Thủ tướng: Xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng bay trên "cao tốc EVFTA"

06/08/2020 - 15:36

PNO - Tại hội nghị, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đã đề cập nhiều vấn đề, từ tác động trực tiếp đến tính hiệu quả của việc triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cũng như tận dụng những cơ hội và lợi ích mà hiệp định này mang lại.

Sáng 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA”. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020; như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới.

Ông Vũ Tiến Lộc -  Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng tham gia Hiệp định EVFTA như là chơi với người khổng lồ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội. Trong đó, phát triển bền vững chính là giấy thông hành để doanh nghiệp bước chân được vào thị trường châu Âu.

Ông ví von "tuyến cao tốc EVFTA" mở ra giữa Việt Nam và EU không chỉ cho xe siêu trường, siêu trọng mà còn cho cả các xe tải nhỏ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để chuẩn bị tốt cho việc bước chân vào thị trường châu Âu, Việt Nam cần gia cố chiếc kiềng 3 chân: thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các vị khách quốc tế tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các vị khách quốc tế tại hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đứng thứ 3 thế giới với thị phần chiếm 6%, nhưng đối với thị trường châu Âu, chỉ chiếm 2,2%. Do đó, EVFTA là cơ hội lớn để dệt may Việt Nam vươn lên, chiếm thị phần tương xứng. Nghĩa là trong 5 năm tới, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam có thể đạt 15-20 tỷ USD, chứ không chỉ 5,5 tỷ USD như hiện nay.

Hiện tại, trong 8.500 doanh nghiệp dệt may trong nước, 85% có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng, 15% trên 50 tỷ đồng và quy mô vốn trên 500 tỷ đồng thì chỉ có 3%. Nhà nước cần có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI và cần có các khu công nghiệp được quy hoạch cho sản xuất nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ cho dệt may.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Việt Nam đứng thứ 4 trong số quốc gia xuất khẩu thủy sản vào châu Âu với 1,3 tỷ USD. Nếu so với cách đây 20 năm, chỉ xuất được 129 triệu USD, chúng ta tăng được 10 lần. Đây là cơ hội thứ 2 để tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản khi có Hiệp định EVFTA.

Đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam đến dự Hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu
Đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam đến dự hội nghị - Ảnh: Quang Hiếu

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - cho biết đã chủ động tăng tỉ lệ nội địa hóa để đáp ứng yêu cầu của EVFTA, thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường EU cũng như nỗ lực hơn khi đặt mục tiêu tăng gấp 2 lần kim ngạch xuất khẩu vào EU, lên 40 triệu USD vào năm 2021 từ mức 20 triệu USD như hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi đi vào hiệu lực, Hiệp định EVFTA sẽ như một tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn giữa EU và Việt Nam. Từ đây, người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu; các doanh nghiệp của hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Dù xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi, cùng bay trên cao tốc ấy.

Chính phủ đã có kế hoạch hành động với 5 nhóm nhiệm vụ gồm 41 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA.

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI