Thú vị với những robot được sử dụng ở các bệnh viện tại TP.HCM

15/12/2019 - 07:00

PNO - Tại một số bệnh viện của TP.HCM, robot thực hiện được các chức năng từ lau chùi, chỉ đường, hỗ trợ người khuyết tật… cho đến phẫu thuật phức tạp.

Hội thảo quốc tế về y tế thông minh, vừa được UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 14/12, đã điểm lại một số thành tựu của ngành y tế thành phố trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua.

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - để hình thành hệ thống y tế thông minh, TP.HCM tập trung vào 4 nhóm nội dung chính: Xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đóng góp vào hệ thống dữ liệu Big Data của TP.HCM; Ứng dụng công nghệ thông tin để tạo nên tiện ích phục vụ người dân khi đi khám chữa bệnh; Ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị bệnh viện, quản lý chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và quản lý ngành.

Hệ thống y tế thông minh được xây dựng sẽ giúp bác sĩ tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới; giảm thiểu sai sót ảnh hưởng đến an toàn người bệnh; kết nối bác sĩ tuyến dưới và tuyến trên; người dân thuận lợi hơn khi khám chữa bệnh.

Hệ thống robot (người máy) là một trong những tiện ích dần xuất hiện khi hình thành hệ thống y tế thông minh. Tại các bệnh viện ở TP.HCM, robot xuất hiện ngày càng nhiều và có nhiều chức năng khác nhau.

Từ robot phẫu thuật triệu đô, hàng ngoại...

Robot dùng để phẫu thuật đã xuất hiện tại Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Nhân dân 115.

Từ tháng 12/2016, Bệnh viện Bình Dân đã sử dụng robot có tên DaVinci (do Hoa Kỳ sản xuất), trị giá 70 tỷ đồng vào phẫu thuật điều trị cho người lớn tại Việt Nam.

Hiện nay, với loại robot này, bệnh viện đang áp dụng phẫu thuật cho 14 loại bệnh ngoại tiết niệu và nhóm ngoại tổng quát, giá cả dao động từ 117 - 131 triệu đồng (tùy vào bệnh lý), thấp hơn 5 - 7 lần chi phí phẫu thuật ở Singapore (khoảng 600 triệu đồng) và Hoa Kỳ (khoảng 950 triệu đồng).  

Thu vi voi nhung robot duoc su dung o cac benh vien tai TP.HCM
Robot DaVinci trị giá 70 tỷ đồng được sử dụng tại Bệnh viện Bình Dân 

Ngày 15/2/2019, Bệnh viện Nhân dân 115 lần đầu tiên dùng robot Modus V Synaptive trị giá 54 tỷ đồng để phẫu thuật trong lĩnh vực ngoại thần kinh.

Hệ thống cánh tay Robot Modus V, được mô phỏng theo cánh tay robot trong khoa học vũ trụ Canada, mang theo một kính vi phẫu kỹ thuật số, cho phép điều hướng, tự động hoá cánh tay robot, định vị chính xác, liên kết các vị trí, di chuyển tự do ở 6 góc độ giúp phẫu tích chính xác nhất, giảm thiểu biến chứng.

Bệnh viện đã triển khai sử dụng robot Modus V Synaptive phẫu thuật thành công cho 10 trường hợp bệnh lý u não và u tủy sống.

Báo cáo đánh giá tổng kết tại hội nghị khoa học cho thấy phẫu thuật bằng hệ thống robot Modus V Synaptive rất an toàn, hiệu quả, chưa gặp biến chứng sau mổ; người bệnh có chất lượng cuộc sống sau mổ tốt hơn nhiều so với phẫu thuật truyền thống, bảo tồn được các chức năng thần kinh quan trọng.

Thu vi voi nhung robot duoc su dung o cac benh vien tai TP.HCM
Robot Modus V Synaptive trị giá 54 tỷ đồng được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Nhân dân 115

...đến robot cô Tấm triệu đồng, hàng nội

Nhiều bệnh viện thay vì chi hàng triệu đô la để mua sắm robot đắt tiền từ nước ngoài, đã chịu khó mày mò chế tạo ra robot made in Việt Nam. Nhiều nhất có lẽ là những robot của Bệnh viện Quân dân y miền Đông.

