Thu xếp lại, cùng vượt mùa COVID-19

31/05/2021 - 18:46

PNO - Lần giãn cách này, chị không vội vã đi mua thực phẩm mà ngồi xuống cùng hai cậu nhóc lên kế hoạch sinh hoạt, lập thời khoá biểu mới.

Đợt dịch COVID-19 lần trước, chị Ngọc (Q.8, TPHCM) vội vã ra chợ mua nhiều gạo, thực phẩm khô…  

Đồ ăn nhiều nhưng ít loại, rất dễ ngán, thế nên chưa hết giãn cách, chị buộc phải mua thêm đồ ăn mới. Kết quả, mẹ con chị ăn mấy tháng trời không hết số thực phẩm ế thừa.

Lần giãn cách này, chị Ngọc không vội vã đi mua thực phẩm mà ngồi xuống cùng hai cậu nhóc lên kế hoạch sinh hoạt, lập thời khoá biểu mới. Cái việc ngỡ không quan trọng, nhưng rất cần thiết để những ngày giãn cách không nhàm chán, bí chân, bí tay...

Đọc sách với nhiều tư thế trong mùa dịch. Ảnh minh hoạ
Con chị Ngọc cuồng chân cuồng tay nên nằm ngồi đọc sách với nhiều tư thế trong mùa dịch - Ảnh minh hoạ

Khác với đợt trước, hai bạn nhỏ được học online thì đợt dịch này vào ngay những ngày hè, thay vì về quê thăm ngoại hay đi du lịch thì hai cậu đành gác lại và bắt đầu những hoạt động trong nhà.

Tiếng Việt với trẻ cấp I là môn học khó, bởi số lượng từ chữ khá nhiều, thời gian học trên lớp khá ngắn khiến cho trẻ tiếp thu không dễ dàng. Chính vì vậy mà chị Ngọc tranh thủ giúp con học tiếng Việt trong những ngày ở nhà chống dịch rảnh rỗi, không nhiều áp lực công việc.

Buổi tối, các bé sẽ học các môn mà con thích như tiếng Anh hoặc Toán trên các trang web dạy miễn phí, hoặc xem phim hoạt hình. Thời gian còn lại, trẻ được nghỉ ngơi và chơi tự do.

Nếu như trước đây, việc ăn cơm nhà không quá quan trọng, chẳng kịp nấu thì có thể đổi sang các món ở hàng quán để đổi vị hoặc đi ra ngoài dùng bữa, nay gia đình chị Ngọc sẽ ăn một ngày ba bữa ở nhà. Vì vậy, chị ưu tiên các món nhiều rau xanh, bổ dưỡng, bên cạnh đó vẫn có những món khoái khẩu mà bé nào cũng thích như gà rán, khoai tây chiên…

Do ở nhà nhiều nên hai đứa trẻ thấy cuồng chân và tù túng. Chị Ngọc tìm một số trò chơi vận động hoặc giáo trí tại nhà. Em nhỏ tô màu, hoặc hai anh em cùng chơi Lego, các trò chơi vận động tại nhà vẫn vui như gập bụng, hít đất, nhảy dây...

Khác với chị Ngọc, nhà chị Nhàn (Q.7, TP.HCM) bận rộn hơn. Chị vừa sinh con thứ hai nên đang trong những ngày tháng ở cữ. Vì dịch mà mẹ chị không lên chăm con phụ giúp được. Việc đi lại không an toàn cho bà, sẽ nguy hiểm hơn nếu người già nhiều bệnh nền không may nhiễm virus bệnh. Một mình chị Nhàn phải đánh vật với bé gái vừa lên hai và bé trai sơ sinh.

Món ăn đơn giản nấu tại nhà cũng được bày biện hơn cho đỡ nhàm chán.
Món ăn đơn giản nấu tại nhà cũng được bày biện hơn cho đỡ nhàm chán

Chồng chị Nhà ở nhà nhưng vẫn phải làm việc. Ngoài những giờ họp hành online, anh thu xếp giúp vợ giữ bé lớn. Đến tối khi bé lớn ngủ, anh mới chính thức tập trung cho công việc. 

Những ngày đầu, 4 người trong căn hộ nhỏ, họ chạm nhau nhiều nên có phần ngột ngạt. Con lớn quấy khóc thì em nhỏ giật mình, hoặc việc cơm nước ngày 3 bữa cho người lớn, cho bà mẹ ở cữ, bé nhỏ đang tập ăn cũng khiến chị Nhàn luôn chân luôn tay.

Tuy nhiên, nhờ những bữa cơm nhà, gia đình chị rộn rã hơn, các bữa ăn đầy tiếng cười. Ngồi yên trong nhà chống dịch chưa bao giờ là chuyện bình thường, dù sau hai năm, việc giãn cách không còn quá nhiều bỡ ngỡ. Dẫu sao, đây cũng là lúc động viên nhau, thực hiện đúng những quy định phòng chống dịch.

Anh Tân, chồng chị Nhàn sợ vợ bị trầm cảm sau sinh trong tình cảnh không có người phụ giúp. Anh chị rủ nhau cùng nghe nhạc thiền, cùng tập những động tác thể dục nhẹ nhàng, kể nhau nghe chuyện vui để tinh thần tích cực.

Sau những lo lắng về những bất ổn, khó khăn vì COVID-19, mọi người mọi nhà đang bình tâm lại, cùng vận dụng các kỹ năng sống, dùng tình yêu thương để trợ giúp nhau, giữ tinh thần thăng bằng và tích cực, cùng nhau vượt qua những ngày đặc biệt này...

Kim Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI