Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai mạc Diễn đàn kinh tế TPHCM

25/09/2024 - 10:17

PNO - Sáng 25/9, UBND TPHCM tổ chức Diễn đàn kinh tế TPHCM (Ho Chi Minh City Economic Forum - HEF) lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM”.

Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương trong nước và quốc tế…

Các đại biểu tham dự diễn đàn kinh tế TPHCM
Các đại biểu tham dự diễn đàn kinh tế TPHCM - Ảnh: H.Hùng

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, định hướng của TPHCM là xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại, nghĩa tình nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Theo ông, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho TPHCM đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại, ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc diễn đàn
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc diễn đàn

Để làm được nhiệm vụ đề ra thành phố cần các giải pháp bền vững, phát triển bền vững. Và TPHCM chọn chuyển đổi xanh nhiệm vụ trọng tâm là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu.

Ông cho biết, trước mắt TPHCM phải tập trung vượt qua khoảng cách lớn. Đó là cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ môi trường, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách thể chế, thủ tục hành chính. TPHCM cũng cần có những cơ chế chính sách vượt trội, đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển. Cùng với đó, TPHCM mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư hoạt động và phát triển.

Theo ông, qua các kỳ Diễn đàn Kinh tế TPHCM, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe và nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi cùng những kinh nghiệm cũng như các kế sách đầy quý báu của các đại biểu trong nước và quốc tế. Với nguồn tài nguyên đó, chính quyền thành phố đã đưa vào từng giai đoạn, tiếp thu và đưa ra các chỉ đạo hiệu quả cho nền kinh tế.

Các chuyên gia quốc tế tham dự sự kiện
Các chuyên gia quốc tế tham dự sự kiện

Diễn đàn HEF 2024 sẽ xoay quanh 6 nội dung chính gồm: Xu thế chủ đạo (Megatrend) về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TPHCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TPHCM gắn với chuyển đổi công nghiệp; Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.

Tại phiên toàn thể của HEF 2024, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp TPHCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TPHCM gắn liền với chuyển đổi công nghiệp; kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp của Trung Quốc; tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyển đổi công nghiệp phục vụ tăng trưởng và phát triển xanh, bền vững…

Đặc biệt, Phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ sẽ diễn ra chiều 25/9 với nội dung phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phần hỏi đáp với các bộ, ngành, địa phương. Hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Mai Ca

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • fghjk 25-09-2024 14:41:10

    Nhân hôm nay Chính phủ họp, đề xuất sẽ trình Quốc hội thẩm định 2 phương án làm đường sắt tốc độ cao, tư vấn đề nghị "toàn tuyến đồng thời"
    Cả 2 phương án (PA) là "PHÂN KỲ giai đoạn 1 làm 2 đoạn ngắn" và "toàn tuyến đồng thời" đều không hiệu quả bằng PA "giai đoạn 1 từ hoặc Hà Nội hoặc Sài Gòn đến giữa là Đà Nẵng và giai đoạn 2 nhờ PA này có hiệu quả hơn nên làm ngay tiếp nửa còn lại".
    Do đường sắt tốc độ cao và đường sắt container không thể đi trên cùng tuyến đường sắt nên nếu "nửa này" của đất nước làm đường sắt tốc độ cao thì "nửa kia" cải tạo đường sắt hàng hóa lên 150km/g
    =>Vốn đầu tư chỉ cần 1/2 đã có thể khai thác hiệu quả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI