỡ cảnh quan, không gian. Theo tôi, nên cải tạo con đường hiện nay để phục vụ du lịch đi theo kiểu mạo hiểm, còn cáp treo vẫn là phương án giao thông du lịch miền núi đúng nhất, ít ảnh hưởng đến cây cối, sinh vật mà khách vẫn được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên".
Tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định quy hoạch này mang tính định hướng, không hạn chế sự sáng tạo của nhà đầu tư. Trong quá trình triển khai, sẽ tập trung làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường, cảnh quan, cân nhắc việc đầu tư hệ thống cáp treo tại khu vực Khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Địa phương này khẳng định sẽ tiếp tục nhận ý kiến của người dân, nhà nghiên cứu... để cùng "đánh thức" một Bạch Mã ngủ yên bấy lâu.
Tại hội nghị, đại diện Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG - Mỹ) - đơn vị tư vấn quy hoạch về các phân khu du lịch Bạch Mã, cho biết khu B nằm trên đỉnh Bạch Mã thuộc VQG BM khá quan trọng trong dự án phát triển du lịch sinh thái ở VQG BM. Khu này được phân thành 7 phân khu như: làng trung tâm - cửa ngõ hành trình du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng sinh thái, mua sắm; làng di sản bên triền đồi kết hợp với các công trình biệt thự Pháp cổ được trùng tu, là điểm hướng đến di sản, lịch sử và nghệ thuật… Ngoài ra còn có khu du lịch sinh thái thung lũng thác nước với điểm nhấn là thác Đỗ Quyên và phân khu cảnh quan tự nhiên.
Đại diện Tập đoàn POMA (Pháp) - đơn vị tư vấn về tuyến cáp treo Bạch Mã, trình bày về đề án xây dựng hệ thống cáp treo sử dụng công nghệ tuần hoàn đơn, kẹp nhả tự động, bao gồm 2 tuyến. Tuyến số 1 dài hơn 4 km, đi từ khu vực trạm cơ sở (khu A) lên đỉnh Bạch Mã (khu B) gồm hệ thống 24 cột với 83 cabin, 10 chỗ/cabin. Tuyến số 2 đi từ ga đỉnh Bạch Mã (cao 1.395m) đến ga cuối ở khu vực Ngũ Hồ (cao 1.140m), dài 1,6 km, có 10 cột, 33 cabin. Công suất tối đa là 1.750 hành khách/giờ. Đơn vị này đưa ra những hình ảnh, dữ liệu phân tích rằng việc thiết kế dự án du lịch sinh thái ở VQG BM sẽ không làm ảnh hưởng đến hệ thực vật, động vật quý hiếm tồn tại từ hàng thế kỷ qua ở Bạch Mã.
|
Thuận Hóa