Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh

23/10/2023 - 12:03

PNO - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả, triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo phục hồi nhanh trong thời gian tới.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới 

Điểm sáng kinh tế toàn cầu

Sáng 23/10, tại ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kinh tế xã hội Việt Nam có xu hướng phục hồi, "tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước", tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. 9 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thị trường lao động phục hồi tích cực…

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, tăng 6,3% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi.

“Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới”, Thủ tướng nói.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh  được củng cố, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường cũng ghi nhận nhiều kế quả tích cực

Doanh nghiệp, người dân còn khó khăn

Tình trạng doanh nghiệp mất đơn hàng, một bộ phận người lao động thất nghiệp

Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, một bộ phận người dân còn khó khăn

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. 9 tháng đầu năm 2023 có tổng số 135.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể (thấp hơn tổng số 165.200 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm.

Việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm. Du lịch quốc tế phục hồi chậm.

Thủ tướng chia sẻ, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ. Lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để.

An ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mạng; còn để xảy ra một số vụ việc cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề…

Trong những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.

Theo đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng; tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, tết. Tất cả các bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

“Tích cực phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả; nắm chắc tình hình, làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, nhân dân, nhất là trong dịp tết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

M. Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI