Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích 2.095km2, bao gồm TP Thủ Đức và 21 đơn vị hành chính cấp quận, huyện.
Quan điểm phát triển TPHCM toàn diện theo định hướng xây dựng thành một đô thị hiện đại, văn minh, nghĩa tình, sáng tạo, với kinh tế xanh, hạ tầng thông minh và môi trường bền vững, phù hợp các nghị quyết và chiến lược quốc gia; đổi mới mô hình tăng trưởng và kinh tế tiên tiến; ưu tiên các ngành công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ; giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ khu vực Đông Nam Á, lan tỏa phát triển vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Phát triển lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, và công nghiệp văn hóa. Xây dựng hạ tầng văn hóa hiện đại, bảo tồn giá trị văn hóa, thúc đẩy du lịch và thể thao.
Tái cơ cấu không gian đô thị với trung tâm nội thành, TP Thủ Đức và các đô thị vệ tinh. Phát triển theo hướng đa trung tâm, xanh, thông minh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, kết nối hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với văn hóa, bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân và tăng cường hội nhập quốc tế. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
|
Cầu Rạch Đỉa nối huyện Nhà Bè và quận 7 được thông xe vào cuối tháng 11/2024 góp phần phát triển kinh tế khu vực phía nam TPHCM - Ảnh: Vũ Quyền |
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, TPHCM là đô thị toàn cầu với nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước.
Thành phố phải hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á với chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của thành phố đạt khoảng 8,5-9%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, TPHCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của Vùng TPHCM và Vùng Đông Nam Bộ; là cực tăng trưởng của cả nước.
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội đối với giao thông đường bộ, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ và đường vành đai đảm bảo kết nối liên vùng, giải quyết tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố.
Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt khu đầu mối TPHCM. Tiếp tục đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị gắn với phát triển các khu đô thị theo mô hình TOD, đảm bảo kết nối, đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Phát triển cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cấp 4E, công suất 50 triệu hành khách. Hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố là trung tâm đầu mối các tuyến đường thủy nội địa khu vực phía Nam. Chú trọng phát triển 3 hành lang vận tải thủy liên vùng là TPHCM - Cần Thơ - Cà Mau; TPHCM - An Giang - Kiên Giang và Bà Rịa Vũng Tàu - TPHCM - Tây Ninh.
Cảng biển thành phố thành loại đặc biệt, gồm 7 khu bến chính là khu bến Cát Lái - Phú Hữu; khu bến Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp); khu bến trên sông Sài Gòn; khu bến Nhà Bè; khu bến Long Bình; khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ. Phát triển các trung tâm logistics hàng không, trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng cạn tại thành phố…
Một trong các giải pháp hàng đầu để huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư thực hiện quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Theo đó, tiếp tục mở rộng phân cấp phân quyền cho chính quyền thành phố trong 5 lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn, tạo thêm dư địa cho địa phương trong huy động nguồn lực phát triển và nâng cao hiệu lực hiệu quả, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo các bước đột phá các ngành kinh tế chủ lực.
Tăng cường các biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ ngân sách nhà nước, gắn với nuôi dưỡng nguồn thu. Tập trung đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án; có kế hoạch chi tiết triển khai đồng bộ, hiệu quả các công trình trọng điểm, mang tính động lực.
Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM; các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trọng tâm và khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xã hội. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy thị trường tài chính và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế…
Quốc Ngọc