Thua kiện dân, UBND Q.2... mặc kệ bản án!

07/04/2016 - 07:41

PNO - Thu hồi đất của người dân nhưng bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định, UBND Q.2, TP.HCM bị dân kiện.

Tòa đã tuyên buộc quận phải bồi thường, hỗ trợ lại cho người dân, nhưng cơ quan này lại không thực hiện phán quyết của tòa.

Đền bù theo kiểu làm lợi cho doanh nghiệp?

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Ghi (số 33/14 đường Nguyễn Cảnh Chân, P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM), bà có 2.354m2 đất ở P.Bình Trưng Đông, Q.2. Năm 2000, chính quyền địa phương thông báo khu đất của bà cùng đất của nhiều hộ dân khác bị giải tỏa để mở rộng đường Lê Văn Thịnh và xây Trung tâm Dạy nghề Q.2.

Sau khi giải tỏa, bồi thường, bà còn lại 332,50m2 đất và xin phép xây dựng nhà ở. UBND Q.2 cho phép bà xây nhà bán kiên cố, diện tích 75m2. Bà được quận cấp số nhà 127 đường Lê Văn Thịnh, P.Bình Trưng Đông, Q.2. Đến năm 2011, khu đất còn lại của bà Ghi tiếp tục bị quy hoạch xây dựng cao ốc chung cư.

Quy hoạch công bố chưa được bao lâu thì Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Q.2 (CT DVCI Q.2) đến thỏa thuận đền bù với giá 6 triệu đồng/m2 nhưng bà không đồng ý. Trong lúc bà đang chờ doanh nghiệp thương lượng bồi thường lại thì bất ngờ, khoảng giữa năm 2012, UBND Q.2 ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất của bà giao cho CT DVCI Q.2 xây cao ốc Phước An, với giá đền bù trung bình chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/m2. Bà khiếu nại, CT DVCI Q.2 hỗ trợ thêm khoảng 2,7 triệu đồng/m2. Bà vẫn không đồng ý vì giá đất giao dịch trên thị trường ở khu vực này thời điểm đó khoảng 24,7 triệu đồng/m2.

Thua kien dan, UBND Q.2... mac ke ban an!
Tòa đã tuyên buộc UBND Q.2, TP.HCM phải bồi thường, hỗ trợ lại cho người dân, nhưng cơ quan này lại không thực hiện

Theo bà Ghi, UBND Q.2 đã cố tình tính giá đền bù không đúng thực tế. Cụ thể, nhà bà đang tồn tại trên đất rõ ràng, chính quận đã cấp phép, cấp số nhà. Như vậy, đất của bà có một phần là thổ cư, nhưng quận vẫn tính theo giá đất nông nghiệp. Các tài sản, vật dụng kiến trúc trên đất quận không bồi thường đồng nào. Thậm chí, cán bộ quận còn cho rằng, đây là dự án xây nhà ở bán cho cán bộ công nhân viên Q.2 nên giá đền bù trên là hợp lý.

“Tôi không cần biết ai sẽ mua nhà ở đây. Đã thu hồi đất của tôi làm dự án kinh doanh thì phải thỏa thuận đền bù theo đúng quy định. Tôi không có nghĩa vụ phải hỗ trợ nhà ở cho cán bộ công nhân viên của quận” - bà Ghi phản bác. Bà Ghi tiếp tục khiếu nại nhưng tất cả các đơn khiếu nại của bà đều bị UBND Q.2 bác bỏ. Sau khi Chủ tịch UBND Q.2 ban hành quyết định cưỡng chế, bức xúc, bà khởi kiện UBND Q.2 ra tòa.

UBND Q.2  đứng trên pháp luật?

Tại phiên xét xử sơ thẩm tháng 7/2015, Tòa án nhân dân (TAND) Q.2 đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Ghi, tuyên UBND Q.2 thắng kiện. Bà Ghi nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm TAND TP.HCM, yêu cầu hỗ trợ thêm 40% đơn giá đất ở cho toàn bộ diện tích đất bị thu hồi. Tại phiên xét xử phúc thẩm tháng 12/2015, đại diện UBND Q.2 thừa nhận đất của bà Ghi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có thông báo tạm cấp số nhà cho bà Ghi.

Tuy nhiên, việc tạm cấp số nhà chỉ để phục vụ công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi trong giao dịch và sử dụng để xin gắn đồng hồ điện, nước, không có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà. Bà Ghi cũng không đăng ký tạm trú, tạm vắng, không kê khai đóng thuế nhà đất. Bản đồ địa chính năm 2003 không thể hiện có nhà ở trên phần đất của bà Ghi. Lập luận này đã bị Hội đồng xét xử bác bỏ.

Theo tòa, việc tồn tại một căn nhà không phụ thuộc vào việc có hay không có đồng hồ điện, nước. Tương tự, việc đăng ký tạm trú, tạm vắng là nhằm mục đích quản lý tình trạng cư trú. Do đó, việc bà Ghi không đăng ký tạm trú, tạm vắng tại căn nhà trên hoặc không gắn đồng hồ điện, nước không có nghĩa là tại địa chỉ đó không tồn tại một căn nhà. Trong khi về thủ tục xây dựng, bà Ghi đã tuân thủ quy định pháp luật thể hiện bằng việc UBND Q.2 cho phép xây dựng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI