Thú vị bộ sách của 3 nhà văn hóa miền Nam

15/03/2024 - 19:28

PNO - Bộ sách: Chuyện giải buồn (Huỳnh Tịnh Của) in năm 1886, Chuyện đời xưa (Trương Vĩnh Ký) in năm 1867, Chuyện cười cổ nhân (Vương Hồng Sển) in năm 1972 vừa được Nhà xuất bản Trẻ tái bản với hình thức mới, có nhiều hình minh họa, mỹ thuật trang nhã.

Về mặt tài liệu, đáng chú ý là quyển của cụ Sển. Do có nhiều sách cũ nên cụ đã tuyển chọn nhiều chuyện cười của các tác giả khác cũng ở miền Nam như Chuyện khôi hài của Trương Vĩnh Ký in năm 1882, Truyện tiếu lâm của Phụng Hoàng San in năm 1912…

Trong lời kết Chuyện đời xưa, cụ Trương Vĩnh Ký viết: “Hễ làm lành thì gặp lành, mà làm dữ thì gặp dữ, chẳng chầy thì kíp, chạy đàng trời không khỏi. Làm ơn mắc oán sự thường. Nhưng vậy ơn cũng chẳng mất đi đâu, làm sao cũng sẽ trả, chẳng người nầy thì người khác, chẳng thế nầy thì thế khác. Nên ai cứ làm lành thì sẽ gặp lành”. Không chỉ người miền Nam mà người Việt nói chung cũng đồng suy nghĩ này.

Bộ 3 tác phẩm của các nhà văn hóa miền Nam vừa được Nhà xuất bản Trẻ tái bản
Bộ 3 tác phẩm của các nhà văn hóa miền Nam vừa được Nhà xuất bản Trẻ tái bản

Thế nhưng, điều độc đáo nhất là qua cách kể, thế hệ hôm nay có thể biết được lời ăn tiếng nói của người miền Nam xưa. Vốn từ miền Nam có thể tìm thấy trong các chuyện như Đặt lờ trên cây (cười sự thiếu hiểu biết), Bốn anh học trò đặt thơ trong chùa (thơ con cóc, cười sự dốt mà tưởng mình hay), Ông thầy ăn khín bánh của học trò (cười sự tham ăn), Học phép hà tiện (cười sự bủn xỉn), Bạn học trò một người đậu một người rớt (chê sự giàu có rồi bỏ bạn, bỏ vợ)…

Có nhiều từ trong Nam sử dụng nhưng miền Bắc, Trung thì lại không. Như trong lời bàn về chuyện Thầy hù, cụ Sển viết: “Tại sao người lớp trước ở miền Nam thường gọi những người chuyên môn cạo đầu ráy tai, làm nghề hớt tóc cạo râu là “thầy hù”? Tôi tra không thấy sách xưa hay nay nào cắt nghĩa 2 tiếng này. Và “thầy hù” ngày xưa cũng có nghĩa là “người hay nói láo”.

Trong bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của có ghi: Hù: Tiếng nhát sợ, nhứt là nhát con nít. Mà giả tiếng cọp kêu. Một nghĩa khác nữa là rên rỉ, rên hù hù; cọp hù: tiếng cọp hộ vằn”. Ngoài ra còn có thể kể đến hàng loạt từ khác như chọn nhón, va, đợ thân, điền điệp, đói bụng thét, trớ trinh…

Có thể những chuyện kể này chúng ta đã biết, nhưng càng đọc càng thích thú, vì cách kể chuyện mang sắc thái riêng biệt của người miền Nam. Chẳng hạn, chuyện Con ruồi bị thưa bị đập: “Một người kia ở xứ rẫy bái quê mùa. Đến bữa nó đơm quải dọn ra một mâm cúng; con ruồi lên đậu ăn. Thì người chủ giận sao nó có hỗn; mới đi thưa với quan huyện rằng: “Lạy ông, tôi cúng cho cha mẹ tôi, mà con chi không biết, nó bay lên nó ăn trước đi, hỗn-hào quá lắm”. Ông huyện mới biểu nó: “Hễ nó hỗn-hào vô phép, thì gặp nó đâu đánh nó đó”. Nói vừa buông miệng, con ruồi ở đâu bay lại, đậu trên mặt ông huyện ấy; thì thằng ấy nói: “Bẩm ông, ông mới xử nó làm vậy, mà nó còn dể ngươi nó tới đậu trên mặt ông”. Vừa nói vừa giơ tay dang cánh, đánh một vả trên mặt ông huyện xửng-vửng”.

Đây là một trong hàng trăm truyện của 3 tập sách, có thể ghi nhận là một tài liệu quý báu để tìm về lời ăn tiếng nói của người miền Nam thuở trước. Không những thế, còn có thể tìm thấy nét sinh hoạt xưa tại vùng đất này về đối nhân xử thế, phong tục, cách nghĩ… của người bình dân, vừa mang lại những tiếng cười vui, vừa ẩn tàng sự thâm thúy; cả vật dụng một thời đã biến mất như: cái xiểng, võng điều, nồi bung, hầu bao, ruột tượng…
Sách cũ nhưng vẫn mới là thế. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI