|
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Quảng Nam đạt được trong thời gian qua. |
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những năm qua, Quảng Nam từ một tỉnh chậm phát triển đã vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực và đóng góp 14% vào ngân sách Trung ương từ năm 2022. Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 23.773 tỷ đồng, gấp hơn 102 lần so với năm 1997. Kinh tế phát triển toàn diện, tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 1997 - 2021 đạt 9,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp tăng từ 52,3% năm 1997 lên 85,9% năm 2021; lao động nông nghiệp giảm từ 78,2% năm 1997 xuống còn 36,8% năm 2021. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 68 triệu đồng, gấp gần 31 lần so với năm 1997.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã thu ngân sách gần 8.300 tỉ đồng, đạt hơn 37% dự toán trung ương giao, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo khả năng thu ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn thành dự toán năm và có khả năng vượt. Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam cũng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) từ 7,5-8%; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 23.700 tỉ đồng (tăng 22,4% so với dự toán giao năm 2021).
Doanh nghiệp phát triển nhanh và thu hút được nhiều dự án đầu tư. Thời gian đầu mới tái lập, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng vài trăm doanh nghiệp, trong đó có dưới 10 doanh nghiệp FDI với vốn đăng ký đầu tư dưới 20 triệu USD thì đến nay trên địa bàn tỉnh có 193 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 5,8 tỷ USD; hơn 8.138 doanh nghiệp đang hoạt động.
Bên cạnh những mặt đạt được, Quảng Nam hiện nay đang gặp những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nổi bật là các hạ tầng chiến lược để tạo sức bật mạnh cho tỉnh như Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và cảng biển Chu Lai chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng; vùng phía Tây của tỉnh Quảng Nam có điều kiện tốt về phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản, nông lâm nghiệp, dược liệu, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái nhưng hạ tầng giao thông (chủ yếu là các tuyến quốc lộ) từ đồng bằng lên miền núi còn nhỏ hẹp, xuống cấp, hư hỏng gây cản trở rất lớn cho sự phát triển của miền núi.
|
Quảng Nam kiến nghị với đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam |
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị về việc nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo 2 Di sản văn hóa là Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn.
Đồng thời, Quảng Nam cũng kiến nghị với đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hoá, mua lại các ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân là các di tích có giá trị đặc biệt, loại 1, loại 2 trong khu phố cổ, các di vật có liên quan đến khu phố cổ Hội An, trưng mua lại các vật chứng xây dựng Bảo tàng văn hóa Chăm - Mỹ Sơn. Quỹ bảo tồn di sản là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp quản lý.
|
Thủ tướng biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao thành quả, sứ mệnh mà Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) theo đuổi suốt 25 năm qua |
Sau khi nghe các kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của Quảng Nam sau 25 năm qua cũng như những dấu ấn gần đây mà Quảng Nam đã đạt được. Thủ tướng cho rằng tiềm năng của tỉnh rất lớn, nhiều điều kiện phát triển, song sự phát triển ở Quảng Nam vẫn chưa tương xứng. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cũng còn hạn hẹp, chưa khai thác hết hạ tầng chiến lược về giao thông, hạ tầng chuyển đổi số còn bất cập, khó khăn do biến đổi khí hậu tác động đến quá trình phát triển.
Đối với những điểm nghẽn mà Quảng Nam đang phải xử lý do vướng về thể chế, cơ chế chính sách, nhiều vướng mắc mang phạm vi chung cả nước, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành phải cố gắng xử lý trong thẩm quyền, phối hợp với tỉnh để giải quyết, không để kéo dài.
Về nguyên tắc, Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của tỉnh, đề nghị các Bộ, ngành phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam xử lý để tháo gỡ các điểm nghẽn do đây là những vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn.
Đối với Cảng biển, dịch vụ logictics, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ GTVT chủ trì, cùng với tỉnh hoàn thiện các thủ tục theo đúng luật pháp, nếu vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, tỉnh cũng phải chủ động. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, thẩm quyền, làm việc với tỉnh để tìm hướng giải quyết các kiến nghị của Quảng Nam.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến tham quan Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, khảo sát thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco).
Nguyễn Dương