Thừa Thiên - Huế: Hàng loạt công trình kiến trúc cổ kiểu Pháp đang 'đột qụy'

19/07/2018 - 19:00

PNO - Theo thống kê năm 2000, ở Huế có khoảng 240 công trình kiến trúc Pháp. Con số này đang giảm khá nhanh.

Năm 2017, một biệt thự tại số 5 Lý Thường Kiệt bị đập bỏ, dù chưa xuống cấp nghiêm trọng. Sự việc đã khiến nhiều nhà nghiên cứu cũng như dân cư địa phương tiếc nuối. Dù vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp vẫn chưa được chú trọng.

Thua Thien - Hue:  Hang loat cong trinh kien truc co kieu Phap dang 'dot quy'
Biệt thự kiến trúc Pháp ở số 5 Lý Thường Kiệt đã bị đập bỏ vào tháng 5/2017

Mập mờ lộ trình bảo tồn

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố danh sách 27 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu thời Pháp được bảo tồn. Có 16 công trình thuộc sở hữu của các tổ chức và hộ cá nhân. 11 công trình do các cơ quan nhà nước quản lý như: Đại học Huế, Trường THPT chuyên Quốc Học, Trường THPT Hai Bà Trưng, ga Huế, trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế… Dư luận thêm một lần lo ngại cho các công trình kiến trúc cổ không được đưa vào danh sách bảo tồn, có nguy cơ bị xóa bỏ.

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: trong danh sách được công bố, có nhiều công trình chưa “chuẩn xác”. Cụ thể, nhà thờ chính tòa Phủ Cam được khởi công vào năm 1960, nhưng đến năm 2000 mới chính thức hoàn thành. Thời điểm đó đã không còn là công trình kiến trúc Pháp nữa. Tương tự, công trình nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là tên gọi chưa chuẩn. Công trình này cũng khởi công vào năm 1959, không còn là thời điểm thuộc Pháp…

Ông Nguyễn Xuân Hoa cũng cho rằng, nhiều công trình mang tính tiêu biểu của kiến trúc Pháp nhưng lại lọt khỏi danh sách UBND tỉnh đã công bố. Điển hình như biệt thự cổ ở số 26 Lê Lợi, hiện là trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Từ năm 1897, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc ở cố đô Huế. Nhiều công trình mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử của Huế như: khách sạn Sài Gòn Morin, trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Bệnh viện Trung ương Huế, ga Huế… tạo nên những giá trị khác biệt, là điểm nhấn trong quỹ kiến trúc đô thị Huế. Thế nhưng mãi đến nay TP.Huế vẫn chưa có kế hoạch, chính sách gì để bảo tồn và phát huy giá trị của chúng. 

Thua Thien - Hue:  Hang loat cong trinh kien truc co kieu Phap dang 'dot quy'
Nhà thờ chính tòa Phủ Cam không phải là công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, nhưng lại nằm trong danh sách bảo tồn của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Mất dần “tài nguyên” văn hóa Huế

Nhiều nhà nghiên cứu Huế, khi được hỏi, cảm thấy “thất vọng” và cho rằng, “di sản kiến trúc Pháp” tại Huế đang bị phá hủy ngay trên vùng đất nó được dựng lên.

Nhiều công trình cổ bị phá dỡ do hết niên hạn sử dụng. Có công trình bị thay đổi, cải tạo như: khách sạn Sài Gòn Morin, từ 2 tầng lên 4 tầng. Rồi chi nhánh ngân hàng Đông Dương bị đập bỏ để xây dựng Trung tâm Học liệu Đại học Huế, cho đến ngôi biệt thự trước khách sạn Heritage cũng bị đập bỏ vào tháng 4/2017.

“Hiện chưa có đề án nào đánh giá tổng thể, cụ thể chất lượng từng công trình. Trước, cũng có một số dự án nhỏ để chỉnh trang, sửa chữa, cải tạo một số công trình, nhằm nâng cao chất lượng sử dụng. TP.Huế sẽ tham mưu với Sở Xây dựng và UBND tỉnh để nghiên cứu, phát huy giá trị các công trình Pháp tiêu biểu”.

Ông Võ Lê Nhật
(Phó chủ tịch UBND TP.Huế)

Giữa tháng Sáu vừa qua, ngôi biệt thự cổ tọa lạc tại số 3 đường Đống Đa, do Nhà nước quản lý, cũng bị xâm hại. Người thuê địa điểm này làm quán cà phê đã tự ý gỡ bỏ lớp vôi vữa nguyên thủy, đục tường, làm hư hại nghiêm trọng.

Trong lúc việc bảo tồn vẫn nằm chờ, nhân dân Huế đón một tin khá “sốc”: tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Hạ tầng và Dịch vụ truyền thông LOGI 3 nghiên cứu, đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất 26 Lê Lợi (trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, nói: “Công trình này là một trong những những công trình kiến trúc kiểu Pháp tiêu biểu được xây dựng ở Huế. Nếu như việc bảo tồn không được quan tâm đúng mức sẽ làm mất giá trị lịch sử, văn hóa và nét đặc trưng trong chuỗi kiến trúc đô thị Huế”.

Trong khi đó, ông Lê Toàn Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, không phải công trình kiến trúc Pháp nào cũng là tiêu biểu, cũng có giá trị và cần cân nhắc để tránh cản trở sự “phát triển” trong xây dựng đô thị.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI