Ngày 18/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập “quận đảo Tây Sa”, “quận đảo Nam Sa”. Trung Quốc còn đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 cùng nhóm tàu hải cảnh hộ tống quay lại Biển Đông, di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Báo Phụ Nữ TPHCM phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng - xung quanh những vụ việc này.
Một mũi tên, trúng nhiều đích
* Phóng viên: Thưa Trung tướng Nguyễn Đức Hải, ông nhận định thế nào về việc chỉ trong hai tuần, Trung Quốc đã có nhiều hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế?
- Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Chúng ta đã cực lực lên án Trung Quốc vi phạm lãnh thổ, chủ quyền ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhiều lần tuyên bố Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ bất khả xâm phạm, là chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Những hành vi của Trung Quốc - không chỉ hiện tại mà trong nhiều năm qua - đã vi phạm UNCLOS 1982. Những hành vi của Trung Quốc còn trái với thỏa thuận, cam kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là việc hải quân Trung Quốc xác nhận nhóm tàu tác chiến sân bay Liêu Ninh sẽ tập trận ở Biển Đông.
Những hành vi này càng thể hiện rõ bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc cũng như mưu đồ chiếm đóng Biển Đông lâu dài. Trung Quốc tuyên bố thành lập “quận đảo Tây Sa”, “quận đảo Nam Sa” nhằm quản lý Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta. Đây chính là bước tiếp nối sau khi tôn tạo các đảo trong khu vực Biển Đông của ta từ trước (như Đá Chữ Thập).
|
Trung tướng Nguyễn Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng: Trung Quốc cần phải biết, không phải cứ đặt ra mục tiêu là làm được |
Từ những hành vi đó, có thể thấy rõ, họ đã tiến hành từng bước. Năm 2012, họ tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa là đặt nền móng ban đầu, sau đó tôn tạo các đảo nhân tạo, đưa cơ sở vật chất, trang thiết bị ra và bây giờ, họ ngang nhiên thành lập các quận đảo để dân sự hóa. Họ đưa người đến đảo, gọi là ngư dân nhưng được trang bị tàu thuyền đánh cá lớn, có vũ khí, nhằm mục đích kiểm soát các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của ta.
Trước đây, họ cũng đã có những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền không chỉ của nước ta, mà còn của Philippines và Malaysia. Rõ ràng, đây là ý đồ thâm độc đã được hoạch định kỹ lưỡng, lâu dài.
* Liệu Trung Quốc có đang hướng dư luận từ vấn đề COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán ra Biển Đông? Đồng thời, lợi dụng việc các quốc gia đang tập trung mọi nguồn lực vào việc chống dịch để tạo ra “sự đã rồi”, cũng như từng bước hiện thực âm mưu độc chiếm Biển Đông như thủ đoạn bấy lâu?
- Đúng, bởi âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã có từ lâu và không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải biết, không phải cứ đặt ra mục tiêu là làm được. Chúng ta cũng đã rất kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Nhiều năm qua, trước nỗ lực xử lý vấn đề hết sức kiên nhẫn, bình tĩnh, trên tinh thần đoàn kết của Việt Nam, tốc độ hiện thực âm mưu của họ cũng đã bị hạn chế.
* Âm mưu của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, mở ra con đường thông qua eo biển Malacca để ra Ấn Độ Dương. Thế nhưng, họ không chỉ “gây hấn” ở Biển Đông mà còn liên tiếp “quậy” ở khu vực đảo Đài Loan hay quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý (mà họ gọi là Điếu Ngư). Hành động này còn thể hiện điều gì, thưa Trung tướng?
- Trung Quốc muốn vươn ra biển, làm chủ biển, vươn ra ngoài phạm vi đại lục của họ hiện nay bằng những hành động “gây hấn” về phía Nhật Bản, về phía Biển Đông, thậm chí tới đây còn cả các khu vực biển khác của Ấn Độ Dương, bởi họ muốn chặn chiến lược của Hoa Kỳ, của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.
|
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp - Ảnh: CSIS/AMTI |
Cố tình phớt lờ luật pháp quốc tế
* Với nhiều hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ trong những năm qua, dường như Trung Quốc đang thể hiện việc họ không coi luật pháp quốc tế ra gì.
- Không hẳn họ không tuân thủ luật pháp quốc tế, mà họ cố tình phớt lờ luật pháp quốc tế. Mỗi khi dư luận thế giới không mạnh, họ lại làm tới. Nhưng khi chúng ta phản ứng mạnh mẽ thì họ chững lại. Bất kể quốc gia nào, khi đã sống trong cộng đồng chung, đều phải tuân thủ định chế, cơ chế, luật pháp, quy định chung. Về luật, phải khẳng định theo UNCLOS 1982, chúng ta có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cha ta đã đổ bao xương máu để giữ hai quần đảo này. Thế giới đã lên án, tòa trọng tài quốc tế đã có những phán quyết phù hợp qua vụ kiện của Philippines. Các nước trong khu vực cũng rất ủng hộ ta trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
* Hiện tại, chúng ta đang có thuận lợi và khó khăn gì, thưa Trung tướng?
- Chúng ta có thuận lợi về dư luận quốc tế, phản ứng quốc tế. Chúng ta luôn giữ quan điểm giải quyết trong hòa bình, chúng ta không muốn đụng độ, nhưng chúng ta thể hiện sự kiên quyết bằng những hành động trên thực tế để bảo vệ chủ quyền, bằng các giải pháp phù hợp.
Hiện tại, nước ta đang phải đối mặt với cả hai vấn đề là chống đại dịch và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Toàn dân ta đã đoàn kết để chiến thắng đại dịch thì cũng cần đoàn kết để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta.
Chúng ta cũng đang phải từng bước giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý, phù hợp về vấn đề Biển Đông, vì đây không phải là vấn đề một sớm một chiều. Chúng ta kiên quyết, kiên trì thực hiện quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến” để xử lý vấn đề trên Biển Đông. Chúng ta cũng tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ bằng chính uy tín mà Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã thành công và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ vật tư y tế với nhiều quốc gia trên thế giới dù điều kiện kinh tế của ta hạn chế.
* Với một Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế, chúng ta phải hành xử ra sao?
- Một mặt, chúng ta tập trung sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ trong xử lý đại dịch, một mặt không lơ là, giảm cảnh giác về chủ quyền lãnh thổ trên cả Biển Đông cũng như đất liền. Trung Quốc không chỉ tập trung âm mưu, cách thức trên Biển Đông mà còn từ nhiều hướng. Do đó, chúng ta cần theo dõi sát sao và tiếp tục đấu tranh bằng ngoại giao của Đảng, Nhà nước, nhân dân, kiên quyết đấu tranh trên thực địa và thể hiện rõ bản lĩnh của người Việt Nam, không để mất một tấc dù là trên biển hay đất liền. Đồng thời, chúng ta tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển, tăng cường khối đại đoàn kết nhân dân, để ngư dân tiếp tục đánh bắt, lao động, sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những năm qua, ngư dân của ta đã chứng minh được ý chí cũng như quyết tâm bảo vệ biển đảo.
Chúng ta luôn ủng hộ việc các nước lớn phấn đấu vươn lên để tạo điều kiện, hỗ trợ các nước nhỏ, nhưng chúng ta cũng cực lực lên án sự bành trướng, o ép các nước nhỏ. Đây là những hành vi sai trái.
* Xin cảm ơn Trung tướng!
Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa”, “quận Nam Sa”
Ngày 19/4, về việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Trước đó, ngày 18/4, Trung Quốc đưa tin, Bộ Dân chính nước này ra thông cáo, Quốc vụ viện Trung Quốc mới đây đã phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa” (tỉnh Hải Nam). “Quận Tây Sa” quản lý quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield cùng các vùng biển xung quanh, chính quyền huyện đặt ở đảo Phú Lâm. "Quận Nam Sa" quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh, chính quyền đặt ở đảo Chữ Thập. Đảo Chữ Thập vốn là bãi đá, là một trong bảy thực thể thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo.
|
Ngọc Minh Tâm (thực hiện)