Mang tên cô Tấm, con robot này được chế tạo với hình dáng con người – như một nữ điều dưỡng. Khi người dân hỏi, robot sẽ trả lời, ví dụ như hướng dẫn vị trí các phòng khám…

Tổng chi phí sản xuất chỉ khoảng 100 triệu đồng và phí duy trì mỗi tháng 6 triệu đồng. Cô Tấm robot cũng sẽ cất tiếng nhắc nhở nếu phát hiện ai đó ở bệnh viện hút thuốc.

Thu vi voi nhung robot duoc su dung o cac benh vien tai TP.HCM
Robot cô Tấm trị giá chưa đến 100 triệu đồng

Cùng với robot cô Tấm là sự ra đời của chú heo robot có chức năng lau sàn nhà vệ sinh được thiết kế bằng vỏ nhựa cứng, có khả năng chống nước, hoạt động bền bỉ với năng lượng tiêu thụ thấp.

Dựa trên nền tảng công nghệ IoT với khả năng nhận dạng người, vật cản đã tạo nên tính linh hoạt cho robot. Robot lau sàn có thể liên kết với “Hệ thống quan trắc nhà vệ sinh” để tự động hóa việc lau dọn nhà vệ sinh. Khi hệ thống quan trắc cảnh báo nhà vệ sinh bẩn, robot sẽ tự động thực hiện việc lau dọn.

Với hình ảnh ngộ nghĩnh và lạ mắt, robot lau sàn nhà vệ sinh cũng có tác động không nhỏ đến tâm lý bệnh nhân, khiến người bệnh quên bớt bực dọc, khó chịu khi chờ đợi khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Thu vi voi nhung robot duoc su dung o cac benh vien tai TP.HCM
Robot lau sàn nhà vệ sinh tự động có hình dạng chú heo có thể giảm stress cho bệnh nhân khi chờ đợi khám chữa bệnh ở bệnh viện.

Bệnh viện Quân dân y miền Đông còn chế tạo được robot cánh tay hỗ trợ người khuyết tật. Cánh tay giả có khả năng chuyển động cầm nắm các vật dụng thông thường, chi phí thấp phù hợp với thu nhập của bệnh nhân.

Nguyên tắc hoạt động của cánh tay giả là tiếp nhận các tín hiệu điện thế tế bào (EMG) từ các bó cơ của người bệnh, từ đó chuyển đổi thành tín hiệu số (digital) đến vi xử lý để điều khiển tập hợp các bộ phận chuyển động phức hợp của cánh tay, từ các khớp, gân, ngón tay, mô phỏng toàn bộ quá trình hoạt động của bàn tay người.

Thu vi voi nhung robot duoc su dung o cac benh vien tai TP.HCM
Robot cánh tay giả giúp người khuyết tật cầm nắm, trị giá 60 triệu đồng

Cánh tay giả giúp những người khuyết tật có thể sinh hoạt một cách bình thường, tự phục vụ những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, cũng như tìm được công việc có mức thu nhập ổn định, không còn tự ti là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Giá trị của cánh tay giả chỉ khoảng 60 triệu đồng.

5 robot này đều lọt vào danh sách 20 sản phẩm trong bình chọn Giải thưởng Y tế thông minh do Sở Y tế TP.HCM tổ chức năm 2019.

Chiều 14/12, UBND TP.HCM đã trao bằng khen cho 4 bệnh viện có sản phẩm đoạt giải nhất trong Giải thưởng Y tế thông minh do Sở Y tế TP.HCM tổ chức năm 2019, bao gồm: 

- Giải pháp thay thế CPU truyền thống bằng Raspberry Pi giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường của Bệnh viện Nhi đồng 1;

- Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi dùng robot Da Vinci của Bệnh viện Bình Dân;

- Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện: “Code grey” của Bệnh viện Nhân dân Gia Định;

- Mô hình Bệnh viện số của Bệnh viện quận Thủ Đức.

Giải thưởng Y tế thông minh 2019 thu hút 91 sản phẩm dự thi từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI