|
Thuyền chở khách được Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy An đầu tư tiền tỉ để đưa đón khách vượt hồ Thủy Yên vào khu du lịch sinh thái Suối Tiên nằm im nhiều tháng nay |
Ngừng hoạt động ngay mùa cao điểm đón khách
Trong đơn gửi đến Báo Phụ nữ TPHCM, Ban Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thủy An - đơn vị quản lý khu du lịch sinh thái Suối Tiên - cho biết, năm 2017, nhận thấy vẻ đẹp của con suối có tên Suối Tiên với tiềm năng khai thác du lịch, ban lãnh đạo HTX đã bàn bạc, quyết định xin chủ trương của cấp trên để làm khu du lịch sinh thái.
Năm 2018, Ban Quản lý khu kinh tế và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do HTX Nông nghiệp Thủy An trình. Năm 2019, Suối Tiên bắt đầu đón khách du lịch đến tắm, ngắm cảnh, ăn uống. Bấy giờ, do địa điểm này còn hoang sơ, HTX chưa có quảng bá nên lượng khách vẫn còn hạn chế, chủ yếu là dân địa phương. Năm 2020 và 2021, do dịch COVID-19, du lịch đóng băng, khu du lịch này phải đóng cửa.
Từ năm 2022, khu du lịch này bắt đầu có khách trở lại, mỗi dịp cuối tuần hoặc lễ, có khoảng 150-200 khách/ngày, lúc cao điểm có gần 1.000 lượt khách/ngày, giúp 100 xã viên là nông dân trong xã Lộc Thủy bán được nhiều sản phẩm do mình làm ra hoặc khai thác được, như heo, gà, vịt, rau củ quả nhà trồng, rau rừng, cá sông, cá nuôi…
Thế nhưng, đầu tháng 4/2023, HTX bỗng nhiên nhận được công văn của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế (IMCHUE), cho rằng dự án khu du lịch sinh thái Suối Tiên đã vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Thủy Yên, sử dụng hạ tầng chung của công trình thủy lợi gồm nhà tạm giữ xe, bãi đậu xe, đường từ cổng chào lên đỉnh đập dài khoảng 320m, luồng lạch chạy thuyền trên mặt nước dài khoảng 1.100m.
Công văn của IMCHUE nêu: “Công ty đã lập các thủ tục về giao đất và nộp hồ sơ cho ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh nhưng đến nay, vẫn chưa được giao đất theo quy định của pháp luật. Trong lúc chờ đợi công ty hoàn thành các quy định của pháp luật về hồ sơ đất, đề nghị HTX Nông nghiệp Thủy An tạm dừng sử dụng các hạ tầng chung trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Thủy Yên”.
Sau khi nhận thông báo của IMCHUE, HTX Nông nghiệp Thủy An dừng đón khách vào tham quan, tắm suối ở khu du lịch sinh thái Suối Tiên, thiệt hại kinh tế hàng tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ty - ở thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy, xã viên HTX Nông nghiệp Thủy An - than: “Gia đình tôi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để làm hệ thống bếp, quầy thực phẩm, sạp cho khách ngồi. Chúng tôi đầu tư từ năm 2019 nhưng đến năm 2022 mới bắt đầu có khách nhiều, vớt vát được một ít tiền để trả nợ ngân hàng. Giờ không kinh doanh được, tụi tôi không biết xoay xở thế nào. Bà con thuê bãi tắm, đầu tư tiền để làm dịch vụ mà giờ suối vắng tanh nên ai cũng đứng ngồi không yên”.
Ông Mai Đình Sắc - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy An - cho hay, ngoài đầu tư xây dựng 12 bãi tắm, 3 nhà nghỉ, HTX còn đầu tư kinh phí làm nhà chờ, đường bê tông hơn 1km và mua thêm 7 chiếc thuyền nhôm để đưa đón du khách với kinh phí khoảng 6 tỉ đồng. Hiện 12 bãi tắm đã cho 12 hộ dân thuê để kinh doanh. Việc tạm dừng mọi hoạt động trong khu du lịch khiến bà con lao đao, lo lắng.
“Lý do tạm dừng hoạt động là HTX và IMCHUE chưa nhất trí được hợp đồng thuê 1.600m2 đất dùng làm bãi đậu xe và 320m đường nhựa để vận chuyển du khách. Để vào Suối Tiên, chỉ có con đường duy nhất đi qua các hạ tầng dùng chung nói trên. HTX đang làm tờ trình gửi UBND tỉnh, các cơ quan liên quan để hoàn thiện thủ tục thuê đất, đường nói trên để khu du lịch sớm hoạt động trở lại” - ông Mai Đình Sắc thông tin.
|
Cổng soát vé để xuống thuyền vào khu du lịch sinh thái Suối Tiên đã bị tháo dỡ |
Bế tắc tìm lối ra cho khu du lịch Suối Tiên?
Hồ chứa nước Thủy Yên giai đoạn 1 có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 461ha đất trồng lúa và hoa màu, tạo nguồn cấp nước cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với công suất 20.000 m3/ngày đêm. Công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, sau đó bàn giao cho IMCHUE quản lý, khai thác và bảo vệ.
Năm 2018, dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Suối Tiên - hồ Thủy Yên do HTX Nông nghiệp Thủy An làm chủ đầu tư được Ban Quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư số 128/QĐ-KKTCN, có khả năng phục vụ khoảng 35.000 lượt khách/năm, sử dụng khoảng 3,8ha đất, mặt nước, trong đó có một số hạng mục thuộc phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước Thủy Yên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng quản trị IMCHUE - cho biết, qua kiểm tra công trình trong khu vực hồ Thủy Yên, chúng tôi thấy, trong năm 2022, HTX Nông nghiệp Thủy An đã tổ chức một số hoạt động dịch vụ như trông giữ xe ở khu vực đầu đập chính (bãi 1) và khu vực sau cổng chào (bãi 2) thuộc phạm vi đất bảo vệ công trình hồ Thủy Yên, tổ chức đưa đón khách bằng thuyền qua lòng hồ. Nhưng đến nay, HTX này chưa lập hồ sơ trình UBND tỉnh xin thuê hoặc giao đất để tổ chức kinh doanh dịch vụ theo quy định. HTX trên cũng tự ý xây dựng một số công trình.
Theo ông Đỗ Văn Đính các công trình tạm, công trình bán kiên cố mà HTX xây để làm dịch vụ bán vé, trông giữ xe đều chưa được cấp giấy phép xây dựng hay giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ.
Cũng theo ông Đỗ Văn Đính, hiện công ty đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Công ty sẽ đề xuất cho phép ô tô 16 chỗ đón khách đi vào cổng chào, qua đường quản lý đến đỉnh đập, sau đó trả khách rồi quay lại ngay để đến điểm đỗ ngoài cổng chào (ngoài phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi) nhằm đảm bảo an ninh trật tự khu vực đầu mối công trình; không tổ chức bãi trông giữ xe trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Thủy Yên.
Công ty cũng đề nghị HTX Nông nghiệp Thủy An thực hiện quy trình khảo sát, lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền xem xét cấp phép cho thuê đất (hoặc giao đất) để xây dựng các công trình như bến thuyền, nhà chờ đúng quy định. Sau khi HTX hoàn thành quy trình trên và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công ty sẽ ký kết hợp đồng cho thuê đất và kết cấu hạ tầng thủy lợi dùng chung.
Thuận Hóa