Theo đó, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong tháng 9-10/2024, đặc biệt là các đợt mưa lớn, gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường, nước dâng từ ngày 19 - 21/10/2024 đã gây sạt lở đoạn bờ biển dài khoảng 1.000m, ăn sâu vào đất liền từ 70 - 100m, gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đường liên xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các hộ dân thuộc xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP Huế).
|
Trắng đêm quân dân xã Phú Thuận "vá" khu vực sạt lở bờ biển đoạn trước bãi tắm xã Phú Thuận, huyện Phú Vang |
Đoạn bị sạt lở nặng dài khoảng 300m nằm giáp ranh giữa xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (thành phố Huế) khiến vỉa hè bị hỏng, cây ven đường nội bộ khu vực bãi tắm bị đổ ngã. Phạm vi sạt lở đang tiếp tục phát triển nhanh, mở rộng chiều dài và ăn sâu vào đất liền, đe dọa cuốn trôi tuyến đường nội bộ bãi tắm và có nguy cơ ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh.
|
Một đoạn bờ biển dài đã được khắc phục tình trạng sạt lở tạm thời |
Để ngăn chặn bước đầu, giảm thiểu các thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Vang và Chủ tịch UBND TP Huế khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó.
Hai địa phương huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để thực hiện xử lý ngay từ giờ đầu, hạn chế tình trạng sạt lở, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho du khách và nhân dân; cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân qua lại bảo đảm an toàn trong khu vực. Huyện Phú Vang và TP Huế tăng cường thông tin, truyền thông để du khách biết về nguy cơ diễn biến sạt lở bờ biển, chủ động các biện pháp phòng tránh.
|
Hơn 600m3 đá học đá hộc cùng cát, vải lọc nhanh chóng đưa đến vị trí sạt lở khắc phục tình huống khẩn cấp tạm thời |
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, khẩn trương lập phương án xử lý khẩn cấp phòng, chống sạt lở bờ biển nêu trên gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thống nhất phương án. Đồng thời, huy động vật tư, phương tiện xe, máy của đơn vị thi công có năng lực để phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn triển khai xử lý khẩn cấp theo phương án đã thống nhất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương thẩm định, thống nhất phương án để xử lý khẩn cấp phòng, chống sạt lở bờ biển; nghiên cứu lập dự án xử lý tổng thể chống sạt lở để bảo vệ bờ biển ổn định lâu dài, đảm bảo mỹ quan và khai thác giá trị của bãi biển bền vững, phục vụ dân sinh, phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế địa phương.
|
Đoạn bị sạt lở nặng dài khoảng 300m nằm giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An khiến vỉa hè bị hỏng, cây ven đường nội bộ khu vực bãi tắm bị đổ ngã |
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xuất kho khẩn cấp vật tư dự trữ cấp cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh để xử lý khắc phục khẩn cấp đoạn sạt lở nêu trên.
Sau khi có thông tin về sạt lở, lãnh đạo tỉnh, huyện, ngành nông nghiệp, các ban ngành liên quan, các cơ quan chuyên môn đã liên tục xuống thị sát, đưa ra ý kiến xử lí để hạn chế tình trạng xói lở, bảo vệ bãi cát bồi dài 250m còn lại trước đập Hòa Duân. Trong đó tập trung vào phương án là đắp thêm vật cản làm giảm tác động của sóng, gió để hạn chế tình trạng sạt lở trước mắt.
Ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận từ hai ngày qua đã túc trục bên điểm sạt lở để theo dõi, báo cáo tìm hướng xử lí. Ông Dân cho biết, từ khi được hàn khẩu, đây là lần đầu tiên trong 23 năm qua bờ biển trước đập Hòa Duân bị sạt lở. Hiện tại, gần 1.000m3 đá các loại đã được bà con, lực lượng vũ trang bằng tay không sắp xếp, chất dọc theo bờ biển để giảm tác động của sóng gió.
Thông tin về cơn bão số 6 có thể ảnh hưởng đến đất liền cũng đã được chính quyền địa phương cập nhật đến lực lượng ứng cứu bờ biển xã Phú Thuận. Mọi người cùng đặt quyết tâm bám trận địa khắc phục sạt lở. Hàng chục thùng mì tôm, nước mắm, bánh mì đã được chuyển đến. Các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, Bí thư huyện ủy Phú Vang Trần Gia Công cũng lúc xông ra hiện trường, lúc lui vào phụ bếp nấu mì gói để mọi người luân phiên lót dạ. Những chén nước mắm cũng được chuyền tay, nhấp từng ngụm để giữ ấm.
|
Bộ đội không quản ngại khó khăn, gian khổ lăn xả hết mình với công việc "vá" bờ biển sạt lở |
Anh Trần Lê Thanh, thanh niên địa phương cho biết, lụt 1999 đã xé đôi mảnh đất này, đẩy rất nhiều người làng ra biển. Phải cố gắng lắm, nhà nước và dân địa phương mới đắp được đập Hòa Duân để nối liền dãy đất bãi ngang, giúp ổn định môi trường phá Tam Giang, bảo vệ sự đa dạng của các loài tôm cá. Vì vậy, bà con cũng như anh Thanh đã quyết tâm dồn sức bảo vệ bằng được dãy đất trước đập Hòa Duân này.
Phú Thuận đang có mưa lớn. Gió, cát và cả sóng biển đang thay nhau quất vào gần trăm con người đang ngâm mình trong mưa gió nỗ lực vá bờ biển. Lực lượng vũ trang hạ quyết tâm hoàn thành việc gia cố điểm xung yếu ngay hôm nay, để giữ được dãy đất ven biển trước đập Hòa Duân qua cơn bão số 6 sắp đến.
|
Clip: Quân, dân nỗ lực cứu bờ biển Phú Thuận sạt lở nghiêm trọng - Thực hiện: Thuận Hóa |
Thuận Hóa