Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ chức: Thổ đang tự đẩy mình rời xa phương Tây?

06/05/2016 - 07:35

PNO - Hôm 5-5, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố từ chức, mở đường cho tổng thống nước này theo đuổi chính sách hợp nhất quyền lực.

Thu tuong Tho Nhi Ky tu chuc: Tho dang tu day minh roi xa phuong Tay?
Tổng thổng Thổ Nhĩ KỲ Raccep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmed Davutoglu

“Tôi quyết định rằng để hợp nhất đảng cầm quyền, sự thay đổi Chủ tịch đảng là điều cần thiết. Tôi sẽ không cân nhắc việc tham dự đại hội đảng vào ngày 22-5 tới” – ông Davutoglu thông báo trên cả nước.

Trước đó, tại cuộc họp các nhà lãnh đạo của Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền (AKP), ông Davutoglu cũng đề cập tới ý định từ chức.

Tuy nhiên, quyết định của ông Davutoglu chưa có hiệu lực vào ngay lúc này bởi AKP dự kiến tổ chức một hội nghị khẩn cấp vào ngày 22-5 để chọn ra tân chủ tịch đảng, người sẽ đảm nhiệm luôn chức vụ thủ tướng.

Trong số các ứng viên tiềm năng kế nhiệm ông Davutoglu có Bộ trưởng Giao thông vận tải Binali Yildirim (nhân vật thân cận với Tổng thống Erdogan) và Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak (con rể của tổng thống Erdogan).

Được biết,  ông Davutoglu từng đặt vấn đề nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Mặc dù  lực lượng vũ trang người Kurd hiện đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết xung đột Syria, nhưng Tổng thống Erdogan lại coi lực lượng này là kẻ thù.

Theo AP, ông Davutoglu dự kiến chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong khi tổng thống Erdogan lên kế hoạch tập trung quyền lực. Tuy nhiên vị thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng để hoạt động độc lập dẫn đến những bất đồng khó hòa giải với nhà lãnh đạo của mình.

Các cuộc đàm phán giữa 2 đồng minh chính trị kéo dài gần 2 giờ hôm 4/5 cũng không đủ để giải quyết những khác biệt giữa họ. Tổng thống Erdogan đã đặt vấn đề với thủ tướng Davutoglu sau khi ông này đưa ra khả năng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định các hoạt động quân sự sẽ tiếp tục cho đến khi quân nổi loạn bị tiêu diệt, đồng thời PKK không còn là mối đe dọa đối với Ankara.

Ông Davutoglu cũng khiến vết nứt trong quan hệ với tổng thống Erdogan lan rộng khi phản đối việc giam giữ trước khi xét xử các nhà báo bị buộc tội làm gián điệp cùng các học giả lên tiếng hỗ trợ PKK.

Trên thực tế, ông Davutoglu chỉ hỗ trợ nửa vời cho hệ thống quyền lực độc tài mà ông Erdogan đang hướng đến. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ muốn thực thi chính sách tập trung quyền lực mà còn muốn đẩy nhanh tiến trình này.

Theo nhà báo người Canada Doug Saunders, hiện tại Canada và các nước đồng minh đang phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong các chiến dịch quân sự tại Iraq và Syria. Thêm vào đó nước này đã chấp nhận 3 triệu người tị nạn và đóng góp lớn trong việc ngăn chặn dòng người tị nạn đổ vào châu Âu. Thế nhưng, ông Saunders cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành “một vấn đề lớn”.

Giới quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, chiến dịch của họ là nhằm đối phó với các phong trào Hồi giáo cực đoan và người Kurd, tuy nhiên trên thực tế ông Erdogan đang ngăn chặn các nhóm đối lập để đảm bảo quyền lực tuyệt đối của mình.

Ông Saunders cho rằng ông Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống nhờ đánh vào sự sợ hãi người Kurd, và xung đột giữa hai bên hoàn toàn là do ông Erdogan tạo ra.

“Người Kurd tại Syria và Iraq là đồng minh quan trọng nhất của phương Tây và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột Syria. Bằng cách biến họ trở thành kẻ thù chỉ vì họ đe dọa tham vọng chính trị của mình, ông Erdogan đang hủy hoại Thổ Nhĩ Kỳ và làm quốc gia này mất đoàn kết lẫn nhau”

“Chính quyền của ông Erdogan đã dùng những biện pháp mà chỉ những chế độ độc tài thường làm, khi ngăn chặn tiếng nói truyền thông. Chúng ta không thể coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh nữa” Ông Saunders nhận định.

Như vậy, việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu - người có khả năng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Đảng Công nhân người Kurd từ chức vào thời điểm này khiến cho khoảng cách giữa Thổ và EU ngày một xa.

Đồng thời, sự kiện này đã đẩy mâu thuẫn nội tại trong chính quyền Ankara trở nên ngày càng nghiêm trọng, dự báo một tương lai đầy bất ổn cho Thổ Nhĩ Kì.

Minh Ngọc (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI