Thưa Bộ trưởng, bão lũ hoành hành, có lỗi của các vị không?

07/11/2020 - 14:41

PNO - Với tất cả trách nhiệm, khả năng và quyền hạn của mình, các vị bộ trưởng sẽ làm gì để ngăn chặn những tang thương có thể đến trong tương lai?

Trên nghị trường Quốc hội, từ ngày 3 đến 6/11, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về nguyên nhân lũ lụt, sạt lở kinh hoàng trong những ngày qua ở miền Trung cũng như trách nhiệm quản lý của từng bộ trưởng.

Rất nhiều nước mắt đã rơi ở Trà Leng, trách nhiệm của các vị bộ trưởng đến đâu?
Rất nhiều nước mắt đã rơi ở Trà Leng, trách nhiệm của các vị bộ trưởng đến đâu?

Riêng tôi, nếu có thể, tôi ước được hỏi hai vị bộ trưởng trên và cả Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: các vị có cảm xúc gì khi nhìn cảnh những ngôi nhà sụp đổ, đồ đạc bị nước cuốn trôi, cảnh cả một ngôi làng bị xoá sổ, cảnh những xác người chìm lấp trong bùn đất, cảnh những con người gào khóc tìm thân nhân, gỗ trôi lấp kín mặt sông...? Thưa các vị, trong số những người đã chết trong đợt lũ lụt vừa rồi có cả những sĩ quan, chiến sĩ Quân khu 4 - chết vì bão lũ, hy sinh trong lúc tham gia cứu hộ nạn nhân.

Dưới đống tan hoang này là xác người và tài sản nhân dân
Dưới đống tan hoang này là sinh mạng và tài sản nhân dân

Chuyện bão lụt, chúng ta đã nói từ năm này sang năm khác. Chuyện khai thác và bảo vệ rừng cũng đã không ít lần làm nóng nghị trường. Nguyên nhân đã được chỉ ra khá nhiều, từ nguyên nhân mang tầm thế giới như biến đổi khí hậu, tầm quốc gia như đứt gãy địa chất, dự án thủy điện, nạn phá rừng... thậm chí là nguyên nhân lịch sử như việc quân đội Mỹ rải hóa chất phát quang.

Tương ứng với mỗi nguyên nhân, các vị bộ trưởng đã đưa ra hàng loạt con số, những kiến giải khoa học mà chắc chắn những người dân bình thường ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam... khó có thể hiểu hết được.

Nếu không được lý giải đầy đủ và có trách nhiệm, người dân sẽ không hiểu sự khác nhau giữa một cái đập thủy điện và một hồ thủy điện; sẽ khó thông được khả năng giữ đất, giữ nước, chắn gió, chắn sóng của một cánh rừng tự nhiên và một cánh “rừng” keo (thường sẽ được khai thác sau 6 hoặc 7 năm) hay “rừng” cao su (20-25 năm) dù có thể trên báo cáo, nhiều héc-ta cây trồng ấy cũng được gọi là rừng.

Đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, M’nông... ở Trà Leng, Trà Vân hay người Kinh ở Đức Phổ có thể không hiểu đới đứt gãy địa chất, không hiểu tình trạng no nước của đất là gì, nhưng họ có thể cảm nhận được sự hung hãn của thiên nhiên qua mỗi năm. Đương nhiên, họ càng không biết làm cách nào để thoát khỏi kiếp nạn có thể đổ ụp xuống bản thân và gia đình vào một ngày giông bão nào đó.

Vậy thì, thưa các vị bộ trưởng, với trách nhiệm quản lý của mình, với năng lực dự báo của ngành mình và với tất cả quyền hạn của mình, các vị có giải pháp nào để ngăn chặn tang thương ở những năm tiếp theo đây và nhiều thập niên, nhiều thế kỷ sau nữa? Thảm họa xảy ra, cả Chính phủ và Nhân dân cả nước đều chung tay khắc phục, thiệt hại khó bề kể xiết. Cái cần kíp hơn và trên tất cả là làm sao để đừng có thêm người chết, nhà đổ, để chúng ta không phải dốc sức người sức của vào các chuyến cứu trợ. Sinh mạng con người, tài sản của dân đều là nguồn lực của quốc gia.

Chiều tối 6/11, ngay sau phần chất vấn của các đại biểu về rừng ở Hội trường Diên Hồng, một trận lũ đã quét qua xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cuốn trôi 24 ngôi nhà. Cộng 12 ngôi nhà đã bị cuốn trôi trong cơn bão số 9, làng Tăk Pát đã chính thức bị xoá sổ. Các vị bộ trưởng sẽ làm gì để ngăn nỗi đau của nhân dân tái diễn?

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI