‘Thưa mẹ, con đi’: Lời từ biệt đầy thương yêu

09/08/2019 - 10:27

PNO - Bộ phim đầu tay của Trịnh Đình Lê Minh phảng phất nét lãng mạn của tình yêu giữa hai người đồng giới trẻ tuổi trên góc nhìn rộng mở xoay quanh gia đình, sự xung đột nhẹ nhàng mà âm ỉ về văn hóa, lối sống.

Ian (tên Việt Nam: An) - một cậu trai sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, theo chân Văn (tên thân mật: Nâu) - chàng du học sinh thành công và trụ lại Mỹ, về quê nhà Việt Nam.

Là cháu đích tôn của dòng họ, lại học rộng, giỏi giang, Văn là tất cả những gì mẹ cậu, dòng họ cậu có được và dồn biết bao kỳ vọng, tự hào. Cả gia đình Văn mong chuyến này cậu trở về vừa giải quyết chuyện đất đai, mồ mả ông bà trong họ, vừa là để đốc thúc cậu lấy vợ sinh con.

Với Văn, chuyến trở về này là dịp để cậu lấy hết can đảm thừa nhận và đối diện với mẹ, rằng cậu là người đồng tính, và người cậu muốn cưới, muốn ở bên là Ian chứ không phải cô gái nào.

Trailer phim:

 

Thưa mẹ, con đi không phải là câu chuyện tình cảm sướt mướt, đẫm nước mắt về hai chàng gay vượt qua rào cản gia đình (bởi Ian và Văn đã xác định trước điều đó), cũng không phải là câu chuyện vật vạ của người đồng tính đi tìm bản thân mà là câu chuyện về gia đình, về tình mẹ con, về con người, về văn hóa, xã hội với những xung đột nho nhỏ, tích tụ dần theo thời gian. Nó như một bài hát trữ tình, âm ỉ, vừa đẹp đẽ vừa u buồn, khó diễn tả thành lời.

‘Thua me, con di’: Loi tu biet day thuong yeu
Ian (Võ Điền Gia Huy) và Văn (Lãng Thanh) đã có những ngày rất đẹp ở quê

Nó còn là xung khắc giữa lối sống Đông - Tây, một bên là văn hoá cộng đồng, sống vì gia đình, dòng họ mà bà Hạnh - mẹ của Văn (nghệ sĩ Hồng Đào) là điển hình, bên còn lại muốn được sống vì bản thân, sống đúng với chính bản thân nhưng không đồng nghĩa với sự ích kỷ như Ian. Là sự lúng túng trong lối sống của một người lớn lên và tiếp thu cả hai nền văn hóa và bị mắc kẹt như Văn. Nửa muốn được thoải mái biểu lộ tình cảm với Ian, nửa kìm nén vì thương mẹ và sợ mẹ không vượt qua nổi cú sốc khi biết sự thật.

‘Thua me, con di’: Loi tu biet day thuong yeu
Cô Hạnh - mẹ Văn là điển hình về người phụ nữ sống cho gia đình, dòng họ trước khi nghĩ đến bản thân. Diễn xuất vừa tinh tế, vừa mạnh mẽ của nghệ sĩ Hồng Đào đã góp phần làm nên thành công của bộ phim.

Là những người anh em ruột rà luôn ỷ lại, chỉ biết sống dựa vào người khác, sống cho riêng bản thân như gia đình chú Ba của Văn. Là những món Tây mà người Việt mỗi khi ăn thường hay nhăn mặt chê “nhạt” rồi xin thêm muối, thêm nước tương, nước mắm. Là văn hoá bàn nhậu mà người sống bên Tây lâu ngày sẽ không thể đồng cảm nổi và nhìn nó như một thứ tệ nạn. Là chuyện bị hối thúc, bị dồn ép “chừng nào lấy vợ”, chia tài sản… những chuyện đáng lẽ của riêng một gia đình, một cá nhân bỗng chốc trở thành chuyện của cả họ, của hàng xóm.

‘Thua me, con di’: Loi tu biet day thuong yeu
Một bên là mẹ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề của gia đình, một bên là Ian mà cũng chính là bản thân Văn, khiến cậu trù trừ và bị mắc kẹt.

Nếu đã từng xem Mùi hương nước mắm - một phim ngắn đậm dấu ấn cá nhân của Trịnh Đình Lê Minh, khán giả sẽ không mấy ngạc nhiên trước những băn khoăn, xung đột văn hóa mà Minh đưa vào bộ phim dài đầu tay này. Nói cách khác, câu chuyện mà Minh kể sống động và đầy hơi thở đời thường.

Minh dùng câu chuyện tình yêu để nói chuyện gia đình, chuyện va đập văn hóa mà bất cứ gia đình nào, làng xóm nào cũng phải đối mặt, bất cứ cặp đôi nào dù song tính hay dị tính cũng gặp phải, từ đó đặt ra những câu hỏi cá nhân mà chính người xem phải tự trả lời khi những riềng mối tưởng chừng như bền vững lại dễ dàng tan vỡ vì khoảng cách, vì tị hiềm.

‘Thua me, con di’: Loi tu biet day thuong yeu
Thưa mẹ, con đi có dàn diễn viên phụ gạo cội hỗ trợ

Thưa mẹ, con đi khiến người xem dễ chịu. Phim không gào thét, không cố tỏ ra nặng nề, gai góc, càng không cố gắng chuyển tải thông điệp, không soi mói hay công kích, lên án bất cứ cá nhân nào, cũng không làm quá chuyện tình cảm của người đồng tính. Đạo diễn và biên kịch làm nhiệm vụ duy nhất là phản ánh những gì vốn có trong đời sống, đưa nó lên màn ảnh và cô đọng lại.

Bằng chính góc nhìn kiệm lời, tinh tế và tự nhiên ấy, đạo diễn đã làm toát lên tấm lòng muôn thuở của những bà mẹ: dẫu chuyện gì xảy ra chăng nữa, mẹ vẫn luôn giang rộng vòng tay đón con, chỉ cần con được hạnh phúc, bình yên. Cái kết phim nhiều hơn một cách hiểu đủ khiến người xem rưng rưng và mang theo câu chuyện về tận nhà.

‘Thua me, con di’: Loi tu biet day thuong yeu
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trên trường quay

Một đôi chỗ của phim vẫn còn gây tiếc nuối: giá như phim khớp nhịp hơn trong cách biểu hiện của nhân vật; màu phim hiện đại hơn thay vì chọn tông bảng lảng dù bối cảnh diễn ra ở thời hiện đại...

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI