PNO - PN – Năm lớp 8, lần đầu tiên Thư được biết đến một thỏi son dưỡng, và giấc mơ về một thỏi son trong suốt bắt đầu ám ảnh cô. Tốt nghiệp phổ thông, đi du học Mỹ, thay vì chọn một ngành gì đó “ra hồn” như kỳ vọng của...
edf40wrjww2tblPage:Content
Năm lớp 8, lần đầu tiên Thư được biết đến một thỏi son dưỡng, và giấc mơ về một thỏi son trong suốt bắt đầu ám ảnh cô. Tốt nghiệp phổ thông, đi du học Mỹ, thay vì chọn một ngành gì đó “ra hồn” như kỳ vọng của bố mẹ, Thư học làm mỹ phẩm. Vào tháng 9/2009, Thư đã có những mẩu xà phòng và những thỏi son handmade đầu tiên để tặng bạn bè (mà không phải ai cũng đủ liều lĩnh để dùng thử). Một công việc tốt như trong mơ tại VTV không đủ để Thư thấy yên ổn, cô vẫn tự làm son dưỡng để bán.
Nhưng vào thời điểm 2010, không ai đặt niềm tin cho thứ mỹ phẩm làm theo cách thủ công, ra đời bên ngoài phòng lab hiện đại của dây chuyền sản xuất. Cả thị trường chỉ có một mình Thư bán mỹ phẩm handmade, nói chung đó là một khái niệm xa lạ và gây nghi ngờ. Rồi Thư lấy chồng và sinh con, cô rao thanh lý toàn bộ nguyên vật liệu làm mỹ phẩm còn lại trong nhà. Để bán được, Thư quay những video clip hướng dẫn cách làm mỹ phẩm. Không ngờ những clip ấy được chào đón và chia sẻ ngoài kỳ vọng, nhiều cô gái trẻ nhận thấy làm mỹ phẩm handmade có thể là một công việc đầy niềm vui và cảm hứng, đồng thời lại có thu nhập tốt. Thế là ngẫu nhiên Thư trở thành người hướng dẫn làm mỹ phẩm kiêm nhà cung cấp nguyên liệu. Và Grandpa’s Garden ra đời.
Thư nói, ai cũng có một nỗi ám ảnh gì đó, và họ sẽ vô thức bị dắt đi theo ám ảnh của mình. Thư thích khuấy và đun, quấy tung và trộn các thứ với nhau, rồi làm nó sôi sùng sục - như một phù thủy. Quả thật, đã nhiều người gọi Thư là “phù thủy mỹ phẩm”. Món mỹ phẩm đầu tiên Thư làm là xà phòng. Cũng vẫn là xà phòng, Thư dạy học, viết sách, làm clip hướng dẫn, trong khi tiếp tục làm nó mỗi ngày. “Xà phòng là một thứ không lường được, nó có thể nổ tung như ngọn núi lửa cho dù bạn có tay nghề đến 20 năm. Bạn cũng không thể đoán trước về nó, bạn vẽ, cắt ra và phải đợi chờ trong sáu tuần thì mới được biết nó thực sự thế nào. Bạn có thể ao ước về các phẩm chất, như nhiều dưỡng hơn, sạch hơn, cứng hơn, nhiều bọt hơn, giữ màu lâu hơn... nhưng chẳng thể khẳng định bạn sẽ kiểm soát được nó. Vì thế mà tôi không thể chán việc làm xà phòng”.
Còn son thì sao? “Tôi luôn muốn làm được một thỏi son trong veo. Đó là giấc mơ của tôi, theo mọi nghĩa. Khoảnh khắc trong vắt sẽ chỉ diễn ra rất ngắn trong cuộc đời một thỏi son. Tôi phải làm nhiều mẻ để được chứng kiến khoảnh khắc này. Chưa làm được thỏi son mãi trong là lý do tôi vẫn tiếp tục làm những mẻ son mới”. Cứ như một đứa trẻ trong xứ sở Neverland luôn nhặt được những món quà cho mình, Thư chẳng hết kinh ngạc khi đã làm ra cả son bóng, son nền, son màu, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem dưỡng toàn thân, kem làm trắng, kem trị mụn - thâm - sẹo, nước hoa khô, nước hoa lăn, xịt khử mùi, xịt khoáng, kem đánh răng, kem massage...
“Vài năm trước, tôi đã... lỡ tay làm được son nước, chỉ vì dùng thiếu sáp ong. Thế là bây giờ chúng tôi có một quyển các công thức làm son nước theo kiểu “quy trình thực hành sản xuất tốt” (GMP) cho mỹ phẩm. Mới đây, tôi vừa đẻ ra cách làm son lót, sau câu hỏi “Ô, hết phẩm màu rồi, làm gì bây giờ?”. Son lót thì, bạn biết đấy, nó là một thỏi son trắng toát mà bạn dùng dưới lớp son màu. Nó giúp bạn không phải dùng nhiều son màu mà màu son vẫn lên đúng và đậm. Với công thức của tôi, son lót còn dùng để dưỡng môi, nó được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên và lành tính. Nếu bạn sợ son màu của mình nhiều chì sẽ làm thâm môi, thì bạn cách ly môi bạn khỏi chúng bằng một lớp son lót”.
Có không ít những công thức ra đời kiểu “ất ơ” như thế tại Grandpa’s Garden. Như một ngày đẹp trời, Thư tự hỏi “Không biết dùng sữa mẹ làm xà phòng thì thế nào nhỉ?” - và cô có xà phòng sữa mẹ (giờ thì ở Việt Nam rất nhiều người làm xà phòng sữa mẹ). Son gấc, xà phòng gấc, viên thả bồn tắm từ bùn đỏ, muối và thảo mộc... đều là những sản phẩm mang đậm cá tính nghệ sĩ và bay bổng của Thư.
Grandpa’s Garden đã mở nhiều khóa học tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, học viên có cả những người từ nước ngoài về. Thư và những đồng sự của mình còn tổ chức dạy nghề miễn phí cho 120 phụ nữ, là sinh viên nghèo, người thất nghiệp, mẹ đơn thân, người tật nguyền... với mong muốn những học viên này có thể trang trải cuộc sống của mình bằng cách tự làm và bán mỹ phẩm, hoặc xin việc tại các công ty mỹ phẩm uy tín. Trên YouTube có hàng chục video Đỗ Anh Thư dạy cặn kẽ quy trình làm từng loại mỹ phẩm. Nhiều người thấy việc không giấu nghề ấy hơi kỳ lạ, bởi Grandpa’s Garden vẫn sản xuất và bán thành phẩm. Thư cười nhẹ, “Mẹ tôi hỏi, nếu dạy người ta hết thì mình còn lại cái gì? Tôi chịu. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ giấu bí quyết. Tôi không có đường hướng chiến lược nào cụ thể. Tôi luôn nghĩ rằng tôi đang sống những ngày cuối. Không có ngày mai để để dành”.
Có phải bạn định hỏi tôi, vì sao lại là Grandpa’s Garden? Đó chính là điều tôi đã hỏi Thư ngay trong lần đầu tiên gặp cô gái mảnh khảnh và trong veo ấy.
Thế là Thư kể về ông nội mình - người mà ở tuổi 87, vẫn chọn mặc quần jeans và đội mũ lưỡi trai ra đường. Khi đi đường, ông thường huýt sáo một bài hát nào đó có nội dung kiểu như là “trời thật là đẹp và cô em trước mắt ta thật là mốt”. Người mà trên bàn làm việc luôn có một cuốn sách đang mở và đang được dịch, có tủ sách được sắp xếp cực kỳ thích mắt và mang màu sắc “vintage” hợp thời trang, có mùi thuốc lá và đượm mùi sách cổ.
Ông nội, người âu yếm gọi cô là “darling number one” (cô nàng ông yêu thương nhất), người truyền cảm hứng và chỉ cho cô biết: mơ mộng là một quyền năng. Ồ, thật tình cờ! Bài báo khởi nghiệp của tôi cách đây 19 năm là viết về ông nội Thư - nhà ngoại giao, dịch giả, nhạc sĩ Xuân Oanh. Bài hát Mười chín tháng Tám, Quê hương anh bộ đội, Gọi thu... là của ông. Tôi cũng đọc truyện dịch của ông từ khi còn bé, Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (Mark Twain), Trần trụi giữa bầy sói (Bruno Apitz), Hai số phận (Jeffrey Archer), Asterix... Tôi có thể nghe được lòng yêu dấu của Thư, khi cô kể về người ông đã khuất của mình: “Từ khi tôi sinh ra, bút danh của ông tôi trở thành “Anh Thư”. Tôi trở thành dịch giả từ khi chưa biết chữ. Tôi đặt Grandpa’s Garden để huề việc ông bắt tôi làm dịch giả. Và đó là cách để tôi làm ông tôi sống mãi”.
Sau 5 năm kể từ khi làm được thỏi son dưỡng và mẻ xà phòng đầu tiên, Đỗ Anh Thư đã xuất bản được cuốn sách Tự làm mỹ phẩm cùng một người bạn. Cuốn sách đó có 14 công thức mỹ phẩm, với những nguyên liệu gì, nguyên liệu đó phù hợp cho da gì và mục đích sử dụng mỹ phẩm thế nào, nên dùng trong phạm vi tỷ lệ nào. Nếu nghiêm túc và đủ say mê, bạn có thể trở thành người làm mỹ phẩm sau khi đọc xong cuốn sách của Thư.
Thư không làm kinh doanh, việc của cô là mơ mộng và nghĩ ra ý tưởng. Người đi thăng bằng dưới mặt đất (để Thư được “bay”), tất nhiên sẽ là chồng cô. “Khi làm một công việc yêu thích, có thể giống như tôi, bạn sẽ thấy mỗi ngày rất đáng giá và bạn chưa bao giờ đi lạc khỏi thế giới thần thoại của mình. Có lẽ tôi không giúp gì được cho rất nhiều người. Nhưng mỗi khi một ai đó trở nên vô cùng phấn chấn với thỏi son đầu tay, nói họ có cảm giác năng lực của mình không có giới hạn, thì đó không phải là cảm xúc họ gặp được nhiều lần trong đời. Chưa biết họ sẽ “hạnh phúc mãi mãi” như những cái kết cổ tích không, nhưng tôi biết tôi đã truyền đi một phép màu nào đó”. Thư, cô ấy nói thế. ■
Đỗ Anh Thư là cô gái mơ mộng nhất mà tôi biết. Nói chuyện với Thư, có lúc tôi cảm giác như mình đang nghe độc thoại của một người tự kỷ, có lúc bị lây lan phấn khích vì những giấc mơ điên rồ của cô, có lúc bị choáng ngợp trước thế giới hoang đường mà thư có thể tạo ra bằng các loại dầu nền - hương liệu - thảo mộc - màu khoáng - sáp ong - tinh dầu và muối. Và thường thì trong tôi ngọ ngoạy một nỗi tò mò: làm cách nào để có thể được ở lại mãi trong thế giới không-thể-già-nua, như Thư?
Có lẽ Thư là người đầu tiên làm mỹ phẩm handmade ở Việt Nam. Cô không kinh doanh, mà tạo trào lưu và truyền cảm hứng. Thậm chí thư cũng không ý thức rằng mình sẽ làm những việc (có vẻ ghê gớm) như thế, đơn giản vì cô chỉ chuyên chú đi vào khu vườn bí mật của chính mình - nơi cô cất giấu những ao ước viển vông, sự say mê và niềm kinh ngạc vô hạn. Khu vườn ấy, Thư đặt tên là Grandpa’s Garden.
Khi bạn làm mỹ phẩm, bạn không chỉ đang làm đẹp, mà bạn làm đẹp dựa trên tri thức của chính bạn.
Không một hãng mỹ phẩm nào có thể làm sản phẩm kem dưỡng trắng da vùng hõm má dùng cho người da đỏ vào ban ngày và đen vào ban đêm lại có in hình tự sướng của khách hàng lên mặt trên của hộp kem cách 15mm so với thành hộp cả. Chỉ có bạn mới làm được điều ấy.
Cam đặc sản có giá từ 70.000-100.000 đồng/trái rụng hàng loạt trước tết khiến nhiều chủ vườn thấp thỏm lo âu, không dám nhận tiền cọc đặt cam tết của khách hàng.
Finelife Foodstore Lumière An Phú - một thương hiệu thuộc sở hữu của Saigon Co.op vừa khai trương tại chung cư Lumière Riverside (phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM).
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.