'Thu vọng nguyệt' của trẻ em hay của ai?

03/10/2017 - 13:20

PNO - Đêm hội lồng đèn “Thu vọng nguyệt” diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa; tuy nhiên nhiều bạn trẻ, PH và con em tiếc nuối vì không có điều kiện vào xem do giá vé cao, từ 390.000 đồng (vé VIP) đến 2 triệu đồng (vé VVIP).

Với mức giá trên, có thể thấy ngay là không phải đối tượng nào cũng có thể tham gia sự kiện đặc biệt hằng năm dành cho thiếu nhi vào mỗi rằm tháng 8. Và những người bị “rơi rụng” trước hết là các gia đình không có nhiều tiền cho việc “giải trí quí tộc” giá cao, những trẻ em gia đình nghèo, các bạn trẻ là sinh viên vốn túi tiền chẳng bao giờ rủng rỉnh…

Đêm hội lồng đèn, đành là ai cũng có thể đến xem, thưởng lãm. Nhưng rõ ràng là, cái đẹp của trăng, của đèn lồng xưa nay vốn dĩ gắn với trẻ em, trung thu. Nếu vì chuyện giá vé mà tạo ra sự ngăn cách, giới hạn trong việc thưởng lãm nghệ thuật tại “cái nôi” giáo dục Việt Nam, thì là điều đáng tiếc.

'Thu vong nguyet' cua tre em hay cua ai?

Cách đây chưa lâu, Nhà hát Lớn Hà Nội đưa ra mức giá vé 1 gói cho khách tham quan là 400.000 đồng đã khiến không ít ý kiến phàn nàn, không đồng tình vì cho rằng giá vé đó chính là sự khước từ đối với khách tham quan là người lao động muốn xem, ngắm di tích của đất nước mình.

Cho nên đã có rất nhiều người, tạo nên những bức hình sống động, không phải từ những cảnh sắc lung linh đèn lồng trong không gian “Thu vọng nguyệt” ở Văn Miếu mấy ngày qua, mà chính từ cảnh họ leo tường rào để “vọng nguyệt”, hoặc chìa gậy selfie qua bờ tường để chụp cảnh bên trong. Người thích vào và muốn vào xem thì nhiều, nhưng còn vào được hay không thì phụ thuộc vào khả năng chi trả của các gia đình, các bậc phụ huynh.

Trong đó, ngay cả không ít du khách nước ngoài cũng đành chọn cách chụp ảnh từ bên ngoài chứ không xem “Thu vọng nguyệt” ở bên trong.

'Thu vong nguyet' cua tre em hay cua ai?
Nhiều trẻ em chỉ có thể đứng bên ngoài dõi theo vì không có điều kiện vào xem tận nơi. Ảnh: Zing.

Có nhiều ý kiến xung quanh giá vé của sự kiện này. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, một xã hội phát triển và đa dạng thì cũng cần có những dịch vụ ở những phân khúc khác nhau đáp ứng mọi nhu cầu, với sự phục vụ tốt hơn, cao cấp và tiện nghi hơn.

Tuy nhiên, với luồng ý kiến thứ hai thì phản bác, cho rằng Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích lịch sử quốc gia, là nơi lúc nào cũng phải mở rộng cửa đón chào người dân đến tham quan chứ không thể sử dụng rào cản kĩ thuật về giá để ngăn cản người nghèo, người lao động bình dân vào tham quan.

Và nếu muốn tổ chức show giá cao, thì nên tổ chức ở địa điểm khác, chứ không phải tại một di tích là di sản chung của dân tộc và người dân. Không chỉ về vấn đề giá vé vào cửa mà quan trọng hơn là ở khía cạnh bảo tồn và giữ gìn.

"Thu vọng nguyệt" là một hoạt động văn hóa ý nghĩa, được giới học giả cho rằng xứng tầm để trở thành điểm hẹn văn hóa, giải trí mới của Thủ đô. Bên cạnh đó, việc toàn bộ số tiền bán vé gần 1,5 tỷ đồng của ba đêm sẽ được dành lập quỹ “Tình yêu của mẹ” với mục đích tiếp tục hỗ trợ về đời sống và học tập cho các em nhỏ có cảnh sống khó khăn đã trải qua phẫu thuật trong chương trình Hành trình Thiện Nhân do chị Mai Anh, mẹ bé Thiện Nhân đảm trách là một điều rất đáng trân trọng và ủng hộ. 

Có điều, để "Thu vọng nguyệt" thực sự là sự kiện kết nối, đoàn viên, sẻ chia, tương thân tương ái, gắn kết gia đình, thiết nghĩ BTC ở những lần sau hãy mở rộng không gian, để nhiều gia đình - dù cho túi tiền có eo hẹp, vẫn có thể đến thưởng lãm đêm trung thu trọn vẹn mà không phải quá bận tâm về giá vé.

Thụy Du 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI