Thừa mứa, tiêm bồi vắc xin COVID-19 ở các nước giàu khiến "miễn dịch cộng đồng chỉ là giấc mơ"

22/09/2021 - 05:29

PNO - Đã hơn 1,5 năm trôi qua kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công loài người, đến nay tình hình vẫn không khả quan hơn với sự xuất hiện của biến thể Delta. Trong khi đó, hố sâu ngăn cách trong việc được tiếp cận vắc xin giữa nước giàu và nước nghèo vẫn chưa thể thu hẹp.

Không chỉ đau đầu với bài toán nan giải khi không ít người dân Mỹ phản đối quy định bắt buộc phải tiêm vắc xin, Tổng thống Joe Biden còn đang phải đối mặt với một vấn đề khó khăn khác.

Đó là sự phân hóa giữa các nhà lãnh đạo thế giới với nhiệm vụ chống lại đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh biến thể Delta đang hoành hành khắp nơi khiến con số tử vong không ngừng tăng cao mỗi ngày.

Dân Mỹ biểu tình phản đối chính sách bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 của tổng thống Joe Biden hôm 13/9 - Ảnh: Spencer Platt/Getty Images
Người Mỹ biểu tình hôm 13/9 để phản đối chính sách bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 của Tổng thống Joe Biden - Ảnh: Spencer Platt/Getty Images

Nước Mỹ chật vật tìm lại vai trò dẫn dắt trong cuộc chiến với đại dịch

Hội nghị thượng đỉnh quốc tế trực tuyến về giải quyết COVID-19 và các vấn đề tiêm chủng toàn cầu sẽ diễn ra vào ngày 22/9 (cùng thời điểm với phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76). Ông Biden sẽ phải cố gắng để thuyết phục các quốc gia giàu có khác cân bằng nhu cầu sử dụng vắc xin nội địa nhằm tập trung vào việc sản xuất và cung ứng vắc xin cho các nước nghèo - vốn đang phải vật lộn với đại dịch trong tình trạng thiếu thốn vắc xin.

COVAX - một cơ chế điều phối và chia sẻ vắc xin của Liên Hiệp Quốc - hiện đang bị tiến độ trong nhiệm vụ cung cấp vắc xin cho các nước nghèo, nhất là khi chỉ có chưa tới 4% dân số ở châu Phi được tiêm vắc xin COVID-19. Chưa kể hàng triệu nhân viên y tế trên khắp thế giới vẫn chưa được tiêm mũi nào.

Như vậy, với vai trò của một cường quốc, bài toán khó này sẽ là một phép thử dành cho ông Biden trong việc thúc đẩy mối quan tâm của người Mỹ với nhiệm vụ tham gia xây dựng các liên minh cấp toàn cầu, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ đang được xem như “vựa vắc xin của thế giới". Điều này là cần thiết cho ông Biden, nhất là sau sự kiện rút quân khỏi Afghanistan lắm tai tiếng khiến nước Mỹ mất uy tín và bị các đồng minh thân cận chỉ trích.

“Đây sẽ là một trong những nan đề mang tính đạo đức cần kíp nhất của chúng ta trong thời điểm hiện tại”, chính trị gia đảng Dân chủ Rosa DeLauro nói, “Chúng ta không được phép để mất cơ hội này. Bởi nước Mỹ có thể giành lại vị thế lãnh đạo bằng cách tham gia giải quyết một trong những vấn đề nhân đạo lớn nhất trong lịch sử. Chúng ta cần đóng vai trò chấm dứt đại dịch”.

 

Cơ chế điều phối và chia sẻ vắc xin COVAX đang chậm trể trong việc cung cấp vắc xin cho các nước nghèo - Ảnh:Brian Inganga/Associated Press
Cơ chế COVAX đang chậm trễ trong việc cung cấp vắc xin cho các nước nghèo - Ảnh: Brian Inganga/Associated Press

Một số quốc gia châu Á đang áp đặt mức thuế quan và các điều kiện hạn chế thương mại khắt khe khác khiến việc bàn giao vắc xin đến khu vực này bị chậm tiến độ. Trong khi đó, Ấn Độ - vốn là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới - đã chính thức cấm xuất khẩu vắc xin từ tháng 4/2021.

Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Biden cũng đang khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm mũi vắc xin tăng cường cho hàng triệu người Mỹ đã hoàn thành các mũi tiêm cần thiết trước đó. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia đã chỉ trích hành động này, cho rằng nên ưu tiên chuyển vắc xin cho các nước nghèo thì tốt hơn.

“Đúng là có vẻ như không công bằng lắm. Nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ đánh bại dịch bệnh cả ở bên trong và bên ngoài nước Mỹ”, bà Erica Barks-Ruggles, cố vấn cao cấp của Nhà Trắng chuyên trách các tổ chức quốc tế phát biểu hôm thứ Hai (20/9), ngay trước thềm kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Chỉ vài giờ sau đó, trưởng nhóm khoa học của WHO, tiến sĩ Soumya Swaminathan đã ngay lập tức có ý kiến phản đối.

“Chỉ là ảo tưởng khi người ta nói rằng, họ có thể làm được 2 việc cùng lúc. Rất tiếc là không thể”, tiến sĩ Swaminathan nói, hàm ý nhắc đến chiến dịch tiêm mũi tăng cường mà chính quyền của ông Biden đang chuẩn bị triển khai. “Hiện chúng ta đang trong một cuộc chơi có tổng bằng 0 (zero sum game) mà thôi”.

Tiến sĩ Swaminathan cùng nhiều chuyên gia y tế khác đang kêu gọi một chiến lược điều phối vắc xin cấp toàn cầu nhằm phân phối vắc xin một cách công bằng cho các quốc gia chứ không phải theo cách “thân ai nấy lo” như hiện nay.

 

Ấn Độ - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới - đã cấm xuất khẩu vắc xin để dồn lực cho thị trường nội địa khiến lượng vắc xin cung cấp cho các nước nghèo bị sụt giảm nghiêm trọng - Ảnh: Mahesh Kumar A/Associated Press
Ấn Độ - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới - đã cấm xuất khẩu vắc xin để dồn lực cho thị trường nội địa, điều này khiến lượng vắc xin cung cấp cho các nước nghèo bị sụt giảm nghiêm trọng - Ảnh: Mahesh Kumar A/Associated Press

"Miễn dịch cộng đồng sẽ chỉ là giấc mơ nếu thiếu vắng trách nhiệm của các nước giàu"

Sẽ có khoảng 100 nhà lãnh đạo trên khắp thế giới tham gia Hội nghị thượng đỉnh quốc tế. Mục tiêu chính mà hội nghị nhắm đến là khuyến khích các nhà sản xuất dược phẩm, các tổ chức thiện nguyện và phi chính phủ làm việc cùng nhau để hiện thực hóa việc tiêm vắc xin cho 70% dân số trên toàn cầu

“Chúng ta đều biết rằng virus có thể lây lan bất chấp ranh giới hay biên giới”, Tổng thống Biden nói, “Đó là lý do vì sao chúng tôi thực hiện kế hoạch tiêm chủng tăng cường ở trong nước, sau đó tiếp tục chiến đấu với virus ở nước ngoài. Nước Mỹ sẽ vẫn thể hiện vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế”.

Các chuyên gia ước tính, để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng toàn cầu, sẽ cần khoảng 11 tỷ liều vắc xin. Mỹ cho biết sẵn sàng tài trợ hơn 600 triệu liều - nhiều nhất trong số các nước tham gia ủng hộ vắc xin. Chính quyền của Tổng thống Biden cũng đang thúc đẩy mở rộng việc sản xuất vắc xin ở các quốc gia khác như Ấn Độ và Nam Phi.

Chung tay với Mỹ, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng hứa sẽ xuất khẩu 700 triệu liều vắc xin cho các nước nghèo vào cuối năm nay.

Thế nhưng tính đến cuối tháng 7/2021, chỉ mới có 37% dân số ở Nam Mỹ và 26% dân số ở châu Á được tiêm mũi đầu tiên. Ở châu Phi, tỷ lệ này còn u ám hơn: chỉ mới được 3%. Theo ước tính của các chuyên gia, 7 quốc gia hàng đầu thế giới cần phải hỗ trợ hơn 600 triệu liều vắc xin bổ sung vào cuối năm 2021 thì mới đủ để tiêm mũi 1 cho người trưởng thành ở châu Phi.

Như vậy, có thể thấy tham vọng tiêm phủ 70% vắc xin cho toàn bộ dân số thế giới vào giữa năm 2022 là “một viễn cảnh quá xa so với tầm tay của chúng ta” - bình luận của tiến sĩ Kate O’Brien, chuyên gia hàng đầu của WHO về vắc xin COVID-19.

 

Cần có một nổ lực cấp toàn cầu hiệu quả hơn để có thể thu hẹp được hố sâu ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 - Ảnh: Unicef
Cần nỗ lực thu hẹp "hố sâu ngăn cách" giữa nước giàu và nước nghèo trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh: Unicef

Các nước giàu đang rục rịch tiêm mũi tiêm tăng cường - mà theo WHO là không cần thiết - và hàng trăm triệu liều vắc xin sắp hết hạn sẽ bị vứt vào thùng rác vào cuối năm nay. Trong khi đó, các nước nghèo đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm mới trong tình cảnh trông chờ từng liều vắc xin “như nắng hạn chờ mưa”.

Nguyễn Thuận (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI