edf40wrjww2tblPage:Content
Ông Đạt sau hai năm thắng kiện, nay tiếp tục vác đơn đi khiếu kiện tiếp
Thu hồi đất bằng văn bản… “tung hỏa mù”
Trong đơn gửi đến báo Phụ Nữ, bà Trần Thị Hoàng (ở số 223 đường Nguyễn Biểu, P.2, Q.5, TP.HCM) cho biết, cách nay bảy năm, tại xã Hòa Phú, huyện Chủ Chi, bà có gần 10.000m2 đất trồng hoa màu. Cuối năm 2008, UBND huyện Củ Chi ban hành QĐ thu hồi toàn bộ đất của bà với lý do xây dựng Cụm công nghiệp Tân Quy (Cụm CN Tân Quy).
Ngay sau khi nhận QĐ, bà Hoàng giao toàn bộ đất cho huyện. Thế nhưng, hai năm trời, cụm công nghiệp (CN) đâu không thấy, chỉ thấy cỏ hoang mọc um tùm. Đầu năm 2010, bà bất ngờ phát hiện trên khu đất của mình bị thu hồi “mọc” lên một tấm bảng ghi dự án Khu CN Đông Nam.
Bà tìm hiểu thì “tá hỏa” khi biết chưa có bất kỳ QĐ nào của cơ quan Nhà nước phê duyệt thành lập Cụm CN Tân Quy. Đồng nghĩa với việc UBND huyện Củ Chi thu hồi đất của bà để thực hiện một dự án “ma”. Đến khi dự án Khu CN Đông Nam được Nhà nước phê duyệt thì huyện mang dự án này áp vào phần diện tích đất đã thu hồi trước đó của bà.
Việc thu hồi này không chỉ sai quy định pháp luật mà còn khiến bà Hoàng bị thiệt hại nặng nề bởi QĐ thu hồi đất trước đây được huyện đền bù cho bà căn cứ trên văn bản kiểm kê năm 2006. Trong khi Khu CN Đông Nam được thành lập năm 2010. Giá đền bù đã lạc hậu đến bốn năm.
Bức xúc, bà Hoàng gửi đơn khiếu nại, đề nghị UBND huyện Củ Chi hủy bỏ QĐ thu hồi trái luật, trả đất cho bà. Thế nhưng, tất cả các đơn khiếu nại của bà đều bị UBND huyện Củ Chi “nại” ra hai lý do chính để bác bỏ: Thứ nhất, trước đây bà đã nhận QĐ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, trong đó có điều khoản nêu rõ “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được QĐ này bà có quyền khiếu nại, nhưng trong suốt thời gian này bà không khiếu nại, đến nay thời hạn khiếu nại đã hết nên không được thụ lý giải quyết”.
Thứ hai, UBND huyện Củ Chi diễn dẫn Nghị định 181/2004 cho rằng: theo quy định, các QĐ hành chính bị khiếu nại gồm: QĐ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất… Trong khi QĐ của UBND huyện Củ Chi là QĐ phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại nên… không thuộc đối tượng bị khiếu nại”.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Đạt (ở ấp Phú Thứ, tỉnh Bình Dương) có hơn 10.000m2 đất ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi bị UBND huyện Củ Chi thu hồi toàn bộ với lý do xây dựng Cụm CN Tân Quy. Ông khiếu nại đến Sở Tài nguyên môi trường TP và sở đã có văn bản nêu rõ: “Việc UBND huyện Củ Chi ban hành QĐ thu hồi đất của ông để xây dựng Cụm CN Tân Quy là không phù hợp… Đề nghị huyện thu hồi QĐ đã ban hành”. Tuy nhiên, UBND huyện Củ Chi vẫn không thực hiện.
Khoảng giữa năm 2012, ông Đạt và bà Hoàng gửi đơn khởi kiện UBND huyện Củ Chi đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Củ Chi đề nghị buộc huyện hủy bỏ các QĐ thu hồi đất trái luật và đền bù thỏa đáng.
"Phớt lờ" thi hành án
Tại hai phiên tòa xét xử sơ thẩm cuối năm 2012, TAND huyện Củ Chi tuyên bác bỏ cả hai đơn khởi kiện của ông Đạt và bà Hoàng. Thua kiện, ông Đạt, bà Hoàng gửi đơn kháng cáo đến TAND tối cao. Tháng 4 và tháng 5/2013, TAND tối cao tại TP.HCM đưa hai vụ việc ra xét xử phúc thẩm.
Theo TAND tối cao, việc trước đây UBND TP ban hành các văn bản liên quan đến việc thành lập Cụm CN Tân Quy mới chỉ là ý tưởng đề án, chưa được thông qua theo đúng quy định của Luật đất đai, chưa có quy hoạch, chưa có QĐ thành lập dự án.
Do đó, việc UBND huyện Củ Chi ban hành QĐ thu hồi đất của bà Hoàng và ông Đạt là không có căn cứ. Đặc biệt, dự án khu CN Đông Nam chỉ có quy mô 283 hecta, trong khi dự án Cụm CN Tân Quy có quy mô hơn 343 hecta. Điều này đồng nghĩa UBND huyện Củ Chi đã thu hồi lố đến 40 hecta. Vì vậy, TAND tối cao tuyên hủy QĐ thu hồi đất của UBND huyện Củ Chi.
Cả hai bản án trên đều nêu rõ, án có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án. Tuy nhiên, đến nay đã gần hai năm, UBND huyện Củ Chi vẫn không chịu thi hành án. Ông Đạt, bà Hoàng gửi đơn đến Chi cục thi hành án huyện Củ Chi đề nghị cưỡng chế thi hành án đối với UBND huyện Củ Chi, nhưng không ai giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Lừng - Phó chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện Củ Chi cho rằng, về nguyên tắc khi người dân gửi đơn khiếu nại đến cơ quan nào trước, cơ quan đó có nghĩa vụ phải giải quyết. Trong trường hợp này, người dân đã gửi đơn đến UBND huyện Củ Chi trước nên huyện có trách nhiệm giải quyết.
Cũng theo ông Lừng, để cưỡng chế thi hành án đối với án hành chính rất khó. Đặc biệt, trong vụ việc này càng khó hơn, bởi Trưởng ban chỉ đạo thi hành án huyện Củ Chi chính là… Chủ tịch UBND huyện, đối tượng phải thi hành án. Ngoài ra theo trình tự cưỡng chế thi hành án hành chính cũng rất khó, nếu huyện không thực hiện, Chi cục chỉ có thể gửi văn bản đôn đốc. Trường hợp đã gửi đơn đôn đốc huyện vẫn không thực hiện thì Chi cục gửi đơn đến UBND TP.HCM thông báo cho TP biết vụ việc để có biện pháp xử lý đối với cấp dưới.
Tuy nhiên, hiện nay huyện không từ chối thực hiện cũng không giải quyết khiếu nại của người dân nên Chi cục thi hành án huyện không can thiệp được.
PHAN TRÍ