Thú vị với những sản phẩm "Made in Sài Gòn"

07/02/2025 - 07:12

PNO - Made in Sài Gòn (in song ngữ) là cuốn sách mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận, vừa được Phương Nam Book phát hành.

Nếu như Có một thời ở Chợ Lớn (ra mắt trước tết Nguyên đán) là những câu chuyện về đời sống văn hóa của người Hoa ở Chợ Lớn thì với tựa sách lần này, nhà báo Phạm Công Luận ngược dòng báo chí Quốc ngữ, trở về với những thương hiệu mang tính biểu tượng của kinh tế Sài Gòn từ những năm 1920.

Những sản phẩm được quảng cáo bằng hình vẽ trên báo chí Quốc ngữ xuất hiện sớm nhất có thể kể đến tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Trong những số báo từ năm 1918 đã có các mẩu rao về giày da, bàn ghế, hộp quẹt, xà bông, thuốc lá… Nhưng đây hầu hết đều là sản phẩm ngoại nhập. Lần giở theo những trang tư liệu, nhà báo Phạm Công Luận cho bạn đọc hiểu hơn về những sản phẩm “made in Sài Gòn” đúng nghĩa.

Bìa sách Made in Sài Gòn
Bìa sách Made in Sài Gòn

Từ đồ ăn thức uống đến những món hàng gia dụng đã được sản xuất: bình thủy hiệu Lucky (hãng Việt Nam Pha Lê Bình Thủy), mì khô hiệu Tôm Càng, Con Gà Trống (Công ty Sam Hoa Chợ Lớn), bia Larue của hãng BGI - hãng bia lâu đời nhất Việt Nam, thành lập tại Sài Gòn từ năm 1875… Made in Sài Gòn cung cấp thông tin và hình ảnh quảng cáo đa dạng về các sản phẩm thời ấy: đèn pin, bóng đèn, bình ắc quy, bột ngọt, mì gói, nước tương… cả các sản phẩm may mặc, thời trang phụ nữ hay đồ chơi trẻ em và cả sản phẩm văn hóa như tranh sơn mài, đồ mỹ nghệ, sách báo, tập nhạc, dĩa cải lương…

“Đầu xuân, quý bà quý cô sẽ thấy rất nhiều đồ nữ trang bằng vàng y đủ kiểu kim thời… Mỹ thuật tinh xảo…” - thông tin quảng cáo từ tiệm vàng Kim Hưng thời ấy. Hãng xà bông Trương Văn Bền còn viết cả bài thơ để quảng cáo cho thương hiệu: “Savon Việt Nam đúng bảy mươi hai phần dầu/ Không thứ nào sánh bì cho kịp/ Không hề ăn tay không mặn như các thứ kia…/ Có hiệu cái đầu hình người đàn bà An Nam” (Nhật báo Sài Gòn, số 18/10/1932).

Cuốn sách như một “bộ nhận diện quá khứ” với những thương hiệu làm nên kinh tế Sài Gòn một thời: kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba, trà Ngọc Quế Hương, xe đa dụng LaDaLat (công ty xe hơi Sài Gòn, sản xuất trong giai đoạn 1970-1975)… Nền kinh tế Sài Gòn trong buổi đầu gặp nhiều khó khăn, thậm chí trải qua những cuộc biến động và khủng hoảng. Nhưng những người dân tứ xứ đã cùng hội tụ, góp công sức xây dựng nên những nền móng ban đầu cho thương nghiệp Sài Gòn.

Cuộc truy tầm tư liệu về những thương hiệu “made in Sài Gòn” của nhà báo Phạm Công Luận cũng cho thấy một tiến trình phát triển của kinh tế - văn hóa vùng đất Chợ Lớn - Sài Gòn - Gia Định từ buổi đầu tiếp xúc, ảnh hưởng và phát triển văn hóa - thương nghiệp phương Tây. Phương tiện sản xuất tuy thô sơ và lực lượng sản xuất chủ yếu từ các gia đình, dù không sánh được với hàng ngoại nhập, các sản phẩm mang thương hiệu Việt ngày ấy là nguồn cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân lao động ở Sài Gòn và khu vực miền Nam trên dưới nửa thế kỷ. Khi hoàn thành sứ mệnh của mình, những thương hiệu một thời đã ở lại trong dòng chảy thời gian, trở thành những giá trị văn hóa không lãng quên của Sài Gòn một thuở…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI