Thừa Thiên-Huế: Huy động dân gia cố bờ biển

18/09/2013 - 16:52

PNO - PNO - Sáng 18/9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế đã họp bàn triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 8

Theo báo cáo của BCH PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến sáng 18/9, toàn bộ 1.874 phương tiện tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn, trong đó có 64 phương tiện của các tỉnh khác. Dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 2.884 hộ, 11.561 nhân khẩu ở các vùng sạt lở, ven biển phải sơ tán đến nơi an toàn khi có bão, lũ xảy ra. 

Thua Thien-Hue: Huy dong dan gia co bo bien

Gần 1.900 tàu thuyền và phương tiện đánh bắt  của ngư dân Thừa Thiên-Huế đã vào tránh trú an toàn

Theo ghi nhận của chúng tôi, chiều 18/9, tại bờ biển xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), gió và triều cường mỗi lúc càng mạnh, tăng cao. Sóng biển dâng cao, đánh vào khu dân cư gây sạt lở ngày càng sâu hơn. Lực lượng biên phòng và nhân dân địa phương khẩn trương đưa từng khối đá, rọ thép xây dựng kè chắn sóng, chống sạt lở bờ biển. Cách bờ biển khoảng 50 mét là hàng chục ngôi nhà chênh vênh, có nguy cơ bị những con sóng dữ  đánh sập. Người dân xóm Cồn Đâu, xóm Ghềnh cũng sẵn sàng ứng phó, sơ tán khi có lệnh của chính quyền. Ông Nguyễn Huy, một cư dân địa phương nói: “Cứ đến mùa mưa bão, bờ biển thôn Thai Dương Hạ Nam lại bị sạt lở, ngày càng lấn sát vào nhà dân. Bà con nơi đây lúc nào cũng trong tư thế chuẩn bị sơ tán đến nơi an toàn”. Đến chiều 18/9, gia đình ông Huy cũng như 51 hộ dân ven biển đã thu xếp lương thực, thu yếu phẩm, áo quần..., sẵn sàng di dời đến vùng cao, các nhà cao tầng để tránh bão và sạt lở bờ biển.

Thua Thien-Hue: Huy dong dan gia co bo bien
Tàu thuyền vào tránh trú bão tại thôn Hải Tiến - ảnh Trang Hạ

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, nỗi lo lớn nhất của chính quyền địa phương trong mùa mưa bão là các hộ sống ven biển. Ngoài các điểm sạt lở trước đây, cơn bão số 8 năm nay khiến bờ biển thôn Thai Dương Hạ Nam bị sạt lở chiều dài 200 mét, sâu 13 mét, đe dọa tính mạng và tài sản nhân dân. UBND tỉnh đã hỗ trợ trên 700 triệu đồng cho xã Hải Dương mua đá và rọ thép để xây kè chắn sóng. Hơn 1.000 cán bộ và nhân dân địa phương cùng tham gia, mỗi người một ngày công để kè đá chống sạt lở bờ biển. Hiện người dân đã đắp được hơn 600 m3 đá hộc, 400 rọ thép, 1.000 m2 vải lọc và 150 m3 cát để chống xói lở. Chính quyền địa phương chuẩn bị các phương tiện, lực lượng, nơi ở an toàn, sẵn sàng di dời dân đến khi cần thiết. Cùng với việc chăm lo vùng ven biển, cán bộ xã phối hợp với các thôn, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân giằng chống nhà cửa an toàn. Đến trưa 18/9, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn cơ bản hoàn thành việc giằng chống nhà. Các loại lương thực, nhu yếu phẩm cũng được bà con dự trữ, đảm bảo phục vụ mùa bão, lũ kéo dài.

Thua Thien-Hue: Huy dong dan gia co bo bien

Người dân thôn Quy Lai giằng chống nhà cửa chống bão số 8

Tại xã Phú Thanh (huyện Phú Vang), địa phương nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An có khả năng chịu ảnh hưởng lớn khi bão số 8 đổ bộ vào. Ông Hồ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho biết, lo lắng nhất đối với chính quyền địa phương trong mùa bão, lũ là ý thức chấp hành của người dân khu tái định cư Quy Lai (trước đây là vạn đò) còn thấp. Thường khi có bão, lũ, cán bộ xã, thôn phải mất nhiều thời gian đến vận động trực tiếp dân mới chịu di dời, sơ tán. Đối phó với bão số 8 này, chính quyền địa phương rất quan tâm chăm lo đời sống người dân khu tái định cư Quy Lai. Đến chiều ngày 18/9, hơn 40 hộ gia đình ở Quy Lai đã hoàn thành việc giằng chống nhà cửa. Bà con đã chất lúa, gạo lên xuồng, điểm cao để tránh lũ, sẵn sàng di dời theo lệnh của địa phương. Với các hộ cố tình chây ỳ sẽ bị cưỡng chế, quyết tâm không để thiệt hại về người. Ông Hồ Xuân Chung cho biết, nếu bão, lũ lớn xảy ra, toàn xã có trên 100 hộ phải sơ tán đến các nhà kiên cố, nhà cao tầng, trường học, trụ sở UBND xã.

Thua Thien-Hue: Huy dong dan gia co bo bien

Bộ đội tham gia chống sạt lở bờ biển tại xã Hải Dương

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới, toàn tuyến QL49A có bốn điểm sạt lở và sụt lún, gồm Km 67+700, với khối lượng 1.000m3 đất đá, Km 73+100, với khối lượng khoảng 500 m3 đất đá, Km 75+150 và khu vực hạ lưu mố cầu tại Km 70+655. Trong đó nghiêm trọng nhất là điểm sạt lở tại Km 67+700 vào lúc 18 giờ ngày 17/9, với khối lượng hơn 1.000m3 đất đá khiến cho tuyến đường huyết mạch từ Huế đi A Lưới bị chia cắt trong nhiều giờ và hiện nay vẫn tiếp tục sạt lở.

Thua Thien-Hue: Huy dong dan gia co bo bien

Tuyến đường đi A lưới bị ách tắc nhiều giờ do sạt lở

Ông Cường cho biết: Hiện nay lượng mưa đo được trên địa bàn A Lưới 170ml/giờ. Công trình thủy điện A Lưới vẫn trong tình trạng đảm bảo an toàn, đang xả lũ với lưu lượng 170m3/giây. UBND huyện A Lưới cũng đã có thông báo đến Chủ tịch UBND huyện Klừm, tỉnh Sê Kông (nước bạn Lào) để chủ động các phương án ứng phó kịp thời khi tình trạng ngập lũ xảy ra.

Ông Phạm Văn Nhị, GĐ Điều hành Dự án QL 49A, thuộc BQL Dự án 4, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết: Ngay sau khi hiện tượng sạt lở xảy ra, BQL Dự án đã huy động mọi lực lượng, phương tiện của các đơn vị đang thi công trên tuyến đường này tiến hành giải phóng nhanh khối lượng đất đá tràn qua mặt đường. Đến 6 giờ sáng ngày 18/9, toàn tuyến đã được thông xe.

THUẬN HÓA 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